Giá / Tin thủy sản

Nghiên cứu nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh

Nghiên cứu nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh
Tác giả: PV
Ngày đăng: 01/04/2019

Trường ĐH Trà Vinh đã công bố nghiên cứu thành công giai đoạn I của đề tài "Nghiên cứu tôm sú bố mẹ sạch bệnh". Đây là đề tài nghiên cứu cấp Bộ, do Bộ NN-PTNT tài trợ kinh phí và đánh giá đạt yêu cầu.

Tôm bố mẹ sạch bệnh

TS Huỳnh Kim Hường, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản (ĐH Trà Vinh) phụ trách đề tài cho biết, nguồn gốc tôm bố mẹ là những con tôm sú post có nguồn từ Mỹ và được chứng nhận sạch bệnh bởi những cơ quan chức năng khi nhập vào nước ta. Trên cơ sở những tôm post này nhà trường sẽ nuôi lớn thành tôm bố mẹ theo quy trình sạch, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch từng giai đoạn bởi Thú y vùng 6.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, thời gian nuôi tôm post thành tôm bố mẹ 13 tháng, tôm cái đạt kích cỡ trung bình > 150g tôm đực kích cỡ trung bình > 100g. Đồng thời, bước đầu cho sinh sản từ 300.000 - 400.000 ấu trùng ở tôm mẹ, tỉ lệ nở của trứng từ 79 - 82%. Cùng với đó, theo kết luận của Thú y vùng VI, chất lượng tôm post sạch các bệnh như gây teo gan tụy, đầu vàng, còi, hoại tử gan tụy cấp…

Anh Trần Văn Bê, một trong ba hộ dân tham gia thả nuôi thử nghiệm tôm sú giống do ĐH Trà Vinh sản xuất (ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) cho biết: “Tôi quan sát thấy con tôm con phát triển tốt và nhanh nhạy, khỏe mạnh. Chúng rất háu ăn, lanh lợi...”.

Ông Trần Công Bình, chuyên gia về tôm giống, GĐ Cty Tôm giống Châu Phi (TP Phan Rang, Ninh Thuận) đánh giá, khi con giống bố mẹ được cho ra bên ngoài môi trường tự nhiên thì sức sống và sức sinh sản sẽ còn rất mạnh mẽ, tốt hơn nữa. ĐH Trà Vinh là đơn vị đầu tiên của cả nước nghiên cứu thành công nguồn tôm giống bố mẹ sạch bệnh.

Bà Trần Thị Mỹ Nương, Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết: “Bản thân gia đình tôi cũng SX tôm giống, con giống bố mẹ chủ yếu bắt ngoài tự nhiên, không đồng đều, không đảm bảo sức sinh sản, dịch bệnh, dẫn đến rủi ro cao. ĐH Trà Vinh cung cấp nguồn tôm sú sạch bệnh, tôi sẽ tiếp tục nuôi...".

Kiểm tra tôm bố mẹ tại ĐH Trà Vinh

Ông Trần Công Bình cho biết thêm, hiện mỗi tôm post bán từ 135 - 140 đồng/con thì chi phí vận chuyển từ Bình Thuận vào Trà Vinh mất phí khoảng 5 đồng/con. Quãng đường vận chuyển xa nên tôm chết nhiều, hao hụt khoảng 10%. Nếu SX thành công tôm giống ngay tại Trà Vinh sẽ tiết kiệm được chi phí tôm giống khoảng 12% cho bà con.

Ông Trang Tửng, Phó Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT Trà Vinh cho hay, Trà Vinh có 83 cơ sở SX tôm giống, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của tỉnh, số còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh. Thời gian tới ĐH Trà Vinh có thể cung cấp tôm giống chất lượng cao sạch bệnh cho bà con nhằm giảm thiểu nhập khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn bệnh cá - Nhiễm trùng huyết Rickettsia Hướng dẫn bệnh cá - Nhiễm trùng huyết Rickettsia

Nhiễm trùng huyết Rickettsia được coi là vấn đề bệnh quan trọng nhất trong nuôi cá hồi Chile, với thiệt hại kinh tế hơn 100 triệu USD trong một số năm

01/04/2019
Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh mang amip (AGD) Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh mang amip (AGD)

Bệnh mang amip (AGD) là một rối loạn mang có ở cá biển, nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến cá hồi.

01/04/2019
Nuôi tôm thẻ an toàn Nuôi tôm thẻ an toàn

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có lợi thế của các huyện ven biển ở TP.HCM. Đây cũng là loại thủy sản nuôi có nhiều ưu điểm...

01/04/2019