Giá / Tin nông nghiệp

Những loài vật giúp bảo vệ cây trồng ít người biết

Những loài vật giúp bảo vệ cây trồng ít người biết
Tác giả: Như Quỳnh
Ngày đăng: 17/05/2017

Nhện nước là khắc tinh của sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu; bọ xít ăn rầy non; trong khi bọ đuôi kìm có thể ăn 20-30 con sâu mỗi ngày.

Nhện nước là thiên địch của nhiều loại sâu hại. Ảnh: Flickr.

Sản xuất rau sạch, rau an toàn ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội, bởi ngoài việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nó còn có ý nghĩa lớn về kinh tế và khoa học khi hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu, lợi dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống sâu hại hiệu quả là một hướng quan trọng để phát triển biện pháp sinh học trong nuôi trồng.

Thiên địch là những sinh vật tự nhiên có ích, chúng ăn hoặc gây bệnh những loài sâu bọ gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Mỗi hệ sinh thái nông nghiệp có những nhóm thiên địch khác nhau, giữ vai trò quan trọng giúp hạn chế sự phát triển của quần thể sâu gây hại.

Ngày nay, sử dụng thiên địch là một trong những biện pháp sinh học được ứng dụng nhiều trong thực tiễn sản xuất. Dưới đây là một số thiên địch có lợi mà bà con có thể tận dụng để giúp cây trồng của mình phát triển tốt hơn.

Nhện nước

Nhện nước có 8 chân cao như gọng vó, trên lưng có màu xanh đen hoặc xám cùng hình cái nĩa màu trắng. Loại nhện này làm tổ ở những đám cỏ, rơm rạ mục trong ruộng lúa ngập nước hay ruộng cạn. Con cái thường đẻ khoảng 200-600 trứng trong 3-4 tháng vòng đời của chúng, mỗi lần đẻ 80 trứng trong một ổ và vác ổ trứng trên lưng.

Nhện nước là khắc tinh của sâu đục thân, sâu cuốn lá và rầy nâu. Khi ruộng lúa xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá hoặc rầy nâu, chúng sẽ tìm đến, dùng vòi hút chất dinh dưỡng bên trong con mồi. Nhện nước có thể ăn 5-15 trứng rầy nâu mỗi ngày.

Ruồi xám

Loài thiên địch này có màu xám xen những sọc trắng, to hơn ruồi nhà, thân có nhiều lông (gai), đầu to. Chúng thường xuất hiện khi ruộng lúa có sâu cuốn lá lớn tấn công.

Lúc này, ruồi xám tìm đậu và đẻ trứng ký sinh trên lưng sâu cuốn lá. Từ đây, trứng nở thành dòi và ăn thịt bên trong thân ký chủ. Sau khi ăn xong, chúng chui ra làm kén trên lá lúa và biến thành nhộng. Khoảng 4 ngày sau, nhộng nở thành ruồi, cắn kén chui ra, được 3 ngày, chúng lại giao phối và tìm đến ký chủ mới để lập vòng đời tiếp theo. Cứ như vậy, các thế hệ sau của ruồi xám được sinh ra và giúp hạn chế sâu cuốn lá lớn.

Ruồi xám là kẻ thù của sâu cuốn lá. Ảnh: pestcarepro.

Bọ xít

Đặc điểm chung của các loài bọ xít là cả con trưởng thành cũng như ấu trùng của chúng đều thích ăn rầy nâu với khả năng khá lớn. Trung bình mỗi con bọ xít hằng ngày có thể "xơi tái" cả chục con rầy nâu, sâu hại lúa. Bọ xít thuộc loại côn trùng bắt mồi ăn thịt, chúng không ăn thực vật, nên đây là ưu thế khi nuôi để thả ra ruộng đồng làm thiên địch nhân tạo.

Bọ xít có nhiều loại như bọ xít nước (sống trên nước, có vạch trên lưng, là thiên địch của bọ rầy), bọ xít mù xanh (có màu xanh đen, thích ăn trứng và sâu non), bọ xít gọng vó (con trưởng thành có chân sau rất dài, di chuyển nhanh)... Bọ xít nước nhỏ, có vạch trên lưng và hay xuất hiện trên ruộng lúa. Thức ăn chính của chúng là rầy non. Mỗi ngày, bọ xít nước có thể ăn 4-7 con rầy.

