Người Phụ Nữ Tày Cứu Chè Ngam La
Chè Ngam La (Hà Giang) từ lâu được biết đến bởi hương vị thơm ngon tự nhiên. Có một thời, người dân đã chặt bỏ nhiều cây chè cổ thụ vì giá chè quá rẻ. Đúng lúc đó, một phụ nữ Tày đã khôi phục và phát triển thương hiệu chè Ngam La...
Chè ngon bên bờ vực
Chị là Nguyễn Thị Tươi ở xã Ngam La, huyện Yên Minh (Hà Giang). Chị Tươi chia sẻ: Chè Ngam La là loại chè cổ thụ mọc hàng trăm năm trên núi đá nên có hương vị rất tự nhiên. Nước chè vàng ươm, sánh đặc, khi uống thấy vị hơi chát nhưng lại có vị thơm mộc mạc và khi thấm xuống cổ họng cho ta một vị ngọt thanh rất đặc trưng. Chè Ngam La ngon là vậy, nhưng suýt chút nữa đã vắng bóng hoàn toàn.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị Tươi trở về quê hương Ngam La. Thời điểm này, chè Ngam La đang gặp muôn vàn khó khăn. Tuy chè có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, nhưng bà con chưa biết cách làm thương hiệu.
Các sản phẩm chè còn nghèo nàn, không có sức cạnh tranh với các sản phẩm chè của nhiều vùng khác. Hơn nữa do chưa biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, phát triển nên diện tích chè nơi đây cứ còi cọc thưa thớt dần. Sản lượng chè hàng năm của xã rất thấp, chỉ một số ít hộ có sản phẩm bán ra thị trường.
Chất lượng chè còn hạn chế, mẫu mã xấu nên giá bán không cao, tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm, chè Ngam La qua sơ chế chỉ bán được 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nhiều người không muốn hái chè nữa, thậm chí đã chặt bỏ không biết bao nhiêu cây chè.
Chè Ngam La đang hồi sinh
Trước thực tế trên, chị Tươi đã tìm hiểu, nghiên cứu và viết đề án phát triển cây chè Ngam La, rồi trực tiếp mang đề án này đến gặp Chủ tịch UBND huyện Yên Minh. Xem xong đề án, Chủ tịch huyện Đỗ Việt Hợp đã đồng ý cho phép chị thành lập Hợp tác xã Hương Vị Núi và hỗ trợ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu chè Ngam La. Được biết, để có thể thành lập và đưa vào hoạt động HTX Hương Vị Núi, chị Tươi đã mang hết tài sản, thế chấp cả nhà vay ngân hàng để có tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị cho HTX hoạt động.
"Hiện xã đang nghiên cứu để phối hợp với HTX phát triển cây chè Ngam La thành cây chủ lực của địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Du
Đến nay sau hơn 1 năm thành lập, HTX Hương Vị Núi của chị đã gặt hái được thành công. Hiện HTX đã đứng ra bao tiêu 300ha chè của xã với sản lượng đạt gần 100 tấn chè khô mỗi năm, giá bán khá ổn định từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Giờ đây, chè Ngam La đã xuất hiện tại thị trường 4 huyện phía bắc Hà Giang là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng cao và dự kiến sẽ mở rộng thị trường ra nhiều vùng trong tỉnh và trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Ngam La đánh giá: HTX Hương Vị Núi tuy mới thành lập được hơn 1 năm song đang hoạt động rất tốt, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Trồng hoàn toàn tự phát và tiêu thụ quá dễ dàng với giá trị kinh tế cao nên người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ồ ạt phá bỏ vườn cây ăn quả -chủ yếu là bưởi và cam để trồng dó trầm. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn...
Vụ trồng atiso năm 2013 - 2014, huyện Sa Pa (Lào Cai) hỗ trợ người dân trồng mới 15,2 ha cây atiso, nâng tổng diện tích cây dược liệu atiso của toàn huyện lên 47,2ha.
Với ưu điểm quả ngon, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên những năm gần đây, nhãn chín muộn đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn phường Phố Cò, T.X Sông Công (Thái Nguyên).