Giá / Mô hình kinh tế

Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Những Bước Chuyển Căn Cơ

Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Những Bước Chuyển Căn Cơ
Tác giả: 
Ngày đăng: 11/09/2013

Ngành chăn nuôi bò sữa TPHCM đang chuyển những bước căn bản như ứng dụng công nghệ cao trong việc lựa chọn giới tính, quản lý, khắc phục những khiếm khuyết trong quá trình chăm sóc với mục tiêu nâng chất thay vì chỉ theo số lượng và là nơi cung cấp đàn bò sữa giống cho các tỉnh, giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm.

Áp dụng công nghệ cao

Cuối tháng 8 vừa qua, TPHCM khánh thành Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) với sự hỗ trợ của Israel, đất nước có ngành chăn nuôi bò sữa tiên tiến và năng suất cao nhất nhì thế giới, có khí hậu khá nóng như Việt Nam. Đây là trại ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi, quản lý, dinh dưỡng, thú y theo mô hình của Israel trong chăn nuôi bò sữa cao sản. Chương trình có sự hợp tác giữa Trung tâm Hợp tác quốc tế (MASHAV), Bộ Ngoại giao Israel với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM.

Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, dù mới vận hành đầu năm 2013 nhưng đến nay đã ghi nhận một số kết quả bước đầu như năng suất sữa trung bình của trại tăng lên 17,3 kg/con/ngày nhờ vắt 3 ca thay vì 2 ca, tương đương 6.300 kg/con/chu kỳ và mục tiêu dự án hướng đến là 8.000 kg/con/chu kỳ. Con số này tháng 1 là 8,5 kg sữa/con/ngày. Trên 60% nhóm bò vắt sữa lên giống lại chỉ 60 - 90 ngày sau sinh, yếu tố quan trọng rút ngắn khoảng cách giữa 2 lứa đẻ.

Những kết quả ban đầu này khẳng định tính hiệu quả và khả thi dự án, nhân rộng mô hình cho người nuôi ở TP và khu vực. Hai bên thống nhất gia hạn hợp tác đến năm 2017, nhằm tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng chăm sóc, quản lý chuồng trại, nhiệt độ, ẩm độ.

Mục tiêu của dự án là giúp giảm chi phí sản xuất cho người nuôi, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, nhân rộng ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn hoàn chỉnh TMR; hoàn thiện mô hình DDEF bằng cách ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi, quản lý, dinh dưỡng, thú y...

Theo các chuyên gia, nếu chọn lọc giống bò chất lượng sẽ tăng sản lượng sữa lên 10% - 15%/chu kỳ, chế độ dinh dưỡng phù hợp làm tăng sản lượng sữa lên 80% - 90%. Ngoài ra, cấu trúc chuồng trại có hệ thống phun sương, làm mát… giúp bò không bị stress, nhiệt ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sữa.

Liên kết nhóm, tổ

TPHCM có chương trình phát triển bò sữa giai đoạn 2011 - 2015, trong đó hỗ trợ 50% chi phí cho người nuôi mua và được trả chậm 6 tháng không lãi suất các thiết bị như máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt, bình nhôm, máy băm thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng. Tuần qua, Trung tâm Khuyến nông TP đã chuyển giao đợt 1 cho 157 hộ nuôi bò sữa thuộc 31 xã, phường ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12. Trung tâm Khuyến nông còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, xây dựng mô hình trình diễn, mô hình thử nghiệm. Hỗ trợ việc xây dựng hệ thống biogas để tận dụng chất phế thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dùng năng lượng phục vụ trở lại việc chăn nuôi và sinh hoạt.

