Nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống ở phường Nhị Mỹ (Tiền Giang)
Nhớ lại một thời kỳ hoàng kim, ông Huỳnh Văn Phước, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhị Mỹ bồi hồi kể: “Đó là vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi Đảng chủ trương công cuộc đổi mới đã kích thích các thành phần kinh tế phát triển. Lúc bấy giờ ông Cao Văn Xem là kỹ sư thủy sản về Nhị Mỹ mở nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống và phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ” nhằm đẩy mạnh nghề nuôi cá nước ngọt.
Phong trào phát triển, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nghề ương ép cá giống. Nổi bật nhất thời kỳ đó có ông Bảy Dọng, ông Tám Vũ ở ấp Mỹ Thuận là những nông dân kỳ cựu lành nghề trong việc ương ép, nuôi dưỡng cá giống, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, do tình hình giá cả thị trường bấp bênh, không ổn định, thức ăn nuôi trồng và thuốc phòng trị bệnh tăng cao, thiếu nguồn vốn sản xuất nên ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển của làng nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống”.
Trước tình hình đó, Hội Nông dân phường Nhị Mỹ đã phối hợp với các cấp, các ngành tập trung đề ra nhiều giải pháp để vực dậy nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống. Đó là, thường xuyên mở các lớp khuyến ngư, khuyến nông, tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân. Đồng thời, liên hệ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, thành lập nhiều tổ vay vốn nhằm giúp nông dân có điều kiện phát triển ngành nghề.
Năm 2014, Dự án “Nuôi cá giống” của Hội Nông dân phường Nhị Mỹ được phê duyệt với số vốn hỗ trợ 300 triệu đồng đã giải ngân cho 15 hộ, mỗi hộ 20 triệu đồng, tạo điều kiện cho các hộ phát triển, nhân rộng mô hình ương ép, nuôi dưỡng cá giống và chuyển đổi phương pháp nuôi trồng theo hướng đưa con cá giống lên ruộng lúa (2 lúa 1 cá).
Từ đó nghề ương ép, nuôi dưỡng cá giống có bước phát triển mạnh, Nhị Mỹ trở thành một làng nghề nổi tiếng hàng năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng triệu con cá giống đủ các chủng loại như: Cá tra, cá trê vàng lai, cá rô đầu vuông, cá sặc rằn, cá lóc, tai tượng, điêu hồng, rô phi...
Trên đường dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình điểm, ông Phước hồ hởi nói: “Kể từ khi đẩy mạnh các giải pháp vực dậy nghề ương ép, nuôi dưỡng các giống đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Chỉ tính riêng năm 2015, toàn phường có 343 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 73 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện thì có đến 54 hộ sản xuất, kinh doanh cá, chiếm 74% và trong số 25 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh thì có 22 hộ sản xuất, kinh doanh cá, chiếm 88%.
Điều này cho thấy mô hình ương ép, nuôi dưỡng cá giống đem lại lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, đúng lời cha ông từng nói “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”.
Mô hình của anh Nguyễn Văn Đực Nhỏ ở khu phố Mỹ An là một điển hình, thông qua các lớp tập huấn khuyến nông - khuyến ngư và học hỏi kinh nghiệm các lão nông ở địa phương, từ 4.000m2 đất sản xuất lúa hiệu quả thấp, anh Nhỏ mạnh dạn đào 2 ao, mỗi ao rộng 2.000 m2, nuôi cá trê vàng lai. Qua 4 tháng nuôi, sản lượng đạt 2 tấn, bán 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi trên 35 triệu đồng. Bình quân mỗi năm anh thả 3 vụ, thu lợi nhuận 110 triệu đồng/năm.
Từ thành công này, anh duy trì nuôi cá thương phẩm phục vụ thị trường, tùy theo mùa vụ, anh chủ động nuôi nhiều loại cá để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Do nghề nuôi cá cho lợi nhuận khá cao, anh thuê thêm 5.000 m2 đất đào 5 ao ương ép, nuôi dưỡng cá điêu hồng giống, mỗi ao rộng 1.000 m2.
Bình quân mỗi ao anh thả từ 400 - 500 cá bố mẹ, trong đó cá đực chiếm 10% tổng đàn, cho sản lượng 150.000 vạn cá bột/tháng, thương lái đến tại ao mua giá 180.000 đồng/vạn, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trung bình 100 triệu đồng/năm.
Còn mô hình của anh Nguyễn Văn Mới, khu phố Mỹ An trước đây có 6 công đất chuyên trồng huệ, sau anh chuyển đổi sang ương ép, nuôi dưỡng cá giống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng, anh trở thành Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh 6 năm liền.
Riêng mô hình của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nghiệm và anh Huỳnh Văn Đúng ấp Mỹ An khá nổi tiếng nhờ biết kết hợp giữa sản xuất với kinh doanh. Xuất thân từ một hộ nghèo có sổ, từ 1 triệu đồng nguồn vốn tín chấp của Hội Phụ nữ, vợ chồng chị Nghiệm đã gầy dựng thành một trại ương ép, nuôi dưỡng cá giống với tên gọi Trại cá giống Đúng - Nghiệm.
Cơ sở của vợ chồng chị gồm 1 điểm chính và 4 điểm phụ với diện tích 25.000m2, trong đó có 5.000m2 ương ép cá giống và 20.000m2 nuôi dưỡng cá giống. Vừa sản xuất, vừa kinh doanh, mỗi năm trại cá giống Đúng - Nghiệm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng triệu con cá giống và hàng chục tấn cá thương phẩm, tạo việc làm cho hàng chục nhân công tại địa phương, trở thành Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Có thể bạn quan tâm
Vùng đồng quê chiêm trũng huyện Yên Thành (Nghệ An) là vựa lươn nổi tiếng nhất miền Trung. Con “đặc sản” này đã tạo nghề cho người dân nơi đây có thêm thu nhập. Nhiều hộ gia đình nhanh nhạy nắm bắt thị trường đã trở thành những tỷ phú từ nghề nuôi lươn và chế biến lươn…
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển. Đời sống của bà con nơi đây đa phần dựa vào biển cả, trong đó, mùa ruốc là mùa mà ngư dân ở đây mong đợi nhất - mùa làm ăn sung túc nhất trong năm.
Trong lúc câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong cả nước đang đặt ra không ít vấn đề, thì tại huyện nông thôn mới Nhà Bè (TPHCM), nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, gầy dựng được mô hình sản xuất hiệu quả.