Người Dân Lo Lắng Vì Cây Tiêu Đồng Loạt Nhiễm Bệnh Ở Vĩnh Linh (Quảng Trị)
Khoảng hai năm trở lại đây, nhiều loại bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh đã có gần 700/810 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, trong đó đã có nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng.
Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh, chỉ trong 2 năm 2012 và 2013, trong tổng số khoảng 810 ha hồ tiêu của toàn huyện thì đã có đến 690 ha bị nhiễm các loại bệnh như: Thối gốc, tuyến trùng rễ, đốm lá, thán thư, vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm... đã khiến diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn toàn huyện giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Vĩnh Linh đã có trên 30% số diện tích hồ tiêu bị bệnh nặng và chết khô, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho nhiều hộ dân trồng tiêu.
Nguyên nhân gây bệnh trên cây hồ tiêu chủ yếu là vào mùa mưa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi nhanh và ẩn sâu trong đất, trong không khí... chờ khi thời tiết thuận lợi thì chúng sẽ bùng phát mạnh và gây bệnh hàng loạt trên cây hồ tiêu. Trong tổng số diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh thì có đến 200 ha bị bệnh thối gốc, 210 ha bị bệnh tuyến trùng rễ, 140 ha bị bệnh đốm lá, bệnh thán thư là 140 ha...
Hiện thời tiết vẫn đang diễn biến thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh tiếp tục phát tán mạnh nên nguy cơ dẫn đến số diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh nặng gây chết sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Theo một kỹ sư nông nghiệp của Trạm bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho biết, những loại bệnh kể trên hiện đã có thuốc đặc trị. Tuy nhiên người dân thường chủ quan không phòng bệnh mà chỉ đến khi cây tiêu bị bệnh nặng mới mua thuốc về chữa trị nên hiệu quả trị bệnh cho cây hồ tiêu là không triệt để.
Cây hồ tiêu được xem là loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang lại thu nhập chính cho người nông dân huyện Vĩnh Linh. Tuy nhiên những năm trở lại đây trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại bệnh khiến diện tích cũng như sản lượng, chất lượng giảm sút, làm cho nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn.
Tận mắt chứng kiến vườn tiêu trên 2,5 sào của gia đình chị Bùi Thị Bình ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành bị các loại bệnh như vàng lá chết nhanh, thối rễ... tấn công làm cho hàng loại các gốc tiêu dần dần khô héo và chết rụi mà không khỏi xót xa.
“Thu nhập chính của gia đình tôi hầu như chỉ dựa vào vườn tiêu này nhưng giờ vườn tiêu bị bệnh chết hết nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cây hồ tiêu vốn có thời gian trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch kéo dài đến 4 - 5 năm nên việc phục hồi vườn cây mất rất nhiều thời gian, kinh tế gia đình vì thế cũng gặp khó khăn”, chị Bình nhìn vườn tiêu khô héo ngán ngẫm cho hay.
Tình cảnh vườn tiêu của gia đình ông Lê Quang Nga, ở xã Vĩnh Thành cũng tương tự. Với 3 sào tiêu khoảng 350 gốc thì tính ra mỗi năm gia đình ông Nga cũng thu được từ 5 đến 6 tạ tiêu hạt, với giá bán từ 15 đến 18 triệu đồng/tạ, ước tính có thu nhập từ khoảng 80 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây do dịch bệnh bùng phát nên hiện vườn tiêu của ông chỉ còn chưa đến 60 gốc chưa bị bệnh, nhưng trên số gốc tiêu này cũng đã có dấu hiệu nhiễm bệnh...
“Sau khi nghe các cơ quan chức năng khuyến cáo về các loại bệnh trên cây tiêu thì gia đình tôi đã bỏ ra số tiền không nhỏ để mua thuốc phun xử lý cũng như vệ sinh nhằm cứu vãn vườn tiêu. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng gần như đã muộn vì vi rút gây bệnh đã thâm nhập vào tận gốc rễ của cây, không thể điều trị được nữa. Chắc phải đợi một thời gian nữa chúng tôi mới dám trồng mới chứ tình hình nhiễm bệnh của cây tiêu hiện vẫn diễn biến phức tạp”, ông Nga cho biết.
Theo anh Trần Văn Vinh, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thành cho biết, toàn xã hiện có khoảng 95 ha tiêu, trong đó có 75 ha đã cho thu hoạch, 20 ha trồng mới.
“Hiện tại, do dịch bệnh trên cây tiêu đang bùng phát mạnh nên trong tổng số diện tích tiêu của toàn xã thì ước tính ít nhất đã có đến hơn 30% diện tích mất trắng hoàn toàn. Việc mất khoảng 5 năm trồng, chăm sóc mới cho thu hoạch và cây tiêu có tuổi thọ thu hoạch kéo dài đến 15 năm thì việc hàng loạt vườn tiêu mới cho thu hoạch vài năm bị nhiễm bệnh chết đã gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Chúng tôi luôn khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng tiêu và canh tác theo hướng bền vững nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường thế này nên sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”, anh Vinh chia sẻ.
Không chỉ gia đình chị Bình, ông Nga mà hiện tại hàng trăm hộ dân trồng tiêu ở huyện Vĩnh Linh đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh lây lan, phát tán ngày càng mạnh. Nhiều hộ trồng tiêu bị bệnh nặng đã phải phá bỏ vườn tiêu để tính tới phương án trồng mới phục hồi hoặc chuyển sang trồng loại cây mới.
“Dù biết giá cả tiêu hạt khá cao và ổn định nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó phòng trừ bệnh nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác rất lưỡng lự khi quyết định nên tiếp tục trồng tiêu hay chuyển đổi cây trồng. Chúng tôi mong được các cấp, ngành liên quan hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn giống, tập huấn phương pháp phòng trị bệnh thích hợp để yên tâm gắn bó với cây hồ tiêu truyền thống”, ông Nga nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu, ông Ngô Toàn Thắng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho biết, dịch bệnh trên cây hồ tiêu hiện diễn biến khá phức tạp. Thông thường, khi dịch bệnh đã lây lan và phát tán mạnh thì rất khó điều trị, chỉ có phát hiện sớm và điều trị tích cực thì mới phần nào hạn chế được thiệt hại chứ nếu phát hiện và điều trị muộn thì chắc chắn việc cứu vãn vườn tiêu là rất khó.
Trước tình hình dịch bệnh trên cây tiêu diễn biến phức tạp, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã yêu cầu các địa phương và người dân phải tích cực, chủ động phòng trừ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Trạm khuyến cáo với người dân về việc phải thường xuyên phun thuốc để phòng cho cây tiêu trước khi dịch bệnh tấn công, đồng thời các hộ gia đình cần tăng cường công tác vệ sinh vườn tiêu, bổ sung thêm các loại phân bón chức năng để cây có đủ sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh; về mùa mưa phải đảm bảo việc thoát nước trong vườn để cây tiêu không bị ngập úng; thường xuyên theo dõi diễn biến các loại bệnh và nếu phát hiện dịch bệnh thì cần phải cách ly và tiêu hủy nhanh chóng, an toàn cây nhiễm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhiều điểm bán trái cây ở khu vực nội ô TP Cần Thơ, gần đây nhiều loại trái cây ở khu vực ĐBSCL đã vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung tăng dẫn đến giá giảm.
Để tận dụng diện tích mặt nước (hơn 30.000 ha) tại các hồ chứa thuộc các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ và Mỹ Đức, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao như rô phi, điêu hồng, chép...
Bệnh đốm trắng thanh long hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt tên cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng (NNVN đã phản ánh).