Ngọt Lịm Mùa Na Dai Lục Nam
Với vị ngọt thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng lựa chọn, na dai Lục Nam (Bắc Giang) đang ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình, tiếp nối những vụ thu hoạch được mùa, được giá.
Đến xã Huyền Sơn, một trong những nơi được coi là "vựa" na chính của huyện Lục Nam chúng tôi mới cảm nhận được hết không khí nhộn nhịp của một vùng quê trong "vụ mùa vui". Từ ngày quả na chín rộ, ngay từ sáng sớm các điểm thu mua đã rất đông người dân đến bán. Na được phân chia làm 3 loại: Loại 1 thường là những quả to, mẫu mã đẹp có giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg; loại 2 giao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg; loại 3 từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Năm nay, na được mùa, giá thu mua ổn định nên người dân rất phấn khởi:
Gia đình anh Vũ Văn Bút ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn có diện tích gần 1ha na mỗi vụ được hơn 8 tấn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Những năm trước, việc thu hái na của gia đình anh chỉ tập trung khoảng 1 tháng, nhưng vài năm gần đây, nhờ biết áp dụng KHKT như thụ phấn nhân tạo và bón phân theo quy trình Viet GAP nên quả na không chín dồn mà chia làm nhiều đợt. Do vậy, thời gian thu hoạch được kéo dài thêm 3 tháng. Chất lượng quả na cũng được nâng lên, cây na cho quả to, tròn đẹp và có vị ngọt lịm.
Toàn xã Huyền Sơn có hơn 100 ha diện tích trồng na, sản lượng trung bình khoảng 100 tấn quả, giá trị hơn 30 tỉ đồng. Để việc tiêu thụ na được thuận lợi, chính quyền xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân như: Tạo điều kiện về địa điểm thu mua, bảo đảm an ninh trật tự cho thương lái về thu mua na tại địa phương...
Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây na đem lại cho người dân địa phương. Những năm qua, huyện Lục Nam đã tích cực vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân rộng diện tích na trên đất vườn, đồi. Hiện toàn huyện có hơn 11 nghìn ha diện tích trồng na, sản lượng ước đạt gần 12 nghìn tấn quả với doanh thu khoảng trăm tỉ đồng mỗi năm . Trong đó, cây na được trồng chủ yếu ở các xã Huyền Sơn, Đông Phú và Nghĩa Phương.
Bằng chất lượng quả na thơm ngon hơn các địa phương khác, nhiều năm qua, cây na của huyện Lục Nam đã được các thương lái của nhiều tỉnh như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương... đến thu mua tiêu thụ. Ngoài ra, để bảo vệ thương hiệu cho quả na, huyện Lục Nam đã cho thành lập HTX sản xuất na dai Lục Nam với gần 30 xã viên, quy tụ những hội viên có diện tích trồng na lớn của huyện.
Dù mấy năm gần đây, thị trường tiêu thụ quả na tương đối thuận lợi, tuy nhiên để giữ vững được thương hiệu na dai Lục Nam, người dân nơi đây cần duy trì thực hiện tốt phương pháp trồng, chăm sóc na an toàn, bảo đảm chất lượng. Có như vậy quả na mới vươn xa hơn nữa, được người tiêu dùng ở nhiều vùng, miền biết đến.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài phát triển cây cà phê, huyện Mường Ảng còn chú trọng hướng tới một nền sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao bằng việc áp dụng những giống lúa mới thích hợp với điều kiện khí hậu của vùng, đặc biệt là lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả cao.
Ông Trần Bá Đề, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Chỉ cách đây vài năm, Noong Hẹt là xã thuần nông. Xác định mục tiêu để phát triển kinh tế là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới nên việc học nghề và đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn đã được xã Noong Hẹt quan tâm và phát triển.
Với lợi thế về đất đai, đồi rừng, ao hồ, sông suối và nhất là nguồn lao động trong nông thôn dồi dào, tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm... góp phần xoá đói giảm nghèo cho dân.