Giá / Mô hình kinh tế

Nhà Máy Chậm Tiến Độ, Người Trồng Sắn Phú Thọ Lao Đao

Nhà Máy Chậm Tiến Độ, Người Trồng Sắn Phú Thọ Lao Đao
Tác giả: 
Ngày đăng: 10/08/2013

Tình trạng đình trệ thi công nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ đang khiến hàng trăm hộ nông dân của vùng nguyên liệu trồng sắn rơi vào cảnh bấp bênh khi thiếu đầu ra tiêu thụ.

Toàn bộ nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học như một công trình bỏ hoang, tất cả đều đã ngừng thi công hơn 20 tháng nay. Lý do bởi lãi suất, giá cả vật tư đã tăng cao so với dự kiến khiến tổng mức đầu tư cho dự án bị tăng thêm hàng chục phần trăm.

Với mức tăng này, các cổ đông của công ty không thể đủ vốn để tiếp tục triển khai dự án. Do đó, dù đã hoàn thành 90% khối lượng, nhà máy vẫn phải “đắp chiếu nằm chờ”. Không chỉ thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư mà tình trạng đình trệ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Ông Đặng Đình Đăng, Trưởng phòng nguyên liệu Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí cho biết: “Uy tín của công ty đối với địa phương cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Do dự án dừng lại nên tất cả chương trình được định trước để phát triển vùng nhiên liệu phải thay đổi. Vì vậy, sau này nhà máy hoàn thành thì việc phát triển vùng nguyên liệu chắc chắn gặp nhiều khó khăn”.

Mặc dù đã được nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ hỗ trợ giống, kỹ thuật... để nâng gấp đôi năng suất so với trước kia, nhưng mấy năm nay, anh Thắng vẫn luôn trong tình trạng phấp phỏng lo âu cho đầu ra của cây sắn.

Trước đây, nhà máy hứa hẹn sẽ thu mua hết sản lượng sắn của anh và hàng trăm hộ nông dân trồng sắn ở Phú Thọ từ năm 2011. Nhưng đến giờ, nhà máy còn chưa thành hình, chưa thu mua đươc nên anh và các hộ khác đành phải “bán tống bán tháo” cho các thương lái nhỏ lẻ mà không có một hợp đồng kinh tế ràng buộc nào. Vì thế giá cả, sản lượng tiêu thụ hoàn toàn do người mua định đoạt.

Anh Nguyễn Quang Thắng, nông dân trồng sắn huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 3.000 ha sắn, nhà máy hứa thu mua sắn ổn định với giá 1.200 đồng/kg sắn tươi. Nhà máy không thực hiện được như đã hứa nên chúng tôi phải bán cho thương lái và bị ép giá chỉ còn 1.000 đồng/kg”.

Trước chủ trương của Nhà nước xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, người dân hăng hái chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng sắn với hy vọng thay đổi cuộc sống, nhưng rồi lại thất vọng. Không ít người đã phá sắn chuyển sang trồng một cây khác.

Ông Hà Văn Cầu, Chủ tịch xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Chúng tôi đã hy vọng phát triển kinh tế từ cây sắn, nhưng nhà máy không thực hiện được như cam kết nên giờ người dân đã dần chuyển sang trồng cây sơn”.

Trước tình hình này, nhà máy Phú Thọ đã kiến nghị đoàn kiểm tra liên ngành hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho các cổ đông vay vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để có thể vận hành dự án vào cuối năm 2014.

Với người nông dân nơi đây thu nhập chính là từ trồng sắn, nhưng hiện giờ họ đang rơi vào tình trạng “đâm lao phải theo lao” một mặt vừa phải trồng sắn, một mặt vừa nghe ngóng tiến độ thi công của nhà máy nhiên liệu sinh học. Bài toán tìm lối ra cho cây sắn vẫn còn chờ lời giải.


Có thể bạn quan tâm

Phổ Biến 2 Biện Pháp Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lúa Phổ Biến 2 Biện Pháp Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lúa

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phổ biến rộng rãi hai biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật - “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng”.

10/08/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Nhãn Idor Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Nhãn Idor

Những năm gần đây, trong khi nhãn da bò bị bệnh chổi rồng tấn công gây hại, khiến hầu hết các chủ vườn trồng nhãn da bò lao đao thì tại xã An Hiệp, Châu Thành (Đồng Tháp) một số nhà vườn đã làm giàu nhờ trồng giống nhãn Idor.

10/08/2013
Xây Dựng Vùng Sản Xuất Nhãn Xuồng Cơm Vàng Tiêu Chuẩn VietGap Xây Dựng Vùng Sản Xuất Nhãn Xuồng Cơm Vàng Tiêu Chuẩn VietGap

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp trong năm 2013, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang thực hiện dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng” tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.

10/08/2013