Ngành chăn nuôi thay đổi toàn diện để vượt “cửa tử” 2018
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Ông Chinh cho biết: Nếu năm 2010, số lượng bò sữa cả nước mới đạt 128.005 con với sản lượng sữa 306.000 tấn sữa, thì năm 2015 tổng đàn đạt 275.220 con, sản lượng sữa tăng lên gấp đôi, đạt 723.000 tấn. Năng suất sữa của bò lai từ 3,25 tấn/chu kỳ năm 2001, lên 5,60 tấn/chu kỳ năm 2013 (trung bình cả nước là 5,186 tấn/chu kỳ. Trong khi đó, năng suất sữa các nước trong khu vực: Thái Lan 3,20 tấn/chu kỳ; Indonesia 3,10 tấn/chu kỳ; Trung Quốc 3,41 tấn/chu kỳ… Một số tỉnh nuôi nhiều bò sữa như TP.HCM 103.590 con; Nghệ An 58.140 con; Sơn La 17.600 con; Lâm Đồng 17.000 con; Hà Nội 14.300 con; Long An 13.000 con; Vĩnh Phúc 8.700 con…
Trong những năm gần đây, đàn bò sữa cả nước đang phát triển rất mạnh, song lại bế tắc đầu ra, giá sữa liên tục giảm. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Giá sữa tươi nguyên liệu được thực hiện theo cơ chế thị trường và không thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo Luật Giá. Việc thu mua sữa tươi nguyên liệu được thực hiện qua hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp thu mua và người chăn nuôi. Theo đó, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu được tính theo dạng nhóm chất lượng (chất lượng sữa theo nhóm nào thì hưởng giá theo nhóm đó). Để đảm bảo chất lượng sữa, các công ty chế biến sữa yêu cầu các hộ chăn nuôi phải đảm bảo những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định về số lượng bò sữa, về thú y, chuồng trại…
Có nhiều nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn như giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm mạnh, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, công ty có hạn mức thu mua sữa… Ngoài ra, còn có những nguyên nhân chủ quan như có một số hộ chăn nuôi tự phát, không theo quy hoạch, không thực hiện ký kết hợp đồng với công ty thu mua sữa để đảm bảo đầu ra ổn định... Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi không thực hiện nghiêm túc cam kết với công ty, khi giá sữa tươi tăng, họ đã bán sữa ra ngoài làm ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu sản xuất, đến khi thị trường tiêu dùng sữa tươi giảm, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn sẽ khó có được sự hỗ trợ từ các công ty…
“Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ cho phép thành lập ủy ban quốc gia về sữa bao gồm đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chế biến sữa, đại diện cho những người chăn nuôi bò sữa và đại diện của người tiêu dùng. Ủy ban này sẽ thay mặt các bên liên quan để quản lý hoạt động thương mại và giải quyết tranh chấp trong ngành sữa. Ủy ban sữa quốc gia cũng có tiếng nói quan trọng để tác động đến chương trình quốc gia về sữa học đường, hạn ngạch xuất nhập khẩu sữa bột, và các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở quy mô quốc gia”.
Ông Tống Xuân Chinh
Nước ta gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khối này có 2 cường quốc về chăn nuôi bò sữa là Australia và New Zealand. Nhiều người cảnh báo, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước sẽ “chết”. Sự thực có đến nỗi quá bi quan như vậy?
- Hiệp định TPP và các FTA giữa ASEAN với hai nước Australia, New Zealand sẽ mở cửa thị trường Việt Nam theo lộ trình nhất định. Tới năm 2018 thách thức đối với ngành nông nghiệp đặc biệt là ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam sẽ rất lớn bởi đây là hai nước có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm sữa.
Do đó, khi hàng rào thuế quan về 0%, để ngành chăn nuôi bò sữa tồn tại và phát triển cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau: Sử dụng các biện pháp về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa như: Công nghệ về chuồng trại, gắn chíp điện tử cho bò để theo dõi sức khỏe, sinh sản, nhu cầu dinh dưỡng…, quy trình máy móc chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR, công nghệ chế biến sữa, những chương trình hợp tác này đã góp phần nâng cao số lượng, chất đàn bò và chất lượng, sản lượng sữa cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài ra, tiếp tục phát triển chăn nuôi bò sữa theo vùng trọng điểm, tạo điều kiện cho nông dân thực hiện theo quy hoạch, phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư để nâng quy mô chăn nuôi lên quy mô vừa và lớn. Tuyên truyền để người nông dân ký kết hợp đồng với các công ty thu mua sữa ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn sẽ làm cầu nối để các công ty đảm bảo thu mua hết sữa cho nông dân.
Không chỉ TPP, mà ngay trong nước, việc chăn nuôi bò sữa và ngành sữa cũng đang có sự canh tranh rất lớn giữa các ông lớn như Vinamilk, TH True Milk... Phải chăng chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không còn phù hợp, thưa ông?
- Hiện nay cả nước có 17.828 hộ chăn nuôi bò sữa, với số lượng bò chiếm tới 70% tổng đàn bò của cả nước. Đây là cuộc sống, là an sinh xã hội cho nông dân Việt Nam, không thể bỏ được. Chăn nuôi nông hộ sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất, chịu tổn thất cao nhất khi hội nhập.
Vì vậy, chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ muốn tồn tại, phát triển phải thay đổi về tư duy, tập quán, kỹ thuật chăn nuôi. Phải tiếp tục phát triển theo hướng chăn nuôi có kiểm soát, nâng dần quy mô tối thiểu 15-20 con/hộ, chuyển nhanh sang chăn nuôi gia trại, trang trại; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong chăn nuôi (nhân giống, quản lý giống, trồng cỏ và chế biến thức ăn, công nghệ chuồng trại chống nóng…). Đồng thời, để phát triển chăn nuôi nông hộ bền vững, có hiệu quả, các nông hộ cần tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp chăn nuôi kiểu mới hoặc tham gia các chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi.
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ có định hướng gì để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa bền vững hơn?
- Chúng tôi ưu tiên phát triển chăn nuôi bò sữa trang trại thâm canh quy mô vừa và nhỏ, chuyển một phần đất canh tác, đất ven sông, ven bãi sang trồng cỏ và cây thức ăn, sử dụng phụ phẩm nông - công nghiệp cho chăn nuôi bò sữa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt các công nghệ sinh học trong công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng xuất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi bò sữa.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Yên Bái dành 100 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ năm 2016 đến 2020.
Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, HTX sản xuất rau thôn Đoài, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã xây dựng được chuỗi cung ứng rau an toàn, phân phối cho thị trường Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Hồng xiêm (phía Nam gọi là sapôchê), là một loại trái cây có mùi vị hấp dẫn và nhiều vitamin, khoáng chất, giá trị dinh dưỡng rất cao. Đây cũng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, thích nghi rộng, được trồng phổ biến tại Bắc Bộ và ĐBSCL.