Giá / Mô hình kinh tế

Nâng Tầm Liên Kết Để Vực Dậy Ngành Cá Tra

Nâng Tầm Liên Kết Để Vực Dậy Ngành Cá Tra
Tác giả: 
Ngày đăng: 24/06/2012

Ngành sản xuất chế biến cá tra tạo ra sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn khi cả người nuôi và doanh nghiệp đều lâm cảnh khó, lại chưa gắn kết bền vững với nhau! Trong bối cảnh người nuôi thua lỗ lớn, doanh nghiệp thiếu vốn, cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh... thì mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỉ USD năm 2012 là một thách thức!

Nông dân và doanh nghiệp - cùng khó xoay xở!

Hơn 3 tháng qua, giá cá tra nguyên liệu sau khi lên đến cao điểm 27.000 - 28.000 đồng/kg đã quay đầu giảm giá mạnh và đang ở mức 22.000 - 24.000 đồng/kg. Theo khảo sát mới đây của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), người nuôi cá tra đang gặp khó khăn rất lớn. Hiện mỗi 1 kg cá tra thành phẩm lỗ khoảng 3.000 đồng. Trung bình một ha nuôi cá tra đạt sản lượng từ 300 - 360 tấn, mức lỗ tương đương 1 tỉ đồng. Vì thua lỗ nên tình trạng treo ao đang diễn ra ngày càng nhiều ở ĐBSCL. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chồng chất khó khăn. Để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn, nhiều doanh nghiệp đã hạ giá bán từ 3,2 USD/kg xuống còn 2,6 USD/kg.

Hiện nhiều nông dân nuôi cá không dám bán chịu cho doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp thì không xoay đủ tiền mặt để trả cho dân ngay khi bắt cá. Vì thế, việc các doanh nghiệp “phá giá” bán sản phẩm xuất khẩu, rồi quay sang hạ giá mua nguyên liệu đầu vào đã xảy ra bởi lẽ hiện nay, nguồn cá nguyên liệu cho chế biến không thừa. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, mặc dù nguồn nguyên liệu không dồi dào nhưng giá cá vẫn rớt thê thảm nên người nuôi chịu cảnh thua lỗ lớn. Các ngân hàng quá thận trọng trong việc cho vay nuôi cá tra, trong khi người nuôi cần nguồn vốn rất lớn, không thể tự xoay xở được nên đành treo ao. Trong khi thị trường xuất khẩu tiếp tục rộng mở nhưng sản xuất trong nước lại tiếp tục gặp khó khăn! Toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra bị thu hẹp và đình đốn. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Người nuôi cá tra ở Trà Vinh đang gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là thiếu vốn. Nhiều tháng liền, người nuôi phải bán cá dưới giá thà
nh sản xuất. Hiện 1 ha nuôi cá tra cần nguồn vốn khoảng 10 tỉ đồng. Trong hoàn cảnh thua lỗ này, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó, người dân không thể tự xoay được!... Theo quy hoạch, đến năm 2010, tỉnh Trà Vinh mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 1.600 ha, nhưng tới nay chỉ có 127 ha được thả nuôi”.

Nguyên liệu chế biến bất ổn khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, một số chỉ hoạt động từ 30 - 40% công suất, thậm chí chỉ 10 - 20% công suất. Dự kiến, từ nay đến cuối năm còn phải sản xuất 800.000 tấn cá tra nguyên liệu nhưng các doanh nghiệp chế biến có vùng nuôi cá chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%...

Liên kết để nâng cao chuỗi giá trị

Thực tế cho thấy, việc nuôi cá tra nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình ngày càng không phù hợp. Tuy nhiên, khi những hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết lại để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) thì những khó khăn cơ bản được giải quyết. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: “Nhằm tránh tình trạng treo ao khi thua lỗ, không còn vốn, khó vay ngân hàng, HTX tiến hành đàm phán, ký hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chịu trách nhiệm cung cấp thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. HTX tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho công ty theo cam kết. Nhờ thế, từ năm 2009 đến nay, với diện tích 300.000 m2, mỗi năm HTX nuôi, cung ứng cho Công ty Hùng Vương (Tiền Giang) khoảng 20.000 tấn cá tra nguyên liệu, tổng trị giá từ 250 - 300 tỉ đồng, lợi nhuận 7,6 - 10 tỉ đồng. Hiện phương thức làm ăn này vẫn tiếp tục được duy trì”. Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết: “Hiện nay, địa phương hình thành các Chi hội t
hủy sản trên cơ sở liên kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, tập hợp người nuôi thành các tổ nhóm, hội nuôi cá sạch tham gia cung cấp nguyên liệu. Cách làm này đã giúp giảm thiểu tình trạng tranh mua, tranh bán sản phẩm cá tra”.

