Giá / Mô hình kinh tế

Ngư Dân Đang Phải Lang Thang Tìm Cá

Ngư Dân Đang Phải Lang Thang Tìm Cá
Tác giả: 
Ngày đăng: 27/06/2012

Phải tự tìm ngư trường dựa vào kinh nghiệm khiến hiệu quả đánh bắt của ngư dân thấp và dẫn đến nhiều hệ lụy về lâu dài.

Dự báo "chay"

Các bản tin dự báo ngư trường là “kim chỉ nam” cho ngư dân đi khai thác trên biển. Căn cứ vào dự báo của các nhà khoa học, ngư dân có thể xác định sẽ đánh bắt ở đâu, đánh bắt con gì và vào thời điểm nào để vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đạt hiệu quả cao.

Thế nhưng, theo ông Đặng Xuân Huy, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, từ năm 1997 Viện Nghiên cứu hải sản đã thực hiện dự báo ngư trường thường niên nhưng mỗi năm chỉ đưa ra được có 2 bản tin. Từ năm 2006, dự báo ngư trường được thực hiện với tần suất cao hơn và phát hành hằng tháng cho 5 loại nghề bao gồm lưới kéo đáy, lưới vây, lưới rê, câu vàng, chụp mực và 5 loại hải sản có giá trị cao là cá ngừ vằn, cá ngừ đại dương, cá nục heo, mực ống và mực nang.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, cho biết viện của ông là đơn vị duy nhất trên cả nước tiến hành nghiên cứu dự báo ngư trường cho toàn vùng biển Việt Nam, trong đó tập trung vào một số loại nghề và đối tượng khai thác chính. Tuy nhiên, chất lượng các bản tin còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí và phương tiện nghiên cứu. “Ít nhất mỗi năm cũng phải 2 lần ra khơi điều tra cơ bản, tìm kiếm số liệu đầu vào phục vụ dự báo vụ cá bắc và vụ cá nam. Nhưng phải nói thật là, từ trước đến giờ, chúng tôi chưa từng đi biển điều tra để phục vụ dự báo ngư trường lần nào cả. Trước đây, viện có một chiếc tàu đi biển, giờ đã chuyển cho Đại học Nha Trang làm giáo cụ vì nó cũ nát quá rồi. Nếu có tàu mà không có kinh phí thì tàu cũng nằm bờ mà thôi”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, mỗi năm Viện Nghiên cứu hải sản chỉ được cấp từ 150 - 250 triệu đồng để phục vụ công tác dự báo ngư trường. Số tiền này dùng để trả công cho các chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ngư dân của 28 tỉnh, thành ven biển ghi sổ nhật ký khai thác, thống kê sản lượng đánh bắt. Tính ra, mỗi tỉnh chỉ có được 5 - 9 triệu đồng/năm.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết vụ cá nam, triển khai vụ cá bắc năm 2011 - 2012 diễn ra cách đây chưa lâu, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận thừa nhận, thông tin của Viện Nghiên cứu hải sản đưa ra, bà con không mấy quan tâm. Muốn dự báo được ngư trường, phải đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn. Phải tổng hợp dữ liệu qua nhiều năm, từ đó, đánh giá, phân tích, chứ không thể phỏng đoán được. Như thế thông tin mới chính xác, bà con ngư dân mới được nhờ.

Thiếu cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản

TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường bức xúc, xuất khẩu thủy sản mỗi năm đem về cho đất nước hàng tỉ USD, riêng năm 2011 là 6,1 tỉ USD, trong đó có đóng góp không nhỏ từ nguồn thủy sản do ngư dân khai thác trên biển. Thế nhưng mỗi năm, chúng ta chỉ dành cho công tác nghiên cứu dự báo ngư trường trên dưới 200 triệu đồng là không tương xứng, nói trắng ra là quá èo uột. Cho nên, nghề cá của chúng ta mãi vẫn nhỏ lẻ và vẫn là nghề cá truyền thống được phát triển trên cơ sở kinh nghiệm của dòng tộc, của gia đình và cá nhân người đi biển. Thậm chí, nguồn kinh phí èo uột nêu trên đã bị tạm dừng từ năm 2011. Nên từ đó đến nay, ngư dân không có thông tin dự báo ngư trường khai thác thủy sản nữa.

