Giá / Tin thủy sản

Những công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm

Những công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm
Tác giả: Kim Tiến (Tổng hợp)
Ngày đăng: 09/06/2018

Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ hai (VietShrimp 2018) đã diễn ra thành công; với nhiều sản phẩm công nghệ được các doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan. Thủy sản Việt Nam trân trọng giới thiệu một số công nghệ nổi bật đã ứng dụng và mang lại hiệu quả.

Mô hình CPF-Combine Model

Mô hình CPF - Combine Model của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tiền thân là “CPF Turbo Program” đã đồng hành cùng cộng đồng người nuôi tôm Việt Nam từ 2013, tới nay đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả rõ rệt trong việc quản lý tốt các yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm như: nguồn nước, thức ăn, dễ dàng chăm sóc, quản lý, tỷ lệ sống cao, tôm về size lớn trong thời gian ngắn.

Mô hình bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C. Trong đó, CPF-Green House là mô hình nuôi tôm trong nhà ương (25 - 30 ngày), sau đó tôm được đưa ra các ao nuôi thương phẩm nhằm mục đích hạn chế được các dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, giảm chi phí, tăng vụ nuôi. Ao CPF-Green House diện tích từ 500 m2 trở lại. Đây là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học. Ao CPF-Turbo Program diện tích không quá 2.000 m2, thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời phải có thêm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Còn chương trình 3C là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch.

Khi thực hiện mô hình CPF - Combine Model, người nuôi phải làm hệ thống an toàn sinh học; các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, có hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập. Khi người nuôi thực hiện chương trình 3C cần áp dụng kỹ thuật của C.P. Việt Nam để đảm bảo 2 yếu tố còn lại là nước sạch và đáy ao sạch, sản phẩm cuối cùng là tôm thu hoạch được sạch nâng cao giá trị kinh tế cho tôm thịt xuất bán.

Ứng dụng kỹ thuật số

Đó là “Zalo Tôm khỏe cùng Bayer”, ứng dụng giúp người nuôi cập nhật tin tức chuyên ngành, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm, cập nhật các giải pháp tốt nhất trên thị trường cũng như tương tác trực tuyến với các chuyên gia của Bayer để được tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Ứng dụng này còn cung cấp kiến thức về quá trình lột xác và nhu cầu khoáng của tôm, giúp người nuôi quản lý và kiểm soát quá trình lột xác của tôm tốt nhất.

Cùng đó là “Farmerxt” - ứng dụng được thiết kế từ thực tế quản lý nuôi tôm cá ở Việt Nam. Ứng dụng không những giúp người nuôi ghi nhật ký ao nuôi dễ dàng mà còn nhắc nhở một số việc cần làm theo đúng quy trình nuôi và gợi ý giải quyết các vấn đề về kỹ thuật. Số liệu của ao nuôi sẽ được thống kê bằng những biểu đồ trực quan giúp người nuôi ra quyết định hoặc chia sẻ chúng cho các chuyên gia kỹ thuật để họ hỗ trợ từ xa. Ngoài ra, “Farmext” còn có rất nhiều tính năng quản lý như: quản lý kho, quản lý thu chi, phân quyền quản lý... Đây thực sự là những công cụ hữu ích cho người nuôi thủy sản.

Công nghệ kết nối vạn vật

Năm 2017, đánh dấu bước ngoặt về công nghệ 4.0, ứng dụng Internet Vạn Vật (IoT) trong thủy sản. Điển hình, là hệ thống giám sát, cảnh báo chất lượng nước tự động cho ngành thủy sản với tên gọi thương mại “Hệ thống e-Aqua” do Trung tâm Phát triển công nghệ và thiết bị công nghiệp Sài Gòn (CENINTEC) nghiên cứu và chế tạo.

