Giá / Mô hình kinh tế

Nâng Cao Chất Lượng Đàn Heo Giống Ở Bến Tre

Nâng Cao Chất Lượng Đàn Heo Giống Ở Bến Tre
Tác giả: 
Ngày đăng: 28/09/2012

Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có đàn heo trên 400.000 con. Từ việc nuôi heo dạng gia đình (mỗi hộ chỉ vài con), trong những năm gần đây, người chăn nuôi chuyển dần sang nuôi qui mô theo hình thức trang trại. 
Từ những con heo giống địa phương, nay người chăn nuôi đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, nhất là khâu lai tạo con giống. Điều đó ngày càng được khẳng định khi Trung tâm Giống nông nghiệp đã tìm tòi, hỗ trợ con giống cho người nuôi, trong đó có việc thực hiện Dự án quản lý, phát huy hiệu quả đàn heo đực giống trong tỉnh. 
Theo ông Nguyễn Văn Chấn - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, heo đực giống được lấy tinh để thụ tinh nhân tạo phải được chọn từ những dòng, giống có ưu thế về thể chất, tỷ lệ thịt cao, đẻ sai, ổn định về di truyền. Nếu phối giống trực tiếp, trong một năm, một con heo giống phối chỉ được khoảng 200 con heo nái, bình quân mỗi lứa đẻ được 9 con (một năm đực giống sản xuất khoảng 1.800 heo con). Còn đối với đực giống thụ tinh nhân tạo, bình quân ba ngày lấy tinh một lần thì một năm lấy được 120 lần. Mỗi lần khai thác tinh dịch sẽ sản xuất ra 15 liều tinh, được sử dụng phối giống cho 15 heo nái. Vậy một năm heo đực lấy tinh sẽ sản xuất ra 18.000 heo con, tức tăng gấp 10 lần so với phối giống trực tiếp. 
Cũng theo ông Chấn, từ năm 2009 - 2011, Bến Tre đã thực hiện Dự án Quản lý và nâng cao chất lượng đàn heo đực giống và đã giám định, bình tuyển trên 500 heo đực giống, chọn ra những heo đực giống đạt chuẩn chất ngoại hình, thể chất. Qua đó, Dự án cũng đã kiểm tra lại hồ sơ, lý lịch con giống để đảm bảo 100% heo đực giống có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng để có cơ sở đánh giá tính ổn định di truyền như khả năng sinh sản, tỷ lệ xẻ thịt cao, lớn nhanh, nạc nhiều.

Hiện nay, Trung tâm Giống đang quản lý trên 300 heo đực giống đủ tiêu chuẩn chất lượng giống theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thụ tinh nhân tạo cũng đã góp phần rất lớn làm tăng năng suất sinh sản của heo đực tăng gấp 10 lần, kiểm soát và cải tiến di truyền giống, giúp heo tăng trưởng nhanh, sinh sản tốt hơn; cắt đứt sự lây lan bệnh của heo cái lây sang heo đực và heo đực lây sang nhiều heo khác rất nguy hiểm.

Cách thụ tinh này giúp kiểm tra được tinh dịch của heo đực trước khi pha chế, dụng cụ được sát trùng trước khi phối giống nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, giảm khả năng lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, tinh pha chế dễ dàng vận chuyển đi xa, giảm chi phí. Theo Chi cục Thú y tỉnh, qua nhiều đợt kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp nào người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc mà phần lớn sử dụng yếu tố di truyền của con giống. 
Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đang quản lý chặt chẽ đàn heo đực giống để thụ tinh nhân tạo và nhân giống trong toàn tỉnh. Hàng năm, Trung tâm khảo sát, giám định bình tuyển toàn bộ đàn heo đực giống để chọn heo đạt tiêu chuẩn đưa vào chương trình giống, loại bỏ những con không đạt yêu cầu. Mặt khác, Trung tâm cũng thường xuyên huấn luyện, chuyển giao qui trình kỹ thuật cho các hộ nuôi heo đực giống để khai thác cung cấp tinh tốt nhất cho người chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Ếch Vụ Nghịch Thu Nhập Cao Nuôi Ếch Vụ Nghịch Thu Nhập Cao

Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.

28/09/2012
Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.

28/09/2012
Bầu Bí Trồng Chơi Ăn Thiệt Bầu Bí Trồng Chơi Ăn Thiệt

Đã nhiều năm nay anh Nguyễn Thanh Hồng ở ấp 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trồng bầu bí luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao. Với 1,2 hécta bầu bí, hàng năm gia đình anh lãi 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

28/09/2012