Theo TS Hồi, một điều rất đáng tiếc là công tác điều tra nguồn lợi hải sản và sự di biến động của các loài cá, tôm còn rất mỏng. Việc này phải làm thường xuyên, trên diện rộng và mang tính lặp lại, ít ra thì cũng 5 - 10 năm nên tiến hành điều tra lại thì cơ sở dữ liệu mới “dày”, đủ độ tin cậy. Số liệu điều tra nguồn lợi thủy sản các bản tin dự báo ngư trường còn là căn cứ chủ yếu để các nhà quản lý đặt ra lộ trình và sản lượng khai thác cho phép trong từng giai đoạn. Từ dự báo này, nhà quản lý mới tính và xác định được rằng, loại tàu thuyền nào, số lượng bao nhiêu, đánh bắt ở đâu thì đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời tránh khai thác cạn kiệt nguồn lợi.

Chúng ta chưa làm được điều này nên trên thực tế ngư dân lại đang đánh bắt lung tung, tàu nào cũng đánh được, nguy cơ hủy diệt nguồn lợi là rất lớn. "Nhưng phải nói thật là, từ trước đến giờ, chúng tôi chưa từng đi biển điều tra để phục vụ dự báo ngư trường lần nào cả" - Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản.

Tìm ngư trường theo kinh nghiệm

Trao đổi với Thanh Niên, hầu hết các ngư dân ở xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đều nói rằng, họ đang phải tự lực cánh sinh trong việc tìm kiếm ngư trường theo kinh nghiệm của mỗi người. Hiện nhiều ngư dân đã mua máy dò cá cỡ nhỏ và máy quét đáy biển tầm xa để xác định luồng cá. Tuy nhiên, theo anh Phạm Gia Mong, thuyền trưởng tàu cá

TH 90918-TS, thiết bị dò cá chỉ hoạt động hiệu quả trong một khu vực nhỏ hẹp có giới hạn với bán kính từ 20 - 30 m, thiết bị quét đáy biển cũng chỉ có bán kính từ 250 m - 300 m nên việc khai thác cũng rất phập phù. Có khi các ngư dân phải neo tàu, hoặc chạy chậm dò tìm suốt cả ngày, nhưng cũng không tìm được luồng cá. “Cái chúng tôi đang rất cần hiện nay là những thông tin cụ thể rằng ở kinh độ, vĩ độ bao nhiêu đang hoặc sẽ có cá, để chúng tôi đỡ mất thời gian lang thang trên biển”, anh Mong nói.

 


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Nước Lợ Cần Đầu Tư Hệ Thống Thủy Lợi Ở Quảng Nam Nuôi Tôm Nước Lợ Cần Đầu Tư Hệ Thống Thủy Lợi Ở Quảng Nam

Nguồn nước không đảm bảo khiến nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn gặp rủi ro. Việc kiện toàn hệ thống thủy lợi đã được đặt ra, tuy nhiên rất khó thực hiện do eo hẹp về vốn đầu tư và quỹ đất.

27/06/2012
Giá Tiêu Chạm Mốc 100.000 Đồng/kg Giá Tiêu Chạm Mốc 100.000 Đồng/kg

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hồ tiêu tại Lâm Đồng cho biết ngày 4-4 giá tiêu đen ở khu vực Tây nguyên đã lên đến 99.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với đầu tuần trước và là mức giá cao nhất kể từ đầu vụ đến nay

27/06/2012
Bịa Đặt Chuyện Ăn Cá Rô Đầu Vuông Bị Ung Thư Bịa Đặt Chuyện Ăn Cá Rô Đầu Vuông Bị Ung Thư

Mấy ngày qua, một số trang web đưa thông tin ở Tiền Giang rộ tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị ung thư! Sau các tin đồn ăn sầu riêng, ăn bưởi, ăn cá kèo bị ung thư, đến lượt cá rô đầu vuông bị bôi xấu

27/06/2012