Giá / Tin thủy sản

Nhắm cá chạch quế thay con tôm

Nhắm cá chạch quế thay con tôm
Tác giả: Thúy Liễu
Ngày đăng: 07/09/2019

Hiện nay, nhiều bà con nông dân xã Viên Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng đã chuyển hướng từ nuôi tôm sang nuôi con cá chạch quế. Theo đánh giá, loài thủy sản nước ngọt này dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và giá trị kinh tế cao.

Giá cá chạch quế ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg

Dễ nuôi

Anh Phan Hữu Ngôn, ấp Lao Vên, xã Viên Bình bộc bạch: “Chạch quế là đối tượng dễ nuôi, ít bệnh tật, phù hợp thổ nhưỡng địa phương. Để cá đạt năng suất, trước hết phải cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống chất lượng, mật độ thả phù hợp. Cùng đó, cung cấp đầy đủ thức ăn công nghiệp dạng viên nổi hàng ngày cho cá, đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch, định kỳ bổ sung các loại vi sinh cần thiết trong ao để phân hủy bùn, bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Với cá chạch quế, tập tính sống là thường xuyên nổi lên tầng mặt hớp không khí, khi ăn no nằm phơi mình trên mặt nước nên trong quá trình nuôi hạn chế sử dụng vôi để xử lý nước ao nuôi, chủ yếu dùng men vi sinh nhằm hạn chế cá bị sốc”.

“Hiện tại, ao nuôi cá chạch quế của tôi diện tích 6 công, trong đó mặt nước là 4 công, tầm 1 tuần nữa là thu hoạch đợt cá đầu tiên, ước sản lượng 13 - 14 tấn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 500 triệu đồng, số tiền này cao hơn gấp mấy lần so với con tôm, kèm theo đó là nuôi cá không phải thấp thỏm lo âu giống như con tôm, bởi tôm có nhiều dịch bệnh và nếu có thời tiết chuyển mùa là người nuôi như ngồi trên lửa”, anh Ngôn chia sẻ.

Cũng theo anh Ngôn, muốn cá chạch quế tăng trưởng nhanh phải thường xuyên cho nước luân chuyển, định kỳ 7 - 10 ngày thay 30 - 50% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn trong sạch và mỗi ngày nên kiểm tra hệ thống bờ ao, cống thoát nước đảm bảo ao không rò rỉ, gây thất thoát cá.

Cần liên kết

Ông Nguyễn Trọng Thảo, ấp Cao Vên chia sẻ: “Tôi có 2 công đất chuyển đổi từ ao nuôi tôm sang nuôi con cá chạch quế. Chi phí đầu tư cá rất lớn tầm 300 triệu đồng cho việc cải tạo ao và mua con giống, kèm theo đó tiền thức ăn lên tới hàng trăm triệu nữa thì mới thu hoạch được cá và thời gian nuôi cá khá lâu, khoảng 4 - 6 tháng.

Với 2.000 m2 mặt nước nuôi cá vụ đầu tiên tôi thu được tầm 14 tấn cá, thu về hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận tầm 100 triệu đồng. Tôi đang chuẩn bị thu hoạch dợt cá của năm 2019, ước sản lượng 13 tấn.

Với giá cá hiện tại 70.000 - 72.000 đồng/kg, thu về số tiền hơn 900 triệu đồng, cầm chắc lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Theo tôi, muốn nuôi được con cá chạch quế đạt năng suất cao nhất, người nuôi cần có thêm ao dự trữ, nuôi cá tầm 3 tháng sang qua ao nuôi mới, khi đó cá sẽ lớn nhanh hơn do môi trường ao mới nước trong sạch, kèm với đó nên thả nuôi cá thưa giúp cá lớn nhanh…”.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Viên Bình Nguyễn Văn Tánh cho biết: “Người dân ở xã chủ yếu sản xuất lúa, canh tác màu, nuôi tôm nước lợ. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm chuyển đổi nuôi cá chạch quế, thống kê trên địa bàn xã có 75 ha/37 hộ nuôi cá chạch quế.

Sở dĩ hộ dân phát triển nghề nuôi cá chạch quế do năng suất cao 40 - 60 tấn/ha/vụ/năm, giá cá ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về tầm 1,6 tỷ đồng/năm/vụ/ha, cao gấp vài lần so với nuôi tôm.

Để duy trì, nhân rộng, phát triển nghề nuôi cá chạch quế, địa phương sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá chạch quế và vận động hộ nuôi tham gia vào tổ cùng chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế vững mạnh cũng như tìm thêm các doanh nghiệp thu mua cá.

Tổ hợp tác cũng có được sự hỗ trợ tập huấn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn và thuận tiện khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho thành viên mở rộng sản xuất, thúc đẩy phong trào nuôi cá cạch quế ngày càng phát triển…”.

Theo anh Phan Hữu Ngôn, lý do bà con nông dân “mặn mà” gắn bó cùng con chạch quế là bởi đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, hộ dân chỉ việc nuôi cá đạt trọng lượng thì sản phẩm sẽ tiêu thụ hết.


Có thể bạn quan tâm

Một số lưu ý trong chăm sóc cá lồng mùa mưa lũ Một số lưu ý trong chăm sóc cá lồng mùa mưa lũ

Sau khi mưa lũ đi qua, các hộ nuôi cần tiến hành vệ sinh, khử trùng lồng bè nuôi cá; cho cá ăn thức ăn có bổ sung khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cá.

07/09/2019
Liên kết nuôi tôm tại Đồng Tháp Liên kết nuôi tôm tại Đồng Tháp

Để phát triển bền vững nuôi tôm, cuối tháng 6 vừa qua, tại xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, “Phú Thịnh Hội quán” đã chính thức ra mắt và hoạt động

07/09/2019
Kinh nghiệm chọn tôm giống Kinh nghiệm chọn tôm giống

Trong những năm qua, nuôi tôm công nghiệp (thâm canh) đã có những bước phát triển mạnh về diện tích, năng suất và sản lượng.

07/09/2019