Người thương binh "mát tay" với nghề nuôi hươu
Ông Nguyễn Hữu Vỵ (sinh năm 1955, thương binh hạng 4/4, ở thôn Nam Hà, xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là tấm gương điển hình sản xuất, chăn nuôi giỏi, được người dân trong vùng nể phục.
Thương binh Nguyễn Hữu Vỵ chăm sóc đàn hươu
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân đội, năm 1980, thương binh Nguyễn Hữu Vỵ được giải quyết chế độ phục viên về địa phương. Mến phục người thương binh giàu nghị lực, bà Hồ Thị Nhung - người con gái cùng làng đã “kết tóc, xe duyên” cùng ông xây dựng gia đình. Năm tháng thoi đưa, lần lượt 4 người con ra đời cũng là lúc những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày phát sinh.
Với phẩm chất, nghị lực của người lính “thương binh tàn nhưng không phế”, thương binh Nguyễn Hữu Vỵ bắt tay vào làm kinh tế ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Mặc dù diện tích đất vườn không lớn (4.000m2), nhưng ông Vỵ đã biết thiết kế khoa học, trồng các loại rau, củ, quả ngắn, dài ngày xen canh cho năng suất, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Hữu Vỵ cho biết, dù ở mặt trận nào người lính cũng phải gương mẫu, đặc biệt trên mặt trận kinh tế, xóa đói giảm nghèo người lính càng không thể buông xuôi mà phải chịu khó, tìm tòi, học hỏi để chiến thắng đói nghèo.
Vườn cau 270 cây của ông Vỵ cho thu nhập 130 triệu đồng/năm
Ý chí nghị lực và quyết tâm của thương binh Nguyễn Hữu Vỵ đã được đền đáp bằng những vụ mùa bội thu. Nhờ nắm chắc lịch thời tiết, mùa vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn ông Vỵ luôn xanh tốt, năng suất cao, “mùa nào thức đó” cây trái quanh năm.
Đặc biệt, để xua đuổi côn trùng gây hại, ông Vy không dùng bất kỳ 1 loại thuốc hóa học nào mà dùng chế phẩm sinh học “tự chế” (tỏi + rượu) phun lên các loại rau, quả trong vườn. Nhờ đó, vườn rau ông Vỵ không chỉ tốt mà còn sạch. Tiếng lành đồn xa, rau sạch của ông Vy được các nhà hàng và thương lái đến tận vườn thu mua. Rau, quả sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Bình quân thu nhập từ vườn rau và cau 150 triệu đồng/năm, trong đó, riêng cau là 130 triệu đồng.
Cùng với khoản thu nhập ổn định từ cây trồng, ông Vỵ còn là người nổi tiếng “mát tay” về nuôi hươu. Gần 20 năm qua, trong chuồng lúc nào cũng duy trì 10 – 12 con hươu, có lúc cao điểm 20 con. Là người ham học hỏi nên trong chăn nuôi ông Vỵ cũng luôn cập nhật các kỹ thuật mới, chăm lo chuồng trại sạch sẽ, cho hươu ăn đúng cách nên sản phẩm nhung năm nào cũng đạt chất lượng cao. Thu nhập từ nhung và hươu giống đạt 100-120 triệu đồng/năm.
Không chỉ "mát tay" về chăn nuôi, ông Vỵ còn là người khéo tay về chăm sóc, tạo thế cây cảnh. Nghề "tay trái" này không chỉ mang lại niềm vui mà còn có nguồn thu bình quân 20- 30 triệu đồng/năm.
Bà Hồ Thị Nhung - vợ ông Vỵ chăm sóc vườn bí xanh trĩu quả
"Quan trọng là phải biết canh tác trên mảnh vườn như thế nào. Vừa làm, vừa học, vừa chơi nhưng tổng thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi trên mảnh vườn chưa đầy nửa ha của tôi cũng cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. " - ông Vỵ vui vẻ chia sẻ.
Không chỉ sản xuất, chăn nuôi giỏi, gia đình thương binh Nguyễn Hữu Vỵ còn là tấm gương mẫu mực trong thôn xóm về nuôi dạy con cái học hành đầy đủ, có công việc làm ổn định, ông bà, con, cháu luôn hòa thuận, đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Làm nghề nông ai cũng nhớ câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ đó cho thấy, giống là một trong bốn khâu quan trọng của SX nông nghiệp.
Làm thế nào để tăng cường hàm lượng nước trong đất và độ màu mỡ của đất mà không cần tưới? Một nghiên cứu mới kết luận tốt nhất là che phủ gốc cây trồng
Mấy năm gần đây, tại một số nơi ở miền Tây ngoài phong trào nuôi gà nòi còn có mô hình nuôi gà tre thương phẩm cũng không kém phần sôi nổi.