Giá / Mô hình kinh tế

Nghề Vợt Ốc Gạo Hốt Bạc

Nghề Vợt Ốc Gạo Hốt Bạc
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/03/2012

Lộc biển

Vào tầm 12 giờ trưa mỗi ngày, dọc bãi biển dài chạy dọc theo cửa biển Mỹ Á đến Minh Tân Nam ra đến Đức Lợi (Mộ Đức), đâu đâu chúng tôi cũng thấy người dân tất bật vận chuyển ốc gạo vào bờ rồi đưa đến những tụ điểm thu mua thường được đặt dưới bóng mát của những hàng dương. Những con ốc nhỏ bằng đầu ngón tay út có vỏ ngũ sắc sáng lóng lánh dưới ánh nắng được những người chuyên lặn ốc gạo hân hoan cho vào bao tải loại 50kg, may kín miệng chuẩn bị bán cho các đầu nậu thu mua.

Vừa vạch miệng bao cho mấy đứa con dồn ốc, bác Thiêu Cương (66 tuổi) ở thôn Minh Tân Nam vừa hồ hởi cho biết: “Mùa ốc gạo bắt đầu từ tháng 2 đến 4 ÂL hằng năm. Đây là thời điểm ốc gạo xuất hiện nhiều không kể xiết. Vào thời điểm này bà con sống ven biển bỏ hết công chuyện trên bờ, tập trung ra biển lặn bát ốc gạo. Thu nhập trong 2 tháng có thể mua đủ gạo cho cả nhà ăn giáp năm”.

Lực lượng tham gia nghề bắt ốc gạo toàn bộ là thanh niên, mà phải là người lặn giỏi và có sức khỏe. Bởi không chỉ phải lặn sâu dưới đáy biển sâu 4-5 m mà khi đã cào đầy vợt ốc nặng trên 1 tạ, nếu không phải người lực lưỡng thì khó lòng đưa vợt ốc lên bờ. Người lặn ốc phải ra biển từ 5 giờ sáng, mang theo cái vợt có cán gỗ dài 2-3 sải tay, vành vợt được làm bằng inox cho khỏi bị nước biển làm han gỉ. Ra đến biển, người lặn bắt đầu bơi ra xa khỏi bờ khoảng 4-5 sải tay, sau đó lặn xuống tận đáy, dùng cái vợt nhỏ lùa lũ ốc nằm lồ lộ dưới đáy biển vào chiếc vợt lớn.

Khi ốc vừa đầy vợt thì đưa vào bờ, hết lượt này đến lượt khác cho đến 12 giờ trưa. Anh Nguyễn Tái (30 tuổi) cho biết thêm: “Với vợt ốc nặng trên 1 tạ, nếu không nhờ sức đẩy của nước biển thì chúng tôi khó lòng đưa được vào bờ. Lên được bờ, vợ con tụi tui phải túc trực 2-3 người mới đưa được vợt ốc vào”. Lúc “khan”, ốc có giá đến 600-700 ngàn đồng/bao, thời điểm ốc nhiều như hiện nay cũng được 300-400 ngàn đồng/bao. Người lặn giỏi kiếm chắc trên 1 triệu đồng/ngày, người lặn tệ nhất cũng có khoản thu nhập 500-600 ngàn đồng/ngày.

Làm chơi ăn thật

Những người lớn tuổi như bác Cương, hoặc lặn kém cỏi cũng có thể tham gia đi vớt ốc nhưng phải dùng ghe. Mỗi ghe thường đi 3 người, 1 người lái ghe, 2 người kia thọc cây vợt có vành rộng 2,5 mét, cán vợt dài 6-7 mét xuống biển. Khi ghe chạy, vành vợt được 2 chàng trai lực lưỡng đè sâu xuống mặt cát khoảng 2cm để cào ốc. Khi thấy nặng tay, chiếc vợt được kéo lên, lũ ốc được cho vào bao. Cứ thế tiếp tục hết mẻ này đến mẻ khác. Những ghe vớt ốc thường đi từ 1 giờ sáng kéo dài đến 12 giờ trưa mới vào bờ.

