Người Dân Cần Nắm Được Các Biện Pháp Phòng Chống Dịch Heo Tai Xanh
Trước tình hình dịch bệnh heo tai xanh đã bùng phát tại tỉnh Long An, địa phương giáp ranh Tiền Giang, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thú y (CCTY) Tiền Giang cho biết:
Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình dịch heo tai xanh tại tỉnh bạn, CCTY Tiền Giang đã có công văn cảnh báo đến các địa phương nhất là các nơi có vùng giáp ranh đồng thời chỉ đạo cho lực lượng thú y huyện, xã tăng cường giám sát địa bàn để kịp thời phát hiện hầu có biện pháp xử lý kịp thời nếu dịch bệnh phát sinh; đã tổ chức triển khai tiêm phòng gần 100.000 liều vắcxin tai xanh cho đàn heo tại các xã nguy cơ.
Ngoài ra CCTY Tiền Giang còn tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi tỉnh triển khai tháng tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm làm giảm thiểu mầm bệnh đang lưu cữu (tồn tại dai dẳng) trong môi trường...
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp trên, cộng với sự hợp tác của bà con chăn nuôi và sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương nên đến nay tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.
+ Phóng viên: Một trong những biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch là công tác tiêm phòng vắcxin đàn heo. Như vậy, sau khi đã tiêm phòng mà nếu có hiện tượng nhiễm bệnh xảy ra thì nguyên nhân do đâu, thưa ông? Và cách nào để giải quyết vấn đề này?
+ Ông Lê Minh Khánh: Theo quan điểm của CCTY Tiền Giang, hiện nay việc sử dụng vắcxin (cùng với việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khác) để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp tích cực, hiệu quả với điều kiện là việc sử dụng phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng bệnh, đúng thuốc và đúng liều + lần lập lại.
- Đúng bệnh: có nghĩa là vắcxin nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không thể cứ tiêm một loại vắcxin là có thể ngừa được cho tất cả các bệnh. Thí dụ: vắcxin dịch tả heo chỉ ngừa được bệnh dịch tả heo, vắcxin tai xanh chỉ ngừa được bệnh tai xanh… các bệnh khác cũng có thể gây bệnh được như thường.
- Đúng thuốc: có nghĩa là trong lọ vắcxin ta sử dụng phải có tác dụng ngừa được đúng loại mầm bệnh đang có mặt tại địa phương. Thí dụ: virút gây bệnh lở mồm long móng gia súc tại tỉnh Tiền Giang hiện nay thuộc túyp O nên chỉ có vắcxin phòng được bệnh lở mồm long móng tuýp O mới có hiệu quả; vắcxin tai xanh JXA-1 mới ngừa được bệnh tai xanh hiện nay tại tỉnh Tiền Giang, các loại vắxin tai xanh khác qua thực tế cho thấy dù là hàng ngoại nhập, đắt tiền hơn cũng không bảo vệ được đàn heo, chính vì vậy mới có trường hơp heo “mang tiếng” có tiêm phòng rồi mà vẫn mắc bệnh!
- Ngoài ra, để việc tiêm phòng có hiệu quả, người sử dụng còn cần phải tuân thủ việc tiêm vắcxin đúng liều và đủ số lần lặp lại theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Phóng viên: Và trong tình hình dịch bệnh heo tai xanh còn diễn biến phức tạp (cả nước đã có 2 tỉnh có dịch), ngoài công tác phòng tránh, ngành Thú y tỉnh nhà sẽ có biện pháp gì để giúp hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi tỉnh nhà?
+ Ông Lê Minh Khánh: Chúng tôi nghĩ, biện pháp hàng đầu là tuyên truyền, vận động người dân ý thức được tác hại của dịch bệnh, hiểu được các biện pháp phòng chống, các chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ người chăn nuôi chẳng may bị rủi ro… để bà con hợp tác tốt với chính quyền địa phương và ngành thú y trong việc phát hiện, khai báo và tổ chức dập dịch.
Tuyên truyền cần phải được triển khai bằng nhiều cách theo chiều rộng lẫn chiều sâu…, có như vậy dịch bệnh mới được “phát hiện nhanh” và “xử lý gọn”, mới hạn chế được thiệt hại cho người chăn nuôi và kinh tế của tỉnh nhà.
+ Phóng viên: Cuối cùng, xin ông cho biết ngành Thú y tỉnh nhà sẽ có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng?
+ Ông Lê Minh Khánh: Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiện nay, chúng tôi khuyến cáo bà con chăn nuôi hãy luôn bình tỉnh, đừng vội nghe những lời đồn nhảm mà “bán đổ, bán tháo” đàn gia súc gia cầm của mình gây thiệt hại về kinh tế mà hãy thường xuyên chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi.
Khi phát hiện có điều gì bất thường, bà con nên báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để chúng tôi kịp cử người đến giúp đỡ bà con, nên triển khai ngay việc tiêm phòng vắcxin cho đàn gia súc, gia cầm. Có gì chưa rõ, bà con có thể gọi cho đường dây nóng phòng chống dịch bệnh của tỉnh số 0733.888.111 để được tư vấn thêm.
+ Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.
Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.
Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.