Những Mô Hình Kinh Tế Cho Nhà Nông
Trong những năm gần đây, việc thay đổi cơ cấu giống mới gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho nhiều nông dân ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Có nhiều hộ nhờ năng động, đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi đáng kể mức sống của gia đình và là điểm sáng cho phong trào sản xuất giỏi ở địa phương.
“Vị ngọt” của Ớt:
Sau nhiều năm thành công với mô hình trồng màu; trong vụ Đông xuân 2010 - 2011 này, chú Thạch Hên ở ấp Ô Trao xã Hiếu Tử huyện Tiểu Cần lại tiếp tục đạt được thành công bước đầu với mô hình trồng ớt Chỉ thiên số 1 trên diện tích đất của mình.
Đến tham quan thực tế mô hình, chúng tôi được biết cuối tháng 12/2010 vừa qua chú Thạch Hên đã mạnh dạn chuyển 7.000 m2 đất rẫy màu sang trồng hơn 20.000 cây ớt Chỉ thiên số 1 của Công ty giống Chánh Phong - Tiền Giang. Hiện nay, diện tích ớt đã hơn 3 tháng tuổi và đang trong giai đoạn thu hoạch.
Chú Hên cho biết: Ngay sau khi nhận cây giống về trồng, chú đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch với Công ty giống Chánh Phong - chi nhánh tại Trà Vinh. Thời gian hợp đồng bao tiêu sản phẩm có hiệu lực trong 12 tháng. Trong đó, công ty sẽ thu mua ớt theo giá cả thị trường, với số lượng không hạn chế. Nếu có biến động về giá cả thì công ty cũng sẽ mua với giá sàn thấp nhất là 10.000 đồng/kg.
Đến nay chú Hên đã thu hoạch được 4 đợt trái, với tổng số hơn 1.500 kg. Mỗi ký ớt được công ty thu vào với giá 16.000 đồng. Theo tính toán của chú Hên - nếu không có vấn đề bất lợi trong sản xuất thì với 20.000 cây ớt này, khi thu hoạch dứt điểm sẽ cho năng suất từ 38 - 40 tấn trái. Và nếu giá cả ổn định như hiện nay thì sau khi trừ đi các khoản chi phí chú còn lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Chủ tịch UBND xã Hiếu Tử cho biết: Thời gian qua xã cũng đã kết hợp với Công ty giống Chánh Phong tổ chức tập huấn cho hơn 20 hộ dân trên địa bàn xã. Hiện nay, có nhiều hộ đã và đang tiếp tục ký hợp đồng với công ty để cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm. Hy vọng đây sẽ là mô hình xóa đói giảm nghèo của xã Hiếu Tử trong thời gian tới.
Triển vọng Khổ qua lai F1 Big 14:
Lâu nay, việc trồng khổ qua trên đất ruộng, đất vườn, đất giồng cát không còn là chuyện lạ của nhiều nông dân. Thế nhưng, khi đến tham quan mô hình trồng khổ qua lai F1 Big 14 thử nghiệm tại hộ anh Thạch PhoLa, ấp Đại Trường xã Phú Cần huyện Tiểu Cần; nhiều bà con đã ngỡ ngàng về năng suất của giống khổ qua này.
Mô hình trồng thử nghiệm khổ qua lai F1 Big 14 của Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam được thực hiện tại hộ anh Thạch PhoLa với diện tích 500 m2. Qua trao đổi anh PhoLa nói: Từ khi gieo hạt giống đến 35 ngày thì giàn khổ qua của anh đã bắt đầu cho thu hoạch đợt trái đầu tiên. Đến thời điểm hiện nay giàn khổ qua được hơn 50 ngày tuổi, anh đã thu hoạch được 6 đợt trái với tổng số 409 kg. Giá bán hiện tại là 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật anh còn lợi nhuận được 1.287.000 đồng. Theo dự đoán thì giàn khổ qua của anh PhoLa có khả năng thu hoạch thêm từ 600 - 700 kg trái. Như vậy, với 500 m2 đất ruộng - dự kiến khi thu hoạch đến cuối vụ, anh PhoLa sẽ đạt được mức lợi nhuận gần 5 triệu đồng.
