Giá / Tin thủy sản

Người mua vẫn hồ nghi chuyện hải sản đánh bắt gần bờ hay xa bờ

Người mua vẫn hồ nghi chuyện hải sản đánh bắt gần bờ hay xa bờ
Tác giả: Hữu Anh
Ngày đăng: 22/09/2016

Ngày 21.9, phóng viên Dân Việt đã trực tiếp có mặt tại Cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Đây được coi là cảng cá lớn của Hà Tĩnh. Tuy nhiên hai ngày qua thời tiết không thuận lợi, mưa lớn, biển động, tàu thuyền không thể ra khơi. Cảnh tấp nập ngày nào của cảng cá Thạch Kim nay không còn, chỉ lác đác vài tàu cập bến.

Ngư dân Trần Văn Phúc ở xã Thạch Bằng cho biết: “Việc thông tin vùng hải sản an toàn nay mới công bố chậm quá. Hôm qua thấy các cơ quan chức năng khuyến cáo vùng đánh bắt chưa an toàn từ 13,5 hải lý trở vào với các loại hải sản tầng đáy. Mặc dù tôi đánh bắt ngoài 20 hải lý nhưng chủ yếu lặn bắt các loại hải sản như trạng, sò mai, sò lá… đây là những hải sản tầng đáy không biết thế nào. Mặt biển mênh mông thế chênh nhau 5-6 hải lý không biết có an toàn không. Việc quy định 13 hay 20 hải lý cũng có ai kiểm tra đâu”.



Còn chị Nguyễn Ngọc Lan - chủ cơ sở đông lạnh Lan Bích ở xã Thạch Kim, Lộc Hà (Hà Tĩnh) thì cho rằng: Sau khi xảy ra hậu quả môi trường biển, việc tiêu thụ hải sản chậm và rất khó khăn. Tuy nhiên thời gian gần đây tàu thuyền về cập cảng Thạch Kim các loại hải sản vừa đánh bắt về vẫn có người thu mua đi nơi khác tiêu thụ nhưng giá rẻ hơn, còn các loại hải sản cấp đông thì không ai ngó đến.

Chị Lan cho biết thêm: “Bây giờ đã hết mùa đánh mực rồi vì vậy việc nói mực đánh gần bờ không an toàn cũng không ảnh hưởng lắm, tuy nhiên việc giám sát các loại hải sản tầng đáy đánh bắt ở gần bờ hay xa bờ cũng chưa thấy ai làm. Vì vậy mà hải sản được đánh xa bờ về người tiêu dùng cũng không tin”.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban quản lý các cảng Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi Bộ Y tế công bố kết quả kiểm nghiệm hải sản tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung cũng đã có tác động tích cực đến tâm lý ngư dân, tuy nhiên nó chưa thể hiện rõ lắm vì nếu cá tầng nổi an toàn thì người tiêu dùng sẽ quay trở lại với mặt hàng hải sản nhưng nó chưa tác động được ngay”. Ông Sơn cho biết thêm việc các loại hải sản tầng đáy từ trước ngày công bố ngư dân vẫn đánh về nhưng giá thấp.

Ngày 21.9. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt xử lý tiêu hủy gần 12 tấn hải sản nhiễm cadimi vượt ngưỡng cho phép đã được Sở Y tế Hà Tĩnh xác nhận không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh ở thị xã Kỳ Anh; hợp tác xã Thiên Phú và hợp tác xã Hùng Mạnh ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà; cơ sở đông lạnh Sang Liên ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên với khối lượng các loại là 11.790,3kg; tổng số tiền là hơn 395 triệu đồng.


Có thể bạn quan tâm

Formosa xả thải độc Nông dân sản xuất giỏi méo mặt Formosa xả thải độc Nông dân sản xuất giỏi méo mặt

Sau vụ Formosa xả thải độc gây cá chết hàng loạt, nông, ngư dân thuộc diện hộ nghèo nay càng nghèo hơn. Còn những nông dân sản xuất giỏi các cấp cũng đang điêu đứng, méo mặt vì nợ nần, hàng hải sản tồn kho.

22/09/2016
Trung Quốc giảm mua, cua biển Cà Mau lại rớt giá Trung Quốc giảm mua, cua biển Cà Mau lại rớt giá

Giá cua biển giảm 70.000-100.000 đồng mỗi kg do thương lái Trung Quốc giảm thu mua, khiến người nuôi lẫn các đại lý điêu đứng.

22/09/2016
Ngư dân Phú Yên rưng rưng làm chủ tàu vỏ thép 5 sao Ngư dân Phú Yên rưng rưng làm chủ tàu vỏ thép 5 sao

Sáng 21.9, tại cảng Phú Đông (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), liên danh Công ty Thủy sản Đông Á - Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) tổ chức hạ thủy, bàn giao tàu cá vỏ thép Hướng Biển 01 (số hiệu PY-99991) cho ngư dân Phan Thanh Trị (phường Phú Đông, Tuy Hòa).

22/09/2016