Hệ thống giúp người nuôi nắm bắt các thông số môi trường nuôi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày thông qua các thiết bị di động thông minh một cách nhanh chóng và kịp thời mà không cần phải có mặt tại khu vực nuôi. Đây là một tổ hợp hệ thống hoàn chỉnh, thiết kế gọn nhẹ, dễ vận chuyển và lắp đặt. Một hệ thống có thể đo cùng lúc cho 4 ao nuôi bố trí tương đối gần nhau. Về vận hành, lập trình của hệ thống được tính toán kỹ lưu lượng nước, tiết diện ống cũng như tốc độ bơm, sao cho sự chênh lệch số liệu đo được với thực tế là thấp nhất.  Bên cạnh đó, CENINTEC cũng giới thiệu thiết bị lọc nước cơ học sử dụng lưới lọc có khe lọc với kích thước µm; tác dụng lọc nước trước khi vào ao nuôi, trong ao nuôi và lọc nước thải từ ao nuôi. Bộ lọc tiêu thụ năng lượng rất thấp, tiết kiệm chi phí vận hành so với các công nghệ lọc khác. Thiết kế tinh gọn, truyền động trực tiếp không thông qua bộ truyền, tiết kiệm không gian, tối thiểu chi phí vận hành, bảo dưỡng. Linh hoạt trong việc thay đổi cấp lọc để phù hợp với nhiều mục đích sử dụng của khách hàng bằng cách thay đổi cấp lưới lọc mà không cần mua bộ lọc mới…

Giải pháp chẩn đoán bệnh sớm

Đó là “Giải pháp A” của Công ty CP Công nghệ Aqua Mekong, giúp người nuôi tôm trang bị kiến thức áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tôm. Cụ thể: thiết bị xét nghiệm, quan trắc để quản lý ao nuôi một cách chính xác và hiệu quả, từ đó người nuôi có thể đưa ra liệu pháp phòng chống các tác nhân gây bệnh và điều trị bệnh trên tôm một cách tốt nhất. Chuỗi sản phẩm được sử dụng trong giải pháp A bao gồm: GeneReach với thiết bị PCR Pockit và Kit xét nghiệm nhanh bệnh tôm, ScienChain với đĩa thạch chuẩn đoán vi sinh và các loại chế phẩm sinh học ứng dụng trong nuôi tôm nhằm tiêu diệt mầm bệnh, trung hòa và ức chế các tác nhân gây bệnh (pir A/B toxin), tái tạo phục hồi sau bệnh, bảo vệ hệ tiêu hóa tôm, giữ môi trường tốt ngăn ngừa mầm bệnh.

Ương tôm trên bể nổi

Sản phẩm là quá trình nghiên cứu và sáng tạo của Công ty TNHH Aqua Mina. So với đào ao truyền thống, việc đầu tư cho bể nổi (ao ương di động) chỉ có chi phí chỉ bằng 1/3, không cần quạt nước, cầu thăm nhá... mà vẫn đảm bảo việc quản lý ao nuôi dễ dàng, nhanh chóng. Ao ương có thể tích khoảng 100 m3, các khung sắt được dựng và kết nối với nhau thành hình tròn. Sau đó, sử dụng bạt HDPE lót vào phía trong.

Ưu điểm của ao ương nổi dễ kiểm soát môi trường, cách ly dịch bệnh và tạo cho con tôm có môi trường gần giống với trại tôm giống. Ngoài ra, ương trong diện tích nhỏ dễ quản lý, khi có hiện tượng bệnh mà không phải do tôm giống, người nuôi có thể dùng 1 lượng chất xử lý rất ít (cho 100 m3 nước) cho cả đàn tôm, tiết kiệm được rất nhiều chi phí; Người nuôi có thể di chuyển, thay đổi kích thước… để phù hợp với từng điều kiện.


Có thể bạn quan tâm

VIETSHRIMP 2018: Các vấn đề khoa học công nghệ nổi bật VIETSHRIMP 2018: Các vấn đề khoa học công nghệ nổi bật

Hội thảo khoa học công nghệ Vietshrimp 2018 gồm 2 chủ đề: “Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao” và “Phát triển nuôi tôm bền vững”

09/06/2018
Tiết kiệm năng lượng nuôi trồng thủy sản Tiết kiệm năng lượng nuôi trồng thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, năng lượng để phục vụ khâu bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác cần 50 - 200 triệu đồng

09/06/2018
Làn sóng công nghệ sinh học thủy sản Làn sóng công nghệ sinh học thủy sản

Qua Hội nghị nuôi trồng thủy sản châu Á - Thái Bình Dương dễ nhận thấy xu hướng của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học

09/06/2018