Đây là những phương cách góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng giống bò sữa cao sản, nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới việc cơ giới hóa các công đoạn chăn nuôi, giải quyết nạn khan hiếm lao động nông thôn. Hiện nay năng suất sữa bình quân đàn bò sữa TPHCM đạt 5.100 kg/con/chu kỳ, cao hơn bình quân cả nước khoảng 4.500 kg/con/chu kỳ. Quy mô đàn cũng tăng lên 11,63 con/hộ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi (Viện Chăn nuôi quốc gia) từng cho rằng, để phát triển bền vững, nhất là tại TPHCM, nên tổ chức lại mô hình theo hướng hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bên cạnh các trang trại với quy mô đàn tăng lên, giúp giảm chi phí đầu vào để thu nhập tăng lên. Đây là nơi cung cấp thức ăn hỗn hợp (TMR từng phần hay toàn phần) với giá thấp hơn thị trường 5% - 10%. Các tổ, nhóm hay HTX còn là nơi tiêu thụ sữa tươi cũng như cung cấp nhân viên thú y có tay nghề giúp việc thụ tinh kịp thời, đúng kỹ thuật hơn.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp, tiêm chủng đầy đủ giúp hạn chế nhiều bệnh tật với chi phí chỉ bằng 1/40 so với bò sữa bị bệnh phải chữa trị. TPHCM đang đi theo hướng này, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp. Công ty Vinamilk từ lâu đã phối hợp với Chi cục Thú y TP về việc đảm bảo an toàn vệ sinh cho sữa nguyên liệu khi công ty chỉ mua sữa của hộ nuôi nào được Chi cục Thú y TP xác nhận đã tiêm phòng 3 bệnh bắt buộc.

Trong khi đó, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam tổ chức 91 nhóm với hơn 1.450 hộ dân nuôi bò sữa cùng 3 tổ hợp tác (THT) với 40 hộ nuôi bò sữa ở ngoại thành TPHCM và các tỉnh tham gia. Tổng lượng sữa của các THT và nhóm hiện nay chiếm 33% trong số 240 tấn sữa thu mua hàng ngày của công ty. Những người tham gia các THT và nhóm mua thức ăn giảm được 6%, giá bán sữa tăng thêm khoảng 3%. Công ty giúp các THT đầu tư bồn lạnh giúp bảo quản sữa cho các tổ viên. Nhờ đó, lợi nhuận của các hộ tham gia nhóm tăng thêm 5%, các tổ viên trong tổ hợp tác tăng thêm 8%.

Việc khuyến khích người chăn nuôi bò sữa liên kết thành các nhóm, THT hỗ trợ và giúp nhau trong chăn nuôi bò sữa đạt chất lượng ngày càng cao, giảm tổng lượng tạp trùng trong sữa xuống dưới ngưỡng quy định là chủ trương của công ty và nếu có điều kiện khuyến khích các THT tiến tới việc hình thành các HTX, lúc đó, nhân viên thú y của HTX sẽ được FrieslandCampina Việt Nam hỗ trợ và đào tạo nghiệp vụ. TPHCM hiện có 23 THT, 5 HTX chăn nuôi bò sữa, trong đó, nổi bật là HTX Tân Thông Hội, Tân Xuân, Phước Long, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với con số gần 9.000 hộ nuôi bò sữa TP.

Mầm bệnh từ bò sữa nhập lậu

Hiện nay, ngoài 2 công ty dẫn đầu về lượng mua, nhân tố góp phần quan trọng phát triển đàn bò sữa cả nước là Vinamilk và FrieslandCampina, nay đã có thêm nhiều đầu mối thu mua như Vixumilk, Lothamilk… Xu hướng người tiêu dùng sử dụng sữa tươi ngày càng tăng. Vậy nhưng nguyên liệu sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu mỗi năm.

Chăn nuôi bò sữa phát triển làm gia tăng nhu cầu con giống, khiến giá bò sữa tăng thêm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2012. Giá một con bò sữa thuần chủng Holstein Friesian (HF) của Vinamilk bán hỗ trợ cho người nuôi ở Lâm Đồng, Nghệ An khoảng 40 - 45 triệu đồng/con, thị trường bên ngoài khoảng 60 triệu đồng/con. Giá bò sữa lai HF trong nước trên dưới 40 triệu đồng/con.

