Nguy Cơ Dịch Tôm Lan Rộng Ở Phước Hòa (Bình Định)
Vụ nuôi tôm năm nay, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước - Bình Định) thả nuôi trên diện tích 327 ha, trong đó có 15 ha vùng Kim Đông nuôi theo phương thức bán thâm canh (BTC), 20ha nuôi quảng canh cải tiến đơn tôm, diện tích còn lại nuôi tôm xen với các đối tượng thủy sản khác. Đến giữa tháng 4 vừa qua, 100% diện tích đều được thả giống, song đến nay diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đã lên đến 30ha, và đang lây lan nhanh sang nhiều vùng nuôi tôm khác trong xã.
Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ khuyến ngư xã Phước Hòa, cho biết: “Số diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh qua kiểm tra đều do môi trường, mặt khác do biến động thời tiết mưa bất thường vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi”.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác mà người nuôi tôm ở Phước Hòa chưa lường hết là yếu tố môi trường bất lợi. Năm 2012 ở tỉnh không xảy ra lũ lụt, nên quá trình cải tạo ao, hồ, cải thiện chất lượng môi trường dựa vào điều kiện tự nhiên không được diễn ra. Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ nuôi mưa nắng thất thường, các ao nuôi luôn bị mất màu, độ pH trong ao nuôi luôn bị biến động, tạo môi trường không tốt.
Các chất thải nông nghiệp, xác súc vật chết luôn hiện diện trên các sông, mương, gây ô nhiễm nguồn nước, nên việc cấp nước tự nhiên vào ao nuôi cũng là tác nhân gây bệnh cho tôm. Về con giống, chỉ có vùng nuôi BTC bà con mua giống tôm thẻ chân trắng ở các trại giống có uy tín và đã qua kiểm dịch với giá 68 đồng/con, còn lại đa phần đều mua tôm giống trôi nổi trên thị trường với giá 25 đồng/con, chất lượng không đảm bảo.
Tình hình dịch bệnh tôm nuôi ở Phước Hòa chưa có dấu hiệu dừng lại, vì hầu hết các hồ bị dịch tôm đều không đóng cổng xử lý, mà đều xả thải ra môi trường. Chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp can thiệp, không để mạnh ai nấy làm dẫn đến nguy cơ dịch tôm lan rộng.
Có thể bạn quan tâm
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.
Hiện người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải “gồng lưng” chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Đã lỗ, còn bị doanh nghiệp ép giá, chiếm dụng vốn khiến nông dân không còn tiền tái đầu tư nuôi mới. Tình trạng “treo ao” diễn ra khắp vùng, có nơi diện tích “treo ao” lên đến 60%. Sản phẩm chiến lược quốc gia vì đâu nên nỗi?
Nghề nuôi vịt đẻ trứng lúc thăng lúc trầm, nhưng nhờ quyết tâm cao, chịu khó học hỏi mà ông Vũ Ngọc Quy (ấp 2, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, Đồng Nai) được xem là vua vịt đẻ trứng ở xứ này.