Giá / Tin nông nghiệp

Người đầu tiên ở ấp Vĩnh Lạc nuôi trùn quế thành công

Người đầu tiên ở ấp Vĩnh Lạc nuôi trùn quế thành công
Tác giả: Thành Hiệp
Ngày đăng: 21/04/2018

Hiện nay, phong trào nuôi trùn quế được phát triển rộng rãi ở nhiều nơi. Tuy nhiên đây là một mô hình mới mẻ, còn mang tính tự phát.

Trại nuôi trùn quế của bà Nguyễn Thị Thanh

Bà Nguyễn Thị Thanh, thường trú tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trong những người đầu tiên ở địa phương nuôi trùn quế thành công nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi về kỹ thuật chăm sóc.

Bà Thanh cho biết gia đình bà đang nuôi một đàn bò vài trăm con, trong vườn lại trồng nhiều chuối, cây ăn trái. Gia đình bà đang tạo ra những chuỗi giá trị từ con bò bằng cách xây dựng mô hình khép kín là dùng phân bò nuôi trùn quế lấy phân bón cho cây trồng, giảm được lượng phân bón hóa học và BVTV.

Bà phấn khởi cho biết nhờ nuôi trùn quế mà bà đã xử lý được chất thải từ phân bò, giúp cho môi trường không còn hôi thúi. Theo bà, nuôi trùn quế không khó, cũng không phải đầu tư nhiều vốn liếng nhưng phải nắm vững kỹ thuật, từ công đoạn ủ phân, thả giống, che phủ và chăm sóc cho đến lúc thu hoạch và chế biến.

Phân bò được coi là thành phần tốt nhất để ủ làm chất nền cho trùn quế sinh sôi nẩy nở. Ưu thế lớn nhất đối với bà là mặt bằng rộng, phân bò dồi dào. Ngoài việc phơi khô bón cho cây trồng và ruộng lúa, phân bò còn dùng để ủ nền nuôi trùn quế.

Hiện nay bà đã nuôi được 600 m2 trùn quế, dự kiến cuối năm nay sẽ tăng lên 3.000 m2. Qua kết quả ban đầu, bà cho biết cứ 2 tháng thu hoạch một lần (thu hoạch luân phiên, mỗi lần vài chục m2). Bình quân mỗi m2 lấy được 6 kg phân và 1 kg trùn quế tươi. Hiện nay, giá phân trùn quế giao cho khách hàng là 4.500đ/kg và giá trùn chỉ tươi 35.000đ/kg. Nếu quy ra thành tiền, mỗi đợt 2 tháng lời trên 37 triệu đồng.

Điều quan tâm hiện nay là kỹ thuật nhân giống để đảm bảo trùn sinh sản nhiều và nhanh. Kế đến là thu hoạch phân và chế biến trùn quế làm thức ăn trong chăn nuôi. Phân trùn quế organic hiện nay được coi là một loại phân hữu cơ được sử dụng nhiều trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao như rau củ, cây ăn trái.

Ngoài ra phân trùn quế còn là sản phẩm kết hợp từ phân bò và được xử lý thông qua con trùn quế. Phân hoàn tòan không chứa hóa chất hay chất kích thích sinh trưởng và cũng không có mùi hôi tanh, được coi là loại phân an toàn và giàu dinh dưỡng nhất đối với cây trồng, nhất là rau củ. Ngoài ra, trùn quế tươi còn là thực phẩm giàu dinh dưỡng đối với gia cầm và thủy hải sản.

Phân trùn quế và trùn quế

Trong xu hướng tiến tới thực phẩm an toàn, hiện nay nhiều người dân thành thị rất thích trồng rau sạch trước sân, sau nhà hoặc trên sân thượng. Do đó phân trùn quế trộn chung với chất trồng như đất, xơ dừa, trấu mục là một hổn hợp dùng trồng rau củ tiện lợi nhất, tốt gấp ba lần phân thông thường. Theo kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia cho biết phân trùn quế có tác dụng kích thích sự tăng trưởng và có khả năng kháng lại các loại sinh vật làm hại rễ cây. Đặc biệt dịch trùng quế là sản phẩm thủy phân chứa nhiều acid amin rất tốt cho cây trồng. Trong tương lai bà Thanh sẽ chế biến loại sản phẩm nầy.

Hiện nay, sản phẩm phân trùn quế và trùn quế tươi không đủ cung cấp cho khách hàng. Do đó, bà Nguyễn Thị Thanh rất tự tin vào tiềm năng phát triển của con trùn quế. Hiện nay bà và chồng bà đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng. Hướng đi của gia đình bà hiện nay là ứng dụng công nghệ cao, chú trọng xử lý môi trường trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

Mận Mường Lống chín sớm, giá cao Mận Mường Lống chín sớm, giá cao

Người dân trồng mận ở thung lũng hoa Mường Lống (Kỳ Sơn) đang rất phấn khởi bởi năm nay mận chín sớm, bán được giá cao.

21/04/2018
Hình thành vùng chuyên canh xoài đạt chuẩn VietGAP Hình thành vùng chuyên canh xoài đạt chuẩn VietGAP

Nơi đây đã hình thành vùng chuyên canh xoài lớn của cả khu vực Tây Nguyên và bắt đầu định hướng theo sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững

21/04/2018
Độc đáo: Nông dân Nghệ An bọc mướp đắng trong chai nhựa Độc đáo: Nông dân Nghệ An bọc mướp đắng trong chai nhựa

Với sáng kiến dùng chai nhựa bọc quả mướp đắng ngay từ khi vừa ra hoa kết nụ, chị Cao Thị Điệp (Quỳ Châu) thu được quả sạch, bán được giá cao

21/04/2018