Ngăn Chặn Tình Trạng Tận Diệt Cá Non, Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Cà Mau
Ông Lê Thanh Triều - Chủ tịch UBND huyện U Minh tỉnh Cà Mau cho biết, vụ thu hoạch cá đồng mỗi năm chỉ có một lần hiện đang vào mùa nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức tận diệt cá non, nguồn cá giống dùng để thả nuôi cho vụ mùa sau. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì sẽ không còn nguồn cá giống để thả nuôi cho vụ mùa tới.
Từ đầu mùa khô đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã phát hiện 170 vụ vi phạm săn bắt, mua bán cá non trên vùng U Minh Hạ, thu giữ 2 tấn cá non. Vì lợi ích kinh tế, nhiều thương lái bắt tay với nông dân bắt toàn bộ nguồn cá non dưới ao đìa để bán, vi phạm quy định về quản lý thủy sản. Theo quy định, chỉ được mua bán cá đồng đối với loại cá có đủ kích cỡ, trọng lượng như cá lóc 6 con/kg trở lên, cá rô đạt 10 con/kg, cá bổi 10 con/kg… Loại có trọng lượng thấp hơn không được phép mua bán. Ông Trần Văn Hành, một nông dân chuyên nuôi cá đồng ở U Minh Hạ cho biết: Trước đây người dân dùng lưới để bắt cá, sau đó chọn cá đủ kích cỡ để bán, cá non thả lại làm cá giống, nhưng hiện nay không dùng hình thức này nữa. Nông dân và thương lái thỏa thuận mua bán trọn gói, nghĩa là người nuôi cá bán cả ao đìa. Thương lái dùng máy bơm nước cho đìa khô rồi bắt hết cá trong ao đìa. Đây chính là nguyên nhân làm cho nguồn cá non bị tận diệt.
Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để ngăn chặn tình trạng tận diệt cá non, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ thị, giao chính quyền các cấp áp dụng mọi biện pháp khẩn trương nhằm bảo vệ cá non, xử lý nghiêm mọi hình thức bắt, mua bán cá non đối với bên bán và bên mua. Trước mắt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân có ý thức bảo vệ cá non, cũng chính là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá phát triển bền vững. Đối với hành vi bán và mua cá non, kiên quyết xử lý với hình thức tịch thu hoặc xử lý hành chính, buộc thả cá trở lại ao đìa. Tỉnh giao cho lâm ngư trường phối hợp cùng với chính quyền xã kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Ở Phú Quý (Bình Thuận), trước đây cá chình chẳng có giá trị nhiều về mặt kinh tế. Thỉnh thoảng ngư dân bắt làm mồi lai rai. Gần đây, cá trở nên có giá nhờ vào xuất khẩu. Một số hộ dân đã “phất” lên nhờ nuôi chình.
Nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng bè lồng của gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk đang là một trong những mô hình được mọi người quan tâm học hỏi, bởi giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng năm lên tới cả tỷ đồng.
Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.