Ninh Thuận tổng kết mô hình nuôi vịt biển
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận tổ chức hội nghị tổng kết mô hình thử nghiệm nuôi vịt biển tại các xã Hộ Hải, Phương Hải, huyện Ninh Hải.
Giống Vịt biển 15 - Đại Xuyên
Huyện Ninh Hải là địa phương bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nước nhiễm mặn do nuôi tôm. Thời gian qua, huyện đã nghiên cứu đưa vào thử nghiệm các loại vật nuôi thích nghi với điều kiện mặn cao nhưng không hiệu quả.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Ninh Hải tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình nuôi vịt biển sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 2 xã nói trên với quy mô 400 con (200 con/hộ/xã).
Giống vịt được chọn nuôi thử nghiệm là Vịt biển 15 - Đại Xuyên (do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi nghiên cứu và chọn tạo) đã được nuôi thử nghiệm thành công ở nhiều vùng biển các tỉnh có độ mặn cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh và 33 điểm ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Thời gian thử nghiệm nuôi từ tháng 4 đến tháng 12/2017, đánh giá kết quả sơ bộ như sau:
- Tỷ lệ sống chuyển lên giai đoạn đẻ đạt 90,25% (kết quả có 361/400 con còn sống), đạt cao hơn yêu cầu của mô hình 10,25% (≥80%), vịt đạt trọng lượng từ 2,3 - 2,6kg/con mái, 2,5 - 2,8kg/con trống. Trong tổng số 361 con, đã bán thịt 191 con trống và mái với giá 75.000 đồng/con, trừ các khoản chi phí lợi nhuận gần 20.000 đồng/con; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế 15% so với các hộ nuôi giống vịt địa phương.
- Số vịt còn lại là 20 con trống/150 con mái, tiếp tục nuôi lấy trứng để nhân đàn; tuổi đẻ bói đầu tiên (rớt hột) là 115 ngày (16 tuần 3 ngày). Đến nay vịt đẻ trung bình 65 trứng/đêm, chiếm tỷ lệ 43,33% (qua 12 tuần đẻ); trọng lượng trứng trung bình đẻ bói đầu tiên là 50gr/trứng, giai đoạn đẻ trứng rạ là 65gr/trứng với giá trứng bán thương phẩm từ 3.000 - 3.500 đ/trứng (trọng lượng trứng còn tiếp tục tăng).
- Đánh giá về sự thích nghi cho thấy, nước uống của vịt được chuyển dần từ độ mặn từ 2 phần nghìn lên đỉnh điểm 15 phần nghìn, vịt từ 0 - 2 tuần tuổi uống nước ngọt, từ 2 - 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 2 - 12 phần nghìn, vịt trên 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 12 - 15 phần nghìn, giai đoạn này vịt có thể bơi lội trong môi trường nước có độ mặn 20 - 25 phần nghìn.
Việc đưa vịt biển vào nuôi thành công tại Ninh Thuận được xem là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục các nhược điểm của vịt nước ngọt nuôi các vùng nước lợ vào những tháng có độ mặn tăng cao như vịt giảm sản lượng trứng, bị quăn lông và thường hay bệnh đường ruột. Từng bước góp phần giải quyết bài toán sinh kế cho các hộ vùng nước lợ, nước mặn, nơi độ mặn ngày càng tăng do tình trạng xâm nhập mặn.
Từ những kết quả đạt được, mô hình đã giúp bà con vùng ven biển, những khu vực bị xâm nhập mặn có thêm một lựa chọn đối tượng nuôi mới, không những có khả năng phát triển kinh tế gia đình mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây nhu cầu sử dụng nghệ trong chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh tăng cao. Từ đó nghề trồng nghệ bắt đầu phát triển mạnh
Kỹ thuật trồng cây thường xuân dù không rực rỡ như nhiều cây cảnh khác nhưng nó lại có tác dụng cực tốt trong việc thanh lọc không khí trong phòng làm việc
Dạy nghề “Chế biến chè xanh, chè đen” năm 2017 cho lao động nông thôn địa phương tham gia học nghề.