Giá / Tin thủy sản

Những lưu ý phòng chống rét cho thủy sản nuôi

Những lưu ý phòng chống rét cho thủy sản nuôi
Tác giả: Đinh Mười
Ngày đăng: 25/02/2022

Nhiệt độ xuống thấp, kéo dài, cơ quan chức năng đã có khuyến cáo kịp thời với người dân để phòng chống rét cho thủy sản nuôi.

Người dân che bạt và tăng mực nước để đảm bảo nhiệt độ cho ao nuôi tôm tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã có khuyến cáo và thông tin kịp thời cho các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Ngoài những biện pháp với ao nuôi thương phẩm, nếu thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm nên chủ động thu hoạch, tránh thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.

Với diện tích thủy sản đang nuôi, chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống cần áp dụng các biện pháp chống rét như nâng cao, duy trì độ sâu mực nước ao nuôi từ 1,5 - 2 m, làm sọt tránh rét, thả bèo tây trên mặt ao hoặc thả chà, tạo giá thể để cá trú ẩn tránh rét.

Kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống điện để đảm bảo không có sự cố xảy ra trong những ngày giá rét. Ảnh: Đinh Mười.

Với cơ sở có điều kiện, có thể làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nilon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi trời có nắng sẽ tăng khả năng hấp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao.

Ngoài ra, người dân cũng cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để chuẩn bị sẵn sàng các vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống rét, bảo vệ sức khỏe đối tượng nuôi.

Trước các đợt rét đậm, rét hại, cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và tăng khả năng chống chịu với thời tiết lạnh kéo dài bằng cách cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Mặt khác, người nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có hướng xử lý kịp thời khi có thay đổi bất thường xảy ra.

“Trong suốt thời gian rét đậm, rét hại, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện thu tỉa để bắt cá, tránh cá bị xây sát dẫn đến bị nhiễm bệnh. Phải dọn sạch cỏ, rác trong ao và thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn. Khi thấy nước ao bị ô nhiễm, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như EM, Bioflock, BKC, VICATO… để xử lý”, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng thông tin.

Ghi nhận thực tế tại một số địa phương, bằng nhiều cách khách nhau, người nuôi trồng thủy sản đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp tối ưu phòng chống rét cho thủy sản và chưa ghi nhận những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, một trong những nơi nuôi tôm nhiều nhất tại Hải Phòng, ngay từ thời điểm nắm được thông tin không khí lạnh tăng cường, người dân đã chủ động điều tiết các nguồn cấp, thải nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản để đảm bảo chất lượng, kịp thời khi cần thay, bổ sung cho vùng nuôi.

Với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, người dân đã kịp thời sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó giá rét, đảm bảo nguồn giống thủy sản phục vụ sản xuất những tháng đầu năm 2022.

Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một doanh nghiệp chuyên về nuôi tôm ở quận Dương Kinh cho biết, trung bình mỗi năm, trang trại sản xuất thành phẩm 25 - 30 tấn tôm, thời điểm giá rét quan trọng nhất là chú ý đến nhiệt độ ngay từ thời điểm thả giống cho đến khi tôm thương phẩm.

Người dân theo dõi kỹ lưỡng thủy sản nuôi hàng ngày thời điểm giá rét. Ảnh: Đinh Mười.

Khi tôm đã lớn, cần phải có ao sẵn sàng trong nhà mái để nhiệt độ cấp nước giữa trong và ngoài cân bằng thì mới đảm bảo tốt trong quá trình nuôi tôm mùa đông.

“Về nuôi tôm mùa đông, chủ yếu chú trọng về đảm bảo nhiệt độ, phải có nhà màng ngay từ đầu, ngoài ra trong quá trình nuôi cần để ý căn chỉnh thuốc và thức ăn đủ liều lượng theo quy định”, anh Dũng chia sẻ.

Tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thủ phủ nuôi cá trắm đen và cá vược ở khu vực Đông Bắc với diện tích khoảng hơn 200 ha, người dân hầu như không mấy lo lắng về việc trời rét kéo dài bởi các ao nuôi cá đều được đào sâu, lượng nước luôn ở mức cao vào những thời điểm giá rét.

Việc chống rét cho thủy sản được người dân thực hiện thành thạo, bằng kinh nghiệm, tất cả các ao nuôi cá đều được đào sâu, nguồn nước sạch và cho ăn đủ lượng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi, cứ định kỳ 2 lần/tuần cá đều được bổ sung các chất khoáng, vitamin tổng hợp để tăng cường sức đề kháng nên thiệt hại do rét rất thấp và gần như không có.

"Ao sâu kết hợp với tăng mực nước và lượng thức ăn phù hợp chống rét cho cá rất hiệu quả. Vào thời điểm nhiệt độ nước ao nuôi thấp dưới 15°C, chúng tôi thường ngừng cho cá ăn và cho ăn vào thời điểm nắng ấm trong ngày để đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết”, anh Nguyễn Đức Văn – Giám đốc HTX Thủy Sản Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Ruồi lính đen – Nguồn thức ăn thủy sản bền vững Ruồi lính đen – Nguồn thức ăn thủy sản bền vững

Ruồi lính đen (BSF Hermetia illucens) hiện đang tạo ra làn sóng lớn trong ngành nuôi trồng thủy sản.

25/02/2022
Biện pháp kỹ thuật chống rét cho cá Biện pháp kỹ thuật chống rét cho cá

Những ngày gần đây, các tỉnh miền Bắc đang có thời tiết rét đậm rét hại, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C thì cá nuôi dễ bị chết đã tác động không nhỏ

25/02/2022
Chăm sóc, bảo vệ cá nuôi lồng, bè mùa mưa lũ Chăm sóc, bảo vệ cá nuôi lồng, bè mùa mưa lũ

Hướng dẫn cách bảo vệ, chăm sóc cá nuôi lồng bè đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

25/02/2022