Giá / Tin thủy sản

Nâng cao chất lượng tôm sú từ chương trình chọn giống

Nâng cao chất lượng tôm sú từ chương trình chọn giống
Tác giả: Huỳnh Tâm
Ngày đăng: 06/04/2021

Để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu, đảm bảo chất lượng tốt hơn, trong thời gian qua, nhiều chương trình nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất tôm sú đã được triển khai.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện mỗi năm Việt Nam cần hơn 30 tỷ giống tôm sú và khoảng 50.000 con tôm sú bố mẹ. Đáng lo ngại là phần lớn nguồn tôm sú cả con giống lẫn bố mẹ có mặt tại nước ta đều từ nhập khẩu hoặc khai thác tự nhiên, khiến tôm dễ bị mắc các mầm bệnh nguy hiểm và việc sản xuất cũng rất bị động.

Tại khu sản xuất tôm sú chất lượng cao tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, sau hơn 2 năm triển khai nghiên cứu, chọn lọc, chương trình đã tạo ra đàn tôm sú bố mẹ thế hệ G2 với tính trạng tăng trưởng khá tốt. Để nguồn tôm sú bố mẹ đảm bảo chất lượng cao, ngoài việc chọn lựa nghiêm ngặt các cá thể có tính trạng di truyền tốt, yêu cầu bắt buộc trong quá trình sản xuất là phải an toàn sạch bệnh. Tất cả hệ thống ao nuôi tôm sú bố mẹ phải được bao trùm và có thiết kế đường thoát hơi riêng biệt.

Điểm khác ở thế hệ G2 này là chương trình chọn hơn 200 gia đình thay vì chỉ có 120 gia đình như thế hệ G1. Việc tăng số lượng quần đàn như vậy giúp đa dạng hóa tính trạng trong quá trình sàng lọc. Mỗi cá thể tôm sú tại đây được đánh số, ký hiệu giúp cho quá trình chọn tạo chính xác hơn.

Một điểm đặc biệt của chương trình chọn tôm sú bố mẹ tại đây chính là kỹ thuật ghép tinh nhân tạo. Kỹ thuật này giúp quá trình sản xuất tôm sú thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn bởi không còn phụ thuộc vào quá trình giao vĩ truyền thống.

Năm 2019, một doanh nghiệp đã cung cấp cho thị trường hơn 600 triệu post sú. Con số này dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2020. Chương trình chọn lọc kỹ lưỡng với số lượng lớn, chất lượng cao như vậy đã phần nào giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn giống sú chất lượng cao tại chỗ như hiện nay.

Theo đề án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau, đến năm 2025, sản lượng đạt 320.000 tấn, chủ yếu là tôm sú với kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Để đạt được mục tiêu này, địa phương xác định rõ, việc đầu tư sản xuất, chủ động nguồn giống chất lượng cao là yếu tố quan trọng. Bên cạnh yếu tố an toàn sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, lãnh đạo tỉnh còn đưa ra yêu cầu cao hơn đối với các nhà sản xuất.

Hiện Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về nguồn cung tôm sú của thế giới với gần 300.000 tấn/năm. Theo các doanh nghiệp, tôm sú vẫn có thị trường rất tốt, khoảng 20% người tiêu dùng tôm trên thế giới vẫn muốn ăn tôm sú dù giá cao hơn so với tôm thẻ. Do vậy, ngành hàng này rất cần nhân rộng những cách làm hiệu quả như tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai. Nguyên nhân là do chỉ với những con giống an toàn sạch bệnh, người nuôi mới sản xuất được nguồn tôm thương phẩm chất lượng tốt, năng suất cao để cạnh tranh xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của ngành hàng này.


Có thể bạn quan tâm

Công nghệ nâng cao chất lượng nguồn tôm giống Công nghệ nâng cao chất lượng nguồn tôm giống

Yếu tố quyết định, đóng vai trò quan trọng nhất trong thành công của vụ nuôi tôm đó chính là chất lượng con giống. Tôm giống được sản xuất đúng quy trình

06/04/2021
Khá lên nhờ nuôi cua thâm canh tại Bạc Liêu Khá lên nhờ nuôi cua thâm canh tại Bạc Liêu

Trong những năm gần đây mô hình nuôi cua thâm canh được nhiều người áp dụng vì vốn đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao.

06/04/2021
Nhận biết thực phẩm sạch - Cách chọn hải sản tươi sống Nhận biết thực phẩm sạch - Cách chọn hải sản tươi sống

Hải sản là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình. Đặc biệt là trong những ngày Tết, cá, tôm thường được sử dụng rất nhiều

06/04/2021