Giá / Tin nông nghiệp

Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và xoài cho 6 tỉnh ĐBSCL

Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và xoài cho 6 tỉnh ĐBSCL
Tác giả: Phạm Hiếu - Quang Dũng
Ngày đăng: 20/11/2021

Hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài sẽ được tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án sẽ tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

7 triệu Euro cho 2 ngành hàng lúa gạo và xoài

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lúa cả nước, 70% các loại trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, thâm canh sản xuất nông nghiệp, thủy sản cùng với các tác động của biến đổi khí hậu khiến khu vực kinh tế trọng yếu này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, kêu gọi đầu tư và hợp tác quốc tế thực hiện nhiều chương trình phát triển, giúp ĐBSCL từng bước tái cơ cấu, chuyển đổi định hướng phát triển ngành nông nghiệp nhằm giúp khu vực tăng trưởng bền vững, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, bảo vệ con người và sự cân bằng sinh thái trong khu vực.

Đồng hành cùng Việt Nam trong các nỗ lực phát triển bền vững ĐBSCL, trong những năm qua Chính phủ CHLB Đức đã liên tục triển khai nhiều dự án nông nghiệp, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực này.

Với tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam) là gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo từ Chính phủ Đức, được phối hợp thực hiện bởi Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và chính quyền 6 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng từ năm 2020-2024.

Thông qua thúc đẩy và tăng cường năng lực áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo và những mô hình kinh tế có tính cạnh tranh, Dự án GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế.

Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.

20.000 nông hộ khu vực ĐBSCL được hưởng lợi

Trong năm năm triển khai, Dự án GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, 20.000 nông hộ có thể nâng cao thu nhập từ 15-20%. 12.000 nông hộ sẽ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.

Dự án cũng sẽ chú trọng thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã (HTX) nhằm tạo mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trực tiếp dựa trên những nhu cầu và quan tâm chung của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp, HTX tham gia dự án sẽ được nâng cao năng lực, cải tiến quy trình sản xuất, qua đó cải thiện một số chỉ số hiệu quả kinh doanh chính. Khoảng 200 việc làm mới, ưu tiên cho phụ nữ và thanh niên được kỳ vọng tạo ra thêm từ các mô hình tận dụng phụ phẩm lúa gạo như rơm rạ.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Việt Nam đánh giá rất cao những hỗ trợ liên tục của Chính phủ Đức trong việc hỗ trợ đẩy nhanh sự chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, bền vững trong ngành nông nghiệp.

Với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy việc tìm ra các đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế phù hợp và khả thi để triển khai trong hai chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở khu vực ĐBSCL, Việt Nam kỳ vọng sẽ cùng Dự án tạo ra những tác động tích cực giúp nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh và cải thiện vị thế nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Dự án GIC Việt Nam để đảm bảo các can thiệp được triển khai thuận lợi, qua đó mang lại những lợi ích thiết thực cho các nhân tố trong hai chuỗi trị từ nông dân, đến hợp tác xã và các doanh nghiệp”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

GIC Việt Nam là một hợp phần của Chương trình Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm (GIC), thuộc sáng kiến toàn cầu về chống đói nghèo ‘Một thế giới không nạn đói’ (One World, No Hunger) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ, thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại 15 nước Châu Phi và Châu Á. Vì vậy, ngoài mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam, Dự án GIC Việt Nam còn góp phần hoàn thành sứ mệnh của sáng kiến này.

Tất cả những mô hình thành công, thành quả đạt được và các bài học kinh nghiệm từ những hoạt động được triển khai tại Việt Nam sẽ được dự án thu thập, đánh giá tác động, tài liệu hóa và chia sẻ với các nước thành viên Chương trình GIC cũng như các quốc gia khác trong hợp tác Nam-Nam, Nam-Bắc thông qua các hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế, các chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và các ấn phẩm, sản phẩm quản lý tri thức.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú công nghệ châu Á ra mắt hai siêu phẩm flycam trồng trọt Tỷ phú công nghệ châu Á ra mắt hai siêu phẩm flycam trồng trọt

Đó là hai chiếc máy bay không người lái (flycam) đời mới Agras T40 và T20P, được trình làng tại Trung Quốc với nhiều tính năng ưu việt phục vụ nông nghiệp

20/11/2021
Tưới tiết kiệm, lợi nhuận tăng 2,3 - 4 triệu đồng/ha Tưới tiết kiệm, lợi nhuận tăng 2,3 - 4 triệu đồng/ha

Dự án VnSat phổ biến, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết tiệm, kỹ thuật canh tác "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", giúp giảm chi phí sản xuất.

20/11/2021
Bọ trĩ và cách phòng trị Bọ trĩ và cách phòng trị

Bọ trĩ là dịch hại phổ biến trên nhiều loại cây trồng như lúa, rau, đậu, điều, cây ăn trái... khiến cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề về năng suất, chất lượng.

20/11/2021