Mỗi năm TPHCM cung cấp trên 25.000 con bò sữa giống cho nhu cầu tại chỗ và các tỉnh, nhưng trước nhu cầu tăng đàn nhanh vẫn chưa đáp ứng đủ. Nắm bắt nhu cầu này, thời gian qua xuất hiện tình trạng thương lái trong nước mua bò sữa từ Thái Lan về Việt Nam qua đường Campuchia.

Bò sữa Thái Lan từng được một công ty ở TPHCM nhập khẩu và nuôi ở huyện Hóc Môn cách nay trên chục năm. Lúc đó, công ty này nhập về bằng con đường chính thức, được kiểm dịch chặt chẽ và nuôi cách ly theo quy trình bắt buộc của ngành thú y. Nhưng sau đó không còn thấy nói về số bò sữa này nữa so với giống bò thuần HF nhập về từ Úc hay New Zealand vẫn được ưa chuộng.

Ông Vương Ngọc Long, quyền Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Bò sữa Việt Nam của Vinamilk cho biết, đàn bò sữa Thái Lan khoảng 500.000 con (Việt Nam khoảng 170.000 con), nhưng năng suất bình quân bò sữa Thái Lan thấp hơn Việt Nam.

Thế nhưng, mới đây, Chi cục Thú y tỉnh Long An đã phát hiện và phạt 7 trường hợp vận chuyển bò sữa từ Thái Lan qua Campuchia đến cửa khẩu tỉnh Long An. Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM cho biết đã phát hiện và phạt 1 hộ nuôi bò sữa ở Củ Chi do mua bò từ Thái Lan không khai báo và kiểm dịch với thú y. Giá một con bò sữa tại biên giới Campuchia khoảng 25 - 28 triệu đồng, khi vận chuyển về TPHCM là 32 - 34 triệu đồng. Tức vẫn còn rẻ hơn giống bò sữa trong nước.

Theo ông Phát, điều đáng nói là do mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc nên chất lượng con giống sẽ là “may nhờ rủi chịu”. Dù bò sữa Thái Lan nhập trái phép được Chi cục Thú y TPHCM kiểm tra không bị nhiễm bệnh, nhưng không thể nói trước về chất lượng như năng suất sữa, khả năng đậu thai và điều đáng lo ngại nhất là Thái Lan đã và đang có dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) type A, bệnh lây lan nhanh.

Gia súc Việt Nam cũng bị LMLM nhưng là type O. Do vậy, dù đàn bò sữa TPHCM với trên 95.000 con đã được tiêm phòng vaccine bệnh này nhưng do khác chủng loại, nếu bò sữa nhập lậu về, chưa qua kiểm dịch không loại trừ tình trạng con giống dù bệnh LMLM không lộ ra ngoài nhưng bị mang trùng, mầm bệnh sẽ bộc phát ra khi có điều kiện lây lan qua đàn bò sữa tại chỗ. Đây là nguy cơ rất lớn. Do vậy, Chi cục Thú y TPHCM khuyến cáo người nuôi nên cẩn thận, chỉ mua bò sữa có nguồn gốc rõ ràng, không nên ham rẻ.


Có thể bạn quan tâm

Ngô Nếp Lai Tím, Bặt Vô Âm Tín Ngô Nếp Lai Tím, Bặt Vô Âm Tín

Thông qua mô hình SX thử nghiệm ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thường Xuân, Thiệu Hóa... (Thanh Hóa), những tưởng giống ngô nếp lai tím Fancy 111, Fancy 212 do Cty Advanta phân phối sẽ phát triển rầm rộ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nhưng sau một thời gian, giống ngô này gần như “chết yểu”.

11/09/2013
Nâng Cao Giá Trị Khóm Cầu Đúc Nâng Cao Giá Trị Khóm Cầu Đúc

Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.

11/09/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Lạc TB 25 Tại Xã Keo Lôm Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Lạc TB 25 Tại Xã Keo Lôm

Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.

11/09/2013