Giá / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Năng Lực Sấy Lúa Vụ Hè Thu Và Thu Đông

Nâng Cao Năng Lực Sấy Lúa Vụ Hè Thu Và Thu Đông
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/06/2012

Trước yêu cầu khống chế các loại dịch bệnh gây hại trên lúa, đặc biệt là dịch rầy nâu, ngành nông nghiệp đề ra giải pháp gieo sạ đồng loạt, tập trung để né rầy. Điều này kéo theo là thời vụ thu hoạch lúa cũng tập trung, trong khi đó máy gặt đập liên hợp trong vùng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân, lúa hè thu và thu đông rơi vào thời điểm mưa, lũ. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao năng lực sấy lúa ở ĐBSCL, đảm bảo nhu cầu sấy lúa vụ hè thu và thu đông.

“Tắc” ở khâu sấy

Những năm qua, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL có bước chuyển mới nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, nhất là khâu phơi sấy. PGS. TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Thất thoát trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch hiện nay khoảng 13,7%, trong đó khâu sấy chiếm khoảng 4,2%, tương đương 970.000 tấn, giá trị quy ra khoảng 233 triệu USD. Đây là một con số không nhỏ đối với nền sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL”. Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, sấy là khâu yếu nhất trong sản xuất lúa hiện nay và cũng là khâu làm tổn thất cả về số lượng lẫn chất lượng lúa gạo. Những năm qua, chủng loại máy sấy và công nghệ sấy được cải tiến, nhưng tỷ lệ sấy lúa hè thu ở ĐBSCL bình quân chỉ ở mức 35%, còn trên 65% nông dân tự phơi thủ công. Thực tế sản xuất lúa tại nhiều địa phương cho thấy, khâu sấy lúa tỷ lệ thuận với quá trình thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Địa phương nào có điều kiện đất đai rộng, số lượng máy GĐLH hoạt động nhiều sẽ có 
tỷ lệ sấy lúa sau thu hoạch cao hơn nơi khác.

Công đoạn sấy có mối liên hệ và ảnh hưởng đến tất cả các khâu sau thu hoạch khác từ bảo quản đến xay xát, chế biến và xuất khẩu. Thế nhưng, tổn thất ở khâu này thường “vô hình”, đặc biệt là khi so sánh với phơi “miễn phí” từ năng lượng mặt trời. “Trong khi chi phí sấy được thể hiện khá rõ ràng thì lợi ích từ sấy không chứng minh cụ thể. Nhờ sấy gạo có chất lượng tốt hơn nên lúa bán tăng thêm 50 - 100 đồng/kg, nhưng vẫn chưa đủ bù vào chi phí sấy khoảng 80 - 100 đồng/kg. Đó là chưa kể đến việc nông dân phải trả thêm chi phí vận chuyển (tương đương 10% - 15% chi phí sấy)” - Ông Phan Hiếu Hiền, Khoa Cơ khí Công nghệ, Trung tâm Năng lượng - Máy Nông nghiệp (Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) phân tích.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sấy

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), đề xuất: “Trung bình mỗi nông hộ trồng lúa ở ĐBSCL chỉ canh tác khoảng 1,1 ha. Với quy mô sản xuất như vậy, đầu tư máy sấy cấp nông hộ không khả thi. Để nâng cao chất lượng sấy lúa và hiệu quả kinh tế mang lại, việc sử dụng máy sấy phải được chuyên môn hóa, máy sấy lúa phải hoạt động được nhiều ngày trong năm. Công đoạn sấy lúa cần được giao trước hết cho các doanh nghiệp xay xát, sau đó là các Hợp tác xã, thương lái làm dịch vụ sấy thuê và cuối cùng là các Tổ hợp tác sản xuất hay cụm hộ nông dân”. Trong sản xuất lúa hàng hóa, vấn đề sấy lúa không chỉ được quan tâm trong mùa mưa (vụ hè thu, thu đông) mà cần được chủ động sấy lúa cả ở mùa khô (vụ đông xuân).

Trên thực tế, người nông dân không muốn trả chi phí sấy cao hơn chi phí phơi trong điều kiện thời tiết bình thường. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức sấy và thu mua lúa đã sấy khô tại địa điểm sấy là giải pháp tối ưu giảm chi phí sấy đến mức thấp nhất. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cho người nông dân về lợi ích của việc sấy lúa, công tác khuyến nông cũng phải được đẩy mạnh. Mỗi tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần đầu tư vài mô hình trình diễn đồng bộ từ cung ứng nguyên liệu đến sấy, xay xát với sự tham gia của nông dân.

Các chuyên gia nông nghiệp phân tích, về lâu dài, để chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho người trồng lúa, nông dân phải thực sự làm chủ được hạt lúa khô trong kho mình. Có như vậy, nông dân mới có thể mặc cả và quyết định được giá bán sản phẩm do mình làm ra. Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho hệ thống sấy lúa. Song song đó, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cần tiếp tục được nhân rộng, nhằm phát huy tối đa mối liên kết “4 nhà”. Qua mô hình này, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo giữ vai trò chủ động trong việc đầu tư hệ thống sấy, từng bước hình thành chuỗi liên hoàn từ sản xuất - thu hoạch - sấy - bảo quản - xay xát - xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

Nuôi Lợn Trên Đệm Lót - Cách Để Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Lợn Trên Đệm Lót - Cách Để Bảo Vệ Môi Trường

Người chăn nuôi ở Bình Thuận đang triển khai mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót để giữ ấm cho vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường.

23/06/2012
Nông Dân Krông Pa Lại Lao Đao Với Cây Mỳ Nông Dân Krông Pa Lại Lao Đao Với Cây Mỳ

Sau vài vụ được mùa, được giá, thì đột nhiên giá mỳ mùa này rớt thê thảm khiến hàng nghìn nông dân ở Krông Pa (Gia Lai) phải đắng họng vì thua lỗ. Lối thoát được trông đợi nhất là Nhà máy mỳ Phú Túc lại “làm eo” quay lưng với lợi ích của nông dân trong khi đó diện tích trồng mỳ toàn huyện đã tăng lên chóng mặt…

23/06/2012
Long An: Thuốc Diệt Cỏ Diệt Luôn Khoai Mỡ Long An: Thuốc Diệt Cỏ Diệt Luôn Khoai Mỡ

Nhiều hộ dân trồng khoai mỡ ở Thạnh Hoá, Long An đang lâm cảnh vô cùng điêu đứng vì sau khi phun thuốc trừ cỏ hiệu Misaron 80WP thì khoai mỡ cháy lá và chết rụi.

23/06/2012