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: UBND tỉnh Trà Vinh vừa họp các ngành chức năng tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp và người nuôi cá tra. UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên hỗ trợ vốn giúp người nuôi và các doanh nghiệp chế biến cá tra vượt qua thách thức lớn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc cho thuê đất; tổ chức liên kết sản xuất, chế biến cá tra theo quy trình khép kín, chặt chẽ; hình thành vùng nuôi có quy mô, đảm bảo chất lượng tốt, áp dụng tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap... Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết: BIDV đang tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nông - thủy sản dành riêng cho khu vực ĐBSCL có quy mô khoảng 100 triệu USD (tương đương trên 2.000 tỉ đồng) với mức lãi suất thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất cho vay thông thường. Trong đó, có 1000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp ngành thủy sản. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - C
hi nhánh Cần Thơ kêu gọi người nuôi cá tra ĐBSCL liên kết để nâng cao sức mạnh về quy mô, chất lượng, khả năng hiểu biết về pháp lý, thị trường; mua bán qua hợp đồng... Khi liên kết tốt sẽ giảm thiểu mức độ rủi ro, hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa, bẻ kèo, ép giá.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Anh, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế hợp tác, đề xuất “Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp/Liên hiệp HTX - HTX - Ngư dân trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, tiêu thụ thủy, hải sản thông qua hợp đồng”. Tham gia mô hình này, doanh nghiệp, Liên hiệp HTX có trách nhiệm tìm thị trường, tổ chức thu mua, cung ứng vốn, giống, vật tư, kỹ thuật... HTX tại địa bàn phổ biến về lợi ích, trách nhiệm; hướng dẫn, vận động xã viên thực hiện đúng hợp đồng; trực tiếp cung ứng vốn, giống, vật tư, kỹ thuật do doanh nghiệp đầu tư. Người nuôi đảm bảo thực hiện đúng các quy trình nuôi trồng, thu hoạch theo hướng dẫn của HTX, tuân thủ hợp đồng đã ký với doanh nghiệp...

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho biết: Khó khăn hiện nay là mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tốt, thiếu lòng tin, không hài hòa chia sẻ lợi ích và rủi ro. Để ngành cá tra phát triển bền vững, nhất thiết phải tạo sự đồng thuận bằng cách liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị: người nuôi, cơ sở sản xuất con giống, doanh nghiệp chế biến, cung ứng thức ăn, thuốc thú y... Từ đó, sẽ giảm giá thành sản xuất, loại bỏ các khâu trung gian, tăng năng suất, chất lượng, xây dựng được thương hiệu, đảm bảo quan hệ cung cầu, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam. Việc thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam làm “nhạc trưởng” trong vấn đề này là nhu cầu khá bức thiết hiện nay...

Có thể bạn quan tâm

Nông Sản Đồng Loạt Rớt Giá: Nhà Nông Thua Lỗ Nặng Nông Sản Đồng Loạt Rớt Giá: Nhà Nông Thua Lỗ Nặng

Mặc dù sản lượng các mặt hàng nông sản 6 tháng năm 2012 tăng so với cùng kỳ năm trước, song giá bán lại có xu hướng giảm mạnh, có mặt hàng giảm tới 60%, đẩy nông dân đối mặt với tình trạng thua lỗ.

24/06/2012
Nghiên Cứu Nâng Cao Năng Suất Nhãn Nghiên Cứu Nâng Cao Năng Suất Nhãn

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đề tài nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất giống nhãn chín muộn.

24/06/2012
Lạ - Quen Hạt Muối Sa Huỳnh Lạ - Quen Hạt Muối Sa Huỳnh

Trong những ngày gần đây, cuộc sống của nhiều diêm dân ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định) gặp nhiều khó khăn vì giá muối chỉ ở mức 400 - 450 đồng/kg, thậm chí chẳng có người mua. Ngược lại, cách đấy khoảng 120 km về phía Bắc, diêm dân ở đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) lại chẳng chịu bán với giá 1.400 - 1.600 đồng/kg, dù có rất nhiều tư thương đến mua.

24/06/2012