Vào mùa, ghe nào trúng mánh cào được trên 10 bao, bán được 4-5 triệu đồng. Khi cạn ốc cũng cào được 7-8 bao. Cách đây 2 năm, bác Cương sắm chiếc ghe cùng chiếc máy nổ hết 10 triệu đồng để cùng 2 người con trai đi vớt ốc, cuộc sống của gia đình bác trở nên khấm khá từ đó đến nay. “Làm gần bờ, không phải chịu sóng to gió lớn lại cho thu nhập khá. Lũ ốc gạo quả là cái “lộc” của biển ban cho chúng tôi. Ốc gạo là loài không ở 1 chỗ, càng về cuối mùa chúng di chuyển dần về phía Nam nên chúng tôi cũng phải đi theo chúng”, bác Cương tâm sự.

“Riêng trên địa bàn xã Đức Minh đã có đến 3 tụ điểm thu mua ốc gạo là Minh Tân Nam, Minh Tân Bắc và Đạm Thủy Bắc. Mỗi ngày có đến vài trăm người dân trong xã tham gia làm nghề vớt ốc. Ốc gạo chính là con xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương”, ông Trần Như Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Minh.

Đầu ra của ốc gạo là thênh thang, luôn ăn mạnh ra thị trường Đà Nẵng và vào Vũng Tàu, là món đặc sản phục vụ cho khách du lịch. Riêng tại cửa biển Minh Tân Nam, mỗi ngày có đến 30-40 đầu nậu tập trung về đây mua gom ốc gạo, mỗi đầu nậu mua 50-70 bao, mỗi ngày có đến 4 chiếc xe tải túc trực để chở ốc gạo đi các nơi.

Ông Trần Như Hiệp-Chủ tịch UBND xã Đức Minh-cho biết: “Không chỉ người trực tiếp vớt ốc có thu nhập cao, những tư thương đi mua gom cũng kiếm lãi lớn, riêng những người trực tiếp nấu bán số lãi kiếm được mỗi ngày nghe mới “khủng”. Họ mua từ biển lên với giá gốc chỉ 400 ngàn đồng/bao. Ngâm và nấu tại chỗ, sau đó bán cho các nhà hàng với giá 900 ngàn đồng/bao, lãi ngất trời. Đơn cử như quán ăn Thành Việt, ngoài phục vụ khách đến quán, khoản lãi từ ốc gạo luộc bán cho các nhà hàng khác ngày nào cũng kiếm cả triệu đồng”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Thẻ Trong Ruộng Lúa - Hiệu Quả Bất Ngờ Nuôi Tôm Thẻ Trong Ruộng Lúa - Hiệu Quả Bất Ngờ

Ông Mai Văn Chánh (ảnh), Chủ nhiệm HTX lúa tôm Hòa Lời, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng vui vẻ chia sẻ về kết quả bước đầu của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong ruộng lúa: Tôi vô cùng bất ngờ khi thấy tôm chân trắng có thể sống trong ruộng lúa nước ngọt hoàn toàn.

23/03/2012
Nghệ An: Nỗ Lực Khắc Phục SX Lúa Đông Xuân Nghệ An: Nỗ Lực Khắc Phục SX Lúa Đông Xuân

Theo báo cáo sơ bộ của Sở NN-PTNT Nghệ An thì đến thời điểm này toàn tỉnh có xấp xỉ 40.000 ha lúa bị chết rét, chiếm trên 40% tổng diện tích lúa gieo cấy cả vụ. Trong số này có từ 15.000-16.000 ha lúa gieo thẳng và 24.000-25.000 ha lúa cấy.

23/03/2012
Nhập 53.000 Tấn Muối: Diêm Dân Bị Dồn Vào Chân Tường Nhập 53.000 Tấn Muối: Diêm Dân Bị Dồn Vào Chân Tường

Thông tin Bộ Công Thương công bố sẽ cho nhập khẩu 53.000 tấn muối đợt 1 năm 2012 khiến diêm dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lo âu và bức xúc.

23/03/2012