Nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn
Với lượng hợp đồng đăng ký tăng mạnh trong tháng 8/2017 và thị trường xuất hiện một số tín hiệu tích cực, mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2017 lên mức 5,6 triệu tấn, thay vì con số 5,2 triệu tấn được đưa ra trong tháng 7 vừa qua. Theo VFA, trong 8 tháng năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 3,8 triệu tấn, với trị giá FOB là 1,66 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu gạo tăng đến 17,7% về lượng và 16,6% về trị giá FOB.
Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đáng chú ý, trong tháng 8/2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh nhất với mức tăng 70% về lượng và 56,8% về trị giá FOB.
Không những vậy, hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng tăng kỷ lục trong tháng 8, đạt gần 842.000 tấn. Nếu so với tháng 7/2017, lượng gạo theo hợp đồng đăng ký tăng đến 207%, còn so với cùng kỳ năm 2016 thì tăng gần 115%. Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi Châu Phi; gạo Japonica đi Châu Úc….
Tính chung 8 tháng qua, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến 5,1 triệu tấn, vượt xa cùng kỳ năm trước 18,8%; trong đó, hơn 85,4% là các hợp đồng thương mại và hiện vẫn còn hơn 1,2 triệu tấn chưa giao hàng.
Một điểm chú ý khác, tình hình xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc trong những ngày gần đây cũng nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Điều này trái ngược với những lo lắng của các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này khi đầu tháng 8/2017, Trung Quốc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu lương thực, nâng mức thuế nhập khẩu lên đáng kể (như TTXVN đã phản ánh).
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), sau khi Trung Quốc áp dụng chính sách nhập khẩu mới, tình hình xuất khẩu gạo nếp của các doanh nghiệp bị chậm lại, thậm chí gạo Việt còn bị ép giá.
Tuy nhiên, trong vòng khoảng 10 ngày gần đây, do nhu cầu tiêu thụ nếp ở Trung Quốc vẫn tăng nên các doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải nâng giá mua vào. Hiện giá gạo nếp xuất khẩu sang thị trường này đã tăng lên khoảng 450 USD/tấn, thay vì mức giá 420-425 USD/tấn như ở thời điểm đầu tháng 8/2017.
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An cũng cho biết, tình hình mua bán gạo nếp với các đối tác Trung Quốc trong vài ngày gần đây khá sôi động, thậm chí có ngày có hơn 10 đối tác chào mua.
“Một số nguồn tin của chúng tôi ở Trung Quốc cho hay, từ nay đến cuối năm 2017, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo nếp của nước này có thể lên đến 300.000 tấn. Trong khi đó, tồn kho gạo nếp của các doanh nghiệp Việt và lượng gạo nếp trong dân hiện không còn nhiều, cao nhất cũng chỉ đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu trên. Do vậy, nhiều dự báo cho thấy mức giá gạo nếp còn có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm”, bà Liên cho hay.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, ngoài mặt hàng gạo nếp, tình hình xuất khẩu một số loại gạo như Jasmine, ST21, OM5451… hiện cũng khá tốt. Gạo Jasmines đã có mức tăng đáng kể, ở mức 570 USD/tấn, tăng 70-80 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 7; gạo ST21 cũng tăng từ 530 USD/tấn lên 550 USD/tấn…
Trao đổi với phóng viên TTXVN về tình hình thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho biết: Trung Quốc, Bangladesh và Philippines (ít nhất qua chương trình mở hạn ngạch cho phép khối tư nhân nhập khẩu gạo theo cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu của Philippines), tất cả sẽ tiếp tục là những thị trường nhập khẩu tiềm năng của ngành gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm. Đây cũng là thị trường sẽ chi phối tình hình tiêu thụ một số loại gạo như gạo trắng hạt dài, gạo đặc sản và gạo tấm.
Bên cạnh đó, gạo thơm và thơm nhẹ ngoài thị trường Châu Phi được duy trì có thể sẽ có thêm một số thị trường mới như Iran, Iraq… Riêng gạo Japonica đang hứa hẹn trở thành một loại gạo xuất khẩu có tỷ trọng của Việt Nam dần lớn lên với thị trường chính hiện nay là Châu Úc và một thị trường khác cũng khá tiềm năng là Trung Quốc.
“Với tình hình thị trường và lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu tăng kỷ lục trong tháng 8/2017, dự báo sẽ tạo đà cho xuất khẩu quý IV/2017 tăng mạnh. Trước chuyển biến mạnh của thị trường trong tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt trên 5,6 triệu tấn trong năm 2017, thay vì con số 5,2 triệu tấn đã đặt ra trước đó”, ông Năng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam cũng được xem là khá thận trọng khi mới từng bước công nhận 5 giống ngô được biến đổi gene và cũng chỉ mới công nhận biến đổi gene trên cây ngô mà thôi
Các nông trại sử dụng phương pháp khí canh hoặc công nghệ hiện đại bậc nhất... để trồng rau sạch.
Gà mái đẻ sớm hay muộn hơn quy định đều không tốt, vì sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng giống của chúng đẻ ra sau này.