Giá / Tin nông nghiệp

Nấm phá hoại “cây vàng” ở Đăk Lăk

Nấm phá hoại “cây vàng” ở Đăk Lăk
Tác giả: Duy Hậu
Ngày đăng: 08/03/2017

Như Báo NTNN đã phản ánh, thời gian qua, nông dân (ND) trồng sầu riêng ở Đăk Lăk bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh tấn công khiến gần 500ha cây trồng này chết trụi. Ngành nông nghiệp địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và xác định được nguyên nhân là do một loại nấm...

Trong ảnh: Những năm qua, cây sầu riêng trồng xen vườn cà phê đã mang về thu nhập lớn cho nhiều hộ nông dân ở Đăk Lăk.  Ảnh:  Dương Giang

Cây trồng xen nhưng thu nhập khủng

Năm 2004, cây sầu riêng bắt đầu được nhiều nông dân ở Đăk Lăk đem về trồng xen trong các vườn cà phê, tuy nhiên giống cây trồng này đã nhanh chóng phát huy hiệu quả kinh tế, giúp ND tăng thu nhập. Bà Đặng Thị Phương (thôn Tân Thành, xã Ea Yông, huyện Krông Păk), một trong những hộ đầu tiên trồng sầu riêng cho biết: “Cây sầu riêng ở đây trồng xen canh không chỉ cho thu nhập cao mà còn có tác dụng che bóng mát, giúp cho cây cà phê phát triển ổn định, tăng năng suất. Với năng suất trên dưới 1 tạ/cây, mỗi ha sầu riêng trồng xen đã mang về cho tôi hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi ha cà phê được chăm sóc tốt, sau khi trừ các chi phí đầu tư chỉ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”.

Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, tình trạng sầu riêng héo lá, khô cành và chết hàng loạt là do yếu tố thời tiết bất thường, mưa trái mùa, khiến cây bị nhiễm nấm. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk đã khuyến cáo bà con ND sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm như Phytopphtora, Rhizoctonia, vi khuẩn… Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, phân bón qua lá có hàm lượng phân đạm cao đối với những vườn sầu riêng đang nhiễm bệnh.

Cũng tại xã Ea Yông, bà Phạm Thị Xanh trồng xen 160 cây sầu riêng trong vườn cà phê rộng 1,5ha và từ nhiều năm nay, cây sầu riêng đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn cà phê. Bà Xanh cho biết, ở thời điểm năm 2013, khi giá sầu riêng chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg, 160 cây sầu riêng đã mang về cho bà hơn 300 triệu đồng. Trong khi đó, với 1,5ha cà phê, bà chỉ thu được 120 triệu đồng.

Anh Võ Tiến Dũng (thôn 2, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột) - người vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hồi giữa năm ngoái, cũng là một trong những ND điển hình làm giàu nhờ trồng xen canh sầu riêng. Từ 5 sào cà phê cằn cỗi, thu nhập hàng năm chỉ đủ cái ăn cho gia đình, anh Dũng giờ đã là tỷ phú với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh Dũng chia sẻ, bằng cách đưa cây sầu riêng vào trồng xen canh trong vườn cà phê, mỗi năm gia đình có thêm một khoản thu rất đáng kể để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Hiện nay anh đã có trong tay 4ha cà phê - sầu riêng xen canh, thu lãi ròng hơn 1,1 tỷ đồng/năm. Không chỉ cho thu nhập khủng, cây sầu riêng còn che bóng, chắn gió giúp vườn cà phê trên đồi dốc, vốn cằn cỗi của anh tăng cao năng suất.

Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk khẳng định, trong nhiều năm qua, sầu riêng đã đem lại thu nhập khá cho rất nhiều ND. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.600ha sầu riêng với năng suất đạt trên dưới 15.000 tấn. Với mức giá trung bình hiện nay là 35.000 đồng/kg, cây sầu riêng mang về cho NDĐăk Lăk hơn 500 tỷ đồng/năm.

Sẽ có giải pháp đồng bộ

Do cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên khi xảy ra tình trạng gần 500ha sầu riêng tại huyện Krông Păk bị chết ngược, tỷ lệ hư hại lên đến hơn 70%, bà con ND vô cùng lo lắng. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, “thủ phạm” của hiện tượng này là do nấm phytophthora gây ra.

Vườn sầu riêng của nông dân ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn. Ảnh: Công Lý

Ngay sau khi xác định được nguyên nhân, Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản hướng dẫn các địa phương kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Cụ thể, đối với những vùng chưa bị bệnh, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn ND các biện pháp canh tác như chọn giống, nhân giống, chọn đất...; phòng bệnh bằng cách chọn chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces, phòng chống tuyến trùng bằng các sản phẩm thảo mộc trừ tuyến trùng chứa hoạt chất Saponin, Ankanoid. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thời gian cách ly ngắn như Metalaxyl, MancoZeb, Phosphonate...

Đối với những vùng sầu riêng đã bị bệnh nặng thì nhất thiết phải cưa bỏ cây, rễ, tiêu hủy toàn bộ, đồng thời vệ sinh vườn, sử dụng vôi để tiêu diệt nguồn bệnh. Riêng những vườn cây bị bệnh nhẹ thì thu gom tàn dư cây bệnh, rong tỉa cành cho thông thoáng, hạn chế tưới nước, không để vườn cây có độ ẩm cao. Đồng thời sử dụng các thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, MancoZeb, Phosphonate, Fosetyl-aluminium, Cymoxanil+ Fosetyl-aluminium và các thuốc chứa hoạt chất gốc đồng... để xử lý nguồn nấm bệnh trên lá.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, trên đây là những giải pháp ban đầu để xử lý tình trạng sầu riêng chết trên địa bàn trong thời gian qua. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục cùng các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các nguyên nhân khác (có thể) nhằm có biện pháp xử lý triệt để. Tuy sầu riêng chỉ là cây trồng xen nhưng do hiệu quả kinh tế rất lớn nên về lâu dài, Sở sẽ đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu vào cuộc, nghiên cứu tổng hợp về cây sầu riêng. 


Có thể bạn quan tâm

Biến vùng đất phèn thành trại nuôi trù phú Biến vùng đất phèn thành trại nuôi trù phú

Từ bỏ cây lúa năng suất thấp trên vùng đất nhiễm phèn, 10 năm sau ngày chuyển sang nuôi lợn, thả cá, ông Hà Văn Sáu đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

08/03/2017
Nuôi trâu nhốt chuồng ở Nà Tang Nuôi trâu nhốt chuồng ở Nà Tang

Thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có 76 hộ dân đều là đồng bào Mông. Về kinh nghiệm nuôi trâu theo cách này thì hiếm có hộ nào vượt được nhà ông Lý Văn Súng.

08/03/2017
“Kỳ tích” trồng màu trên vùng biển mặn “Kỳ tích” trồng màu trên vùng biển mặn

Nước mặn quanh năm tại tỉnh Cà Mau, người dân không còn độc canh con tôm mà đã biến khó khăn thành lợi thế phát triển mô hình trồng màu, mang lại hiệu quả cao

08/03/2017