Giá / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Đời Sống Nhờ Mô Hình Chuyển Đổi

Nâng Cao Đời Sống Nhờ Mô Hình Chuyển Đổi
Tác giả: 
Ngày đăng: 25/05/2013

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Anh Phùng Văn Thêm, thôn Hạnh Côn cho biết, năm 2006, với 0,5ha ruộng của gia đình sau dồn điền đổi thửa, anh thầu thêm 1ha ruộng trũng của xã để xây dựng mô hình lúa - cá - vịt. Tập trung cải tạo đồng ruộng và phát triển sản xuất, hiện mô hình của anh có 2.000 con vịt đẻ siêu trứng; 2 ao nuôi cá thương phẩm kết hợp thâm canh 1 vụ lúa. Mỗi năm, trừ chi phí, anh thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, thôn Nhân Lý chia sẻ, nhờ mô hình trồng bưởi Diễn kết hợp nuôi thả gà cho thu nhập 70 triệu đồng/năm mà gia đình ông có đời sống ổn định. Năm 2006, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ giống và kỹ thuật, ông đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 0,3ha diện tích đất đồi sang trồng bưởi Diễn. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng khoảng đất trống dưới gốc bưởi để nuôi thả gà ta. Với 120 cặp gà sinh sản, 500 con gà thịt, kết hợp bán gà giống, trừ chi phí ông thu lãi 50 triệu đồng/năm.

Xã Nam Phương Tiến có diện tích đất nông nghiệp 963,7ha, chia làm hai vùng là vùng chiêm trũng và vùng đồi gò. Từ năm 2006, xã tiến hành dồn điền đổi thửa, đến nay các thôn đã cơ bản hoàn thành, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, duy còn thôn Núi Bé chưa dồn đổi xong do diện tích chủ yếu là ruộng bậc thang. Sau dồn đổi, xã đã tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng lâu dài cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó làm nền tảng để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Hiện, xã có 418,7ha diện tích dồn đổi với 1.431 hộ, đạt 92% số hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 288,3ha đã chuyển đổi sang mô hình chuyên lúa; 60,5ha mô hình lúa - cá - vịt; 44,3ha trồng bưởi Diễn và 22ha nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, để đạt kết quả cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã xác định nhiệm vụ chính là phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún từ bao đời của người dân.

Đồng thời, tuyên truyền để bà con hiểu lợi ích của việc chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế đa canh, phù hợp với đồng đất địa phương, từ đó huy động các nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Hiệu quả từ những mô hình kinh tế đã mở ra triển vọng để Nam Phương Tiến hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô, bền vững, làm động lực cho xây dựng nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Kỳ Đà Cơ Hội Làm Giàu Nuôi Kỳ Đà Cơ Hội Làm Giàu

Kỳ đà là loài bò sát dễ nuôi, không tốn nhiều chi phí, đồng thời mang lại hai lợi ích to lớn, đó là: phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn được loài động vật hoang dã

25/05/2013
Hiệu Quả Từ Chuyển Đổi Lúa Nương Sang Ngô Đồi Ở Yên Bái Hiệu Quả Từ Chuyển Đổi Lúa Nương Sang Ngô Đồi Ở Yên Bái

Khác với đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, cây ngô là nguồn lương thực chính đã gắn bó từ ngàn đời nay với người dân; ở tỉnh Yên Bái, nguồn lương thực chính là lúa gạo, nên việc trồng ngô không được chú trọng. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa nương sang trồng ngô là việc không dễ dàng.

25/05/2013
Nuôi Cá Lồng Vượt Quy Hoạch Ở Vụng Nghi Sơn - Tiềm Ẩn Nguy Cơ Dịch Bệnh Nuôi Cá Lồng Vượt Quy Hoạch Ở Vụng Nghi Sơn - Tiềm Ẩn Nguy Cơ Dịch Bệnh

Ban đầu, ở vụng Nghi Sơn thuộc xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) chỉ có một vài lồng bè nuôi cá theo phương thức nuôi cá nhỏ, vỗ béo. Thấy cá lớn nhanh, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, lợi nhuận cao, nên nhiều hộ đóng bè thả nuôi, dần lan rộng ra thành phong trào.

25/05/2013