Sau khi tham quan mô hình khổ qua lai F1 Big 14 của anh PhoLa, các ngành chuyên môn và nhiều bà con nông dân đã đánh giá cao về hiệu quả của mô hình này. Trong đó đáng chú ý là năng suất khổ qua lai F1 big 14 cao gấp 2 lần so với giống địa phương được bà con trồng trước đây. Ngoài ra giống khổ qua này còn có thêm ưu điểm là trái dài, trọng lượng nặng, gai lớn, da bóng, đường gai dọc liền, màu xanh trung bình, thịt dày, cứng, có khả năng chịu được tác động trong vận chuyển và bảo quản lâu. Do đó, khổ qua lai F1 Big 14 được xem là mô hình lý tưởng về kinh tế, có khả năng trồng được trên diện rộng đối với vùng đất ở địa phương trong thời gian tới.
“Chắc ăn” như Bắp Rau:
Đó là lời khẳng định của ông Kim Xê - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh tại buổi hội thảo, đánh giá mô hình sản xuất Bắp Rau giống SG 22 tại hộ anh Thạch Riêng ở ấp Cầu Tre xã Phú Cần huyện Tiểu Cần.
Anh Thạch Riêng cho biết: Mô hình này có diện tích 1.000 m2; với số lượng cây trồng là 11.000 cây. Sau 55 ngày gieo hạt, bắp rau đã bắt đầu cho thu hoạch đợt trái đầu tiên. Mỗi cây cho thu hoạch từ 3 - 4 trái. Ước tính sau khi thu hoạch dứt điểm, diện tích bắp rau của anh Riêng sẽ đạt năng suất khoảng 400 kg sản phẩm bắp rau. Hiện nay giá bán mỗi kg bắp rau là 10.000 đồng. Như vậy, sau khi trừ đi các khoản chi phí (giống, phân bón), ước tính anh Thạch Riêng còn thực lãi gần 3 triệu đồng.
Tại buổi hội thảo ông Kim Xê - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh nhận định: Lâu nay bà con thường nói chắc ăn như bắp, thật không sai. Đối với cây bắp rau thì càng ăn chắc hơn. Bởi vì, từ trước đến nay bà con trồng bắp để lấy hạt; nhưng đối với bắp rau thì chúng ta không cần hạt mà chỉ lấy cùi bắp nên càng chắc ăn hơn. Đặc biệt là hiện nay, bắp rau được xếp vào nhóm sản phẩm rau sạch; thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong nước và xuất khẩu. Cũng theo ông Kim Xê, mặc dù cây bắp rau dễ trồng, có nhiều ưu điểm, lợi nhuận cao. Các phế phẩm của bắp rau như: thân, cờ, vỏ trái bắp có nhiều chất dinh dưỡng nên rất thích hợp làm thức ăn cho trâu, bò. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong sản xuất là bà con phải thực hiện tốt việc liên kết sản xuất. Tức là mỗi khu vực phải trồng ít nhất từ 5 ha trở lên để thuận tiện trong việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
Hiện nay Công ty West Food Cần Thơ là đơn vị chuyên chế biến, tiêu thụ sản phẩm bắp rau với số lượng không hạn chế. Đây cũng là tin vui cho nông dân trồng bắp rau với số lượng nhiều trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, những người nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro bất trắc do nạn dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự chịu khó năng động và cần cù lao động của mình, ông Chu Văn Nghĩa (Sáu Nghĩa) ở ấp Ngã Tư, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ lại thành công trong việc chăn nuôi vịt đẻ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm đem lại nguồn thu gần 2 tỷ đồng.
Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.
Sáng 14.6, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh và Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động cho dự án cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá ngừ Việt Nam theo tiêu chuẩn bền vững của Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC)”.