Bọ đuôi kìm

Thiên địch này có màu đen bóng, giữa những đốt bụng có khoang trắng. Chúng sống trên ruộng khô, làm tổ ở gốc cây lúa. Loài bọ này hoạt động vào ban đêm là chủ yếu và thường chui vào các rãnh do sâu đục thân làm tổ nhằm tìm sâu non. Mỗi ngày, bọ đuôi kìm có thể ăn được 20-30 con sâu, rệp.

Bọ đuôi kìm được bà con huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An sử dụng để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mía. 

Kiến ba khoang

Kiến ba khoang màu nâu đỏ, giữa lưng có một vạch lớn màu đen chạy ngang qua tạo thành một khoang đen. Chúng thường trú ẩn trong bờ cỏ, các đống rơm rạ mục ngoài ruộng, làm tổ dưới đất và đẻ trứng. Độc kiến ba khoang gây phồng rộp khó chịu, nặng hơn có thể máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử. Vì vậy, con người rất đề phòng với chúng. Tuy nhiên, kiến ba khoang lại khá hữu ích cho nhà nông.

Cụ thể, khi ruộng lúa xuất hiện sâu cuốn lá hay rầy nâu, kiến ba khoang sẽ tìm đến, chui vào những tổ sâu, ăn thịt từng con. Trung bình mỗi con kiến ba khoang có thể ăn 3-5 con sâu non mỗi ngày.

Mục tiêu chính của kiến ba khoang là rầy nâu, sâu cuốn lá. Ảnh: INRA.

Dế nhảy

Dế nhảy có phần đuôi nhọn, hay xuất hiện ở môi trường đất khô hoặc ẩm. Khi bị đụng vào cơ thể, chúng sẽ nhảy từ cây này sang cây khác. Hầu hết các con trưởng thành bị mất cánh sau khi ở ruộng lúa. 

Dế nhảy là thiên địch của sâu cuốn lá, sâu đục thân 5 vạch đầu đen, ruồi đục lá, sâu non của bọ rầy thân và bọ rầy lá.

Ong ký sinh trứng rầy

Chúng có kích thước nhỏ, khoảng bằng hạt cát, sống dưới tán lá lúa, mắt thường khó phát hiện. Tùy theo loài mà chúng có màu xanh đậm, nâu đỏ, đỏ nhạt, vàng xanh...

Loại ong này thường tìm tổ và đẻ vào trứng của rầy nâu. Bên trong trứng rầy sẽ có khoảng 11 con ong phát triển. Hai tuần là khoảng thời gian để con ong trưởng thành, khi đó, sự phát triển của ong sẽ tiêu diệt trứng rầy, khiến trứng ung, không nở được. 

Bảo vệ tốt thiên địch là không gây bất lợi hay tiêu diệt côn trùng có ích bừa bãi bằng các loại thuốc hoá học. Khi cần thiết buộc phải dùng thuốc, người dùng nên cân nhắc và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh chết nhanh hoành hành trên cây tiêu Quảng Trị Bệnh chết nhanh hoành hành trên cây tiêu Quảng Trị

Hồ tiêu là loại cây trồng đã giúp nhiều nông dân Quảng Trị đưa kinh tế gia đình vươn lên khá giả. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu

17/05/2017
Khoai lang trên đất lúa lãi khá Khoai lang trên đất lúa lãi khá

Nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đang phát triển trồng khoai lang có xuất xứ từ Nhật Bản cho củ màu tím, màu sữa, đỏ, trắng...

17/05/2017
Chăm bón lúa bằng NPK Văn Điển Chăm bón lúa bằng NPK Văn Điển

Đất trồng lúa tập trung nhiều ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Triệu Phong. Đất lúa ở đây, hầu hết có tầng canh tác mỏng,chua nặng và nhiễm phèn.

17/05/2017