Nhân Rộng Mô Hình “Cánh Đồng Mẫu Lớn”
Lợi nhuận của nông dân thêm 2,2-3 triệu đồng/ha, có nơi tăng thêm 7-7,5 triệu đồng/ha sau khi áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Bộ NN&PTNT đã cho biết như vậy tại hội nghị sơ kết mô hình trên tổ chức tại An Giang ngày 22-8.
Thu hoạch lúa tại mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại An Giang - Ảnh: Đ.V.
Tuy nhiên việc nhân rộng mô hình này trong điều kiện hiện nay vẫn còn những hạn chế, gặp không ít khó khăn, tồn tại. Vấn đề đặt ra là giải pháp để triển khai mô hình này như thế nào...
Mới là nét chấm phá trong liên kết
Sau khi Bộ NN&PTNT phát động xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 3-2011, vụ hè thu rồi đã có 7.803 ha với 6.400 hộ nông dân ở 13 tỉnh Nam bộ tham gia. Nhận định bước đầu cho thấy mô hình phát huy hiệu quả như: tăng năng suất, đảm bảo khâu tiêu thụ ổn định... Đặc biệt, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng gạo đồng nhất và giảm chi phí trung gian nên từ đó kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Với thực tế sản xuất lúa lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì đây là mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ. Bộ NN&PTNT cho rằng đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất lúa hàng hóa lớn hiện nay và trong tương lai. Từ đó, theo kế hoạch, các tỉnh Nam bộ sẽ mở rộng diện tích các “cánh đồng mẫu lớn” trong vụ đông xuân 2011-2012 đạt 20.000ha và đến năm 2013 đạt 100.000-200.000ha, với mỗi tỉnh 10.000-20.000ha.
Theo TS Phạm Văn Dư - phó cục trưởng Cục Trồng trọt, với 210 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay, trong đó thành viên AFA là 123 doanh nghiệp, nếu mỗi đơn vị xây dựng cho mình một “cánh đồng mẫu lớn” diện tích 1.000ha thì cả nước sẽ có ít nhất 123.000-210.000ha vùng nguyên liệu, chiếm 7,4-12,7% diện tích canh tác.
“Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, nếu họ không tham gia thì việc triển khai mô hình sẽ rất khó khăn. Mặt khác, xây dựng cánh đồng mẫu lớn phải thực hiện sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap, trong khi nhiều nông dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của mô hình, trình độ lại không đồng đều nên khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác còn giới hạn, từ đó hạn chế việc triển khai mô hình” - ông Dư nhận định.
Làm từ từ rồi nhân rộng
Chia sẻ kinh nghiệm khi thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, ông Huỳnh Văn Thòn - tổng giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang - cho rằng do phải xuống giống đồng loạt nên khi thu hoạch lúa cũng đồng loạt. Trong khi nông dân muốn bán lúa tươi nên việc vận chuyển, sấy khô đã tạo áp lực và lúng túng cho doanh nghiệp trong thu mua lúa. “Nông dân sợ nhất là phơi sấy nên cần tập trung giải quyết thu mua lúa tươi tại chỗ. Nếu khắc phục tình trạng cúp điện và đảm bảo khâu sấy có chi phí dưới 100 đồng/kg mới đảm bảo thành công” - ông Thòn phân tích.
GS Nguyễn Thơ, chuyên gia ngành nông nghiệp, nhận định việc xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn” là cách làm tốt, là hướng đi mới nhưng chỉ mới là “nét chấm phá” còn phải nghiên cứu giải quyết nhiều vấn đề. “Để mô hình đứng vững thì cách tổ chức trong chuỗi sản xuất cũng phải công khai minh bạch trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt là với nông dân” - ông Thơ nói.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng điều kiện và thực tiễn sản xuất hiện nay đã hội đủ các điều kiện để hình thành các cánh đồng mẫu lớn, đây là hướng đi phù hợp chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, với điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được Chính phủ ban hành thì vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu của doanh nghiệp nên xây dựng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
“Vùng nguyên liệu này hình thành trên cơ sở quy hoạch của từng tỉnh. Mỗi tỉnh tùy theo thực tế mà chọn quy mô phù hợp, có thể xây dựng 2-3 vùng nguyên liệu tập trung khoảng vài ngàn hecta sản xuất theo hướng VietGap rồi rút kinh nghiệm, cách làm, sau đó phát triển tăng dần theo nhu cầu”, ông Bổng nói.
Đã có tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết bộ đã phát hành bộ tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Ngoài ra bộ còn có văn bản hướng dẫn việc xây dựng mô hình liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu. Bên cạnh đó với điều kiện quy định đối với doanh nghiệp xuất khẩu theo nghị định 109/NĐ, khi doanh nghiệp tổ chức liên kết cùng nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn thì khả năng “bẻ kèo” khó có thể xảy ra. |
Có thể bạn quan tâm
Với hơn 300 con ba ba, 100 đôi chim bồ câu Pháp, 20 con thỏ giống, 20 con rắn hổ mang trâu, 10 thùng ong lấy mật… trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm những bãi dâu xanh ngát trải dài dọc bờ sông Lô, đồng chí Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long (Yên Sơn) vui mừng cho biết: “Trước đây, người dân xã Tân Long chủ yếu trồng ngô trên những vùng đất soi bãi ven sông nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì đất ở đây có nhiều cát, một số loại cây màu khác đã trồng thử nhưng không phù hợp..
Đương sự thỏa thuận một đằng, tòa công nhận một nẻo khiến một nông dân trắng tay. Trách nhiệm này ai chịu và chịu đến đâu vẫn còn là câu hỏi.