Giá / Mô hình kinh tế

Người Chăn Nuôi Được Tiếp Vốn

Người Chăn Nuôi Được Tiếp Vốn
Tác giả: 
Ngày đăng: 24/04/2012

Thông qua Dự án “Chăn nuôi lợn nái sinh sản”, 22 hộ ở xã miền núi Quân Bình, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã được tiếp vốn để tu sửa, xây mới chuồng trại, mua thêm lợn giống.

Các hộ được tiếp vốn đều có kinh nghiệm nhiều năm nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt. Gần 2 tháng nay, giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều hộ mất hết vốn để tái đàn. Việc tiếp cận được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) với lãi suất ưu đãi là động lực để các gia đình khôi phục và mở rộng chăn nuôi.

Mở rộng quy mô sản xuất

Chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Thôm Mò là một trong những hộ nuôi lợn nái, lợn thịt có tiếng ở huyện Bạch Thông. Sau 2 lứa lợn thịt bán giá quá thấp (39.000-40.000 đồng/kg), đồng vốn bị hao hụt, muốn duy trì chăn nuôi, chị không biết vay thêm ở đâu. “Vay Ngân hàng Thương mại phải lên tận huyện, mà lãi suất cao, chúng tôi chẳng dám vay. May, vừa rồi được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi Quỹ HTND, tôi dồn vào mua thức ăn, mua thêm 3 con lợn nái hậu bị...”.

Cũng như chị Tuyết, anh Hà Văn Mạn, xóm Lủng Cóc chẳng hào hứng với việc mở rộng chăn nuôi sau mấy lứa xuất bán lợn thịt lỗ vốn. Một phần vì còn nghe ngóng tình hình giá cả, phần khác anh Mạn hỏi vay vốn mấy chỗ đều chưa được. Được Quỹ HTND cho vay 25 triệu đồng, anh Mạn mua 3 lợn nái và trữ thêm thức ăn phòng lúc tăng giá.

“Vay vốn bên ngoài lúc này không dễ. Ti vi, đài, báo nói là Nhà nước hạ trần lãi suất huy động thì lãi suất cho vay sẽ giảm. Tôi lên huyện hỏi thì lãi suất cho vay của Ngân hàng Thương mại vẫn cao. Làm nông nghiệp, lợi nhuận không cao, rủi ro lớn nên Nhà nước cần có dòng vốn ưu đãi như nguồn Quỹ HTND cho ND vay”- anh Mạn đề đạt.

Được tiếp vốn, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Quân Bình đã mua thêm lợn nái, lợn hậu bị chuẩn bị cho đợt ra lợn giống sắp tới. Một số hộ khác tu sửa, xây mới chuồng trại để nâng đầu lợn nái, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông Vương Quốc Dũng, thôn Nà Lẻng cho hay: “Với 30 triệu đồng vay Quỹ HTND, tôi sẽ xây thêm 2 ô chuồng, mua thêm 1-2 đầu lợn nái...”.

Hình thành nhóm hộ

Trước kia, các hộ chăn nuôi ở xã Quân Bình ít khi tham khảo nhau kinh nghiệm, kỹ thuật hay điều chỉnh quy mô đàn lợn qua thông tin thị trường. Với việc cho vay vốn Quỹ HTND thông qua Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản, các hộ vay vốn đã tập hợp lại thành nhóm theo sở thích. Ông Mai Viết Căn-Chủ tịch Hội ND xã Quân Bình cho biết, ngoài trao đổi thông tin với nhau về giá thức ăn, tiêm phòng dịch bệnh, hàng tháng các hộ tham gia dự án họp kiểm đếm tiến độ đầu tư của từng hộ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi...”.

Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng nhóm hộ cùng sở thích chăn nuôi lợn nái sinh sản ở xã Quân Bình đã bước đầu tạo được niềm tin của các hộ thành viên. Chị Nguyễn Thị Tuyết thổ lộ: “Vừa rồi, giá lợn hơi xuống một phần do tác động của thông tin về chất tạo nạc, phần khác còn do trong năm 2011, giá lợn tăng cao, các hộ vào đàn với số lượng lớn nên cung vượt cầu. Từ nay, với việc trao đổi, cập nhật thông tin thường xuyên hơn, các hộ sẽ chủ động điều chỉnh quy mô, số lượng đầu lợn cho phù hợp...”.

Quân Bình là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Bạch Thông. Việc Hội ND huyện và Hội ND tỉnh Bắc Kạn triển khai Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản đã góp phần đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho địa phương.

Trong lần kiểm tra các nguồn vốn quỹ tại xã Quân Bình mới đây, bà Nguyễn Thị Má - Trưởng ban Điều hành Quỹ HTND T.Ư cho rằng, nhóm hộ cùng sở thích hình thành thông qua Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản còn góp phần tạo cơ sở cho việc ra đời các hình thức hợp tác, kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới...

Có thể bạn quan tâm

Sinh Sản Nhân Tạo Cá Ngát Thành Công Sinh Sản Nhân Tạo Cá Ngát Thành Công

Cá Ngát (Plotosus canius Hamilton, 1822), một loài cá da trơn có kích cỡ thương phẩm tương đối lớn, trung bình cá 2 năm tuổi có trọng lượng từ 2- 3 kg/con

24/04/2012
Gà Lông Nhung” Nhuộm Phẩm Màu Gà Lông Nhung” Nhuộm Phẩm Màu

Nhiều bạn đọc phản ảnh ba ngày qua, một số chợ đầu mối ở Cà Mau (thuộc các phường 2, 4, 7...) xuất hiện một số người lạ mặt chở hơn 10.000 gà con màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.

24/04/2012
Kỹ Thuật Nuôi Cá Chẻm Thương Phẩm Kỹ Thuật Nuôi Cá Chẻm Thương Phẩm

Để đưa mô hình vào sản xuất, từ đầu năm 2008, đơn vị đã đưa chủ hộ thực hiện mô hình tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá chẻm tại Cam Ranh và Trường đại học Nha Trang (Khánh Hòa).

24/04/2012