Giá / Mô hình kinh tế

Muốn giàu thì nuôi cá mú, chỉ bán 1 lứa cả năm rủng rỉnh tiền tiêu

Muốn giàu thì nuôi cá mú, chỉ bán 1 lứa cả năm rủng rỉnh tiền tiêu
Tác giả: Phạm Anh
Ngày đăng: 04/02/2020

Bằng sự chịu khó cùng tinh thần ham học hỏi, anh Trần Văn Hưởng (47 tuổi) trú tại khu 5, TT. Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã thành công với mô hình nuôi loài cá mú (cá song). Suốt 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá mú, anh Hưởng tự tin khẳng định mình chưa lần nào bị thất bại. Nhờ nuôi cá mú, mỗi năm gia đình anh Hưởng có thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Gia đình anh Trần Văn Hưởng (47 tuổi) trú tại khu 5, TT. Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)  là một trong những hộ tiêu biểu của địa phương đang ăn nên làm ra nhờ vào nghề nuôi cá mú.

Đi tham quan những ao nuôi cá mú của gia đình, anh Hưởng phấn khởi nói: “Cá mú nuôi trên 1 năm mới được bán, nhưng do nuôi gối lứa nên năm nào nhà tôi cũng có cá mú để bán. Hễ khách có nhu cầu, bất kỳ thời điểm nào tôi cũng đánh bắt cá mú để đáp ứng được... ”.

"Trước đây, gia đình anh nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Đúng là thời gian đầu gặp thuận lợi, nuôi đâu trúng đấy. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhiều vụ tôm sau này bị thất bại. Nguyên nhân là do tôm thường xuyên bị dịch bệnh tùm lum, ô nhiễm môi trường, cứ mỗi lần như vậy lại khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn, ăn lạm vào vốn gốc, tài sản tích góp nhiều năm cứ đội nón ra đi...".

Nuôi tôm thấy bại, anh Hưởng quyết định tìm đối tượng con nuôi thay thế để cuộc sống bớt khốn khó hơn. Đi nhiều vùng biển, sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy loài cá mú là loại cá có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lại lớn nên gia đình anh quyết định chuyển ao tôm sang nuôi cá mú. Năm đầu chưa có kinh nghiệm, anh mới chỉ thả nuôi với số lượng vài trăm con cá mú. Khi cá mú đạt trọng lượng khoảng trên 1 kg/con trở lên thì xuất bán.

Hiệu quả từ nuôi cá mú mang lại khá bất ngờ không chỉ với anh Hưởng mà với nhiều hộ hàng xóm, láng giềng. Thấy việc nuôi cá mú đem lại hiệu quả kinh tế cao, những năm tiếp theo anh Hưởng đầu tư vốn mở rộng quy mô. Cũng từ đó cho đến nay, chưa lần nào anh Hưởng nuôi cá mú bị thất bại. Từ khu ao nuôi tôm thất bát năm xưa, giờ đây năm nào anh Hưởng cũng có từ 2-3 tấn cá mú thương phẩm để bán.

Cũng từ khi nuôi cá mú, chưa năm nào gia đình anh Hưởng gặp cảnh giá cá tụt dốc, chưa năm nào dội chợ bán ế. Thậm chí, cá mú chưa kịp lớn, thương lái đã "rập dòm" đòi mua "non tí cũng được".

Giá cá mú thương phẩm có giá dao động từ 170 ngàn đến 250 ngàn đồng/kg.

Về kỹ thuật nuôi cá mú, anh Hưởng khẳng định nuôi cá mú không khó. Trước hết là người nuôi phải có ao nuôi thích hợp vì cá mú nuôi kéo dài trên một năm mới được xuất bán và quan trọng nhất là phải biết chăm sóc, cho ăn theo đúng chu kỳ, vừa lượng. Cá mú giống phải đạt kích cỡ từ 7-10cm, lanh lẹ, khỏe mạnh, không bị sây sát, dị tật, màu sắc đặc trưng của giống cá mú nuôi.

Thức ăn của cá mú là các loại cá tạp đem băm nhỏ vừa đủ miệng cá táp ăn. Cho cá mú ăn vừa phải tránh dư thừa  thức ăn gây ôi nhiễm ao nuôi. Cá mú có sức đề kháng tốt, khỏe như cá rô đồng nhưng sống ở nước mặn. Nuôi loại cá mú cũng ít bị dịch bệnh, nếu có thì chỉ bị những bệnh đơn giản dễ xử lý như nấm, ghẻ lở, đường ruột; khi đó dùng thuốc điều trị sẽ khỏi.

Trao đổi thêm về kỹ thuật nuôi cá mú, anh Hưởng cho hay, chính vì là loài cá khỏe, háu ăn, lanh lẹ, hoạt động nhiều nên cá mú thả nuôi có tỷ lệ sống đạt rất cao trên 85%. Muốn cho cá phát triển nhanh người nuôi phải chủ động đề phòng các loại bệnh gây cho cá, trong đó phần kỹ thuật là hết sức quan trọng. Các loại cá làm mồi ăn cho cá mú phải đảm bảo sạch, an toàn và nước không bị nhiễm bẩn.

Anh Trần Văn Hưởng cho biết, mỗi buổi sáng sớm, vợ chồng anh phải ra cảng cá ngoài biển sớm cho kịp chuyến tàu để thu mua, phân loại cá loại cá nhỏ về làm thức ăn cho cá mú.

"Nghề nuôi cá tuy rất vất vả, nhưng đổi lại cho thu nhập ổn định và quan trọng là cá bán đắt hàng, có bao nhiêu bán cũng hết. Hiện tôi đang thả nuôi khoảng 5.000 con cá mú to nhỏ trong mấy ao tôm ngày xưa. Khách có nhu cầu alo một tiếng là tôi bắt được cá mú giao hàng ngay. Bình mỗi năm nhà tôi đánh bắt, xuất bán được từ 2-3 tấn cá mú thương phẩm (loại từ 1,2 đến 1,5kg/con). Từ khi nuôi cá mú, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá lên, tôi có điều kiện cho các cháu ăn học đến nơi, đến chốn” - anh Hưởng tâm sự.

Nhờ nuôi cá mú mỗi năm gia đình anh Hưởng lãi hơn 200 triệu đồng.

Anh Hương cho biết về kỹ thuật nuôi cá mú: Cá mú thích nghi với môi trường không quá khắc nghiệt, có thể phát triển tốt, ăn mạnh chóng lớn ở điều kiện độ pH dao động từ 7-8,1, nhiệt độ duy trì ở 29-31độC, độ mặn từ 25-35%o. Riêng trong mùa mưa khi độ pH, nhiệt độ, độ mặn giảm thì khả năng phát triển của cá sẽ chậm và nguy cơ bệnh tật càng cao.

"Cá mú thuộc loại cá nước mặn, sống ở biển nhiệt đới, á nhiệt đới. Nước ta có tới 30 loài cá mú, trong đó có 7 loài được ưa chuộng vì có giá trị cao. Cá mú hiện nay là một loại thực phẩm hảo hạng, không chỉ tiêu thụ mạnh trong các nhà hàng, siêu thị, khách sạn, resort mà còn loài cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...', anh Hưởng phân tích.

Theo tính toán của anh Hưởng, nuôi một con cá mú đạt trọng lượng 1,5kg sẽ tốn kém khoảng 50.000 tiền chi phí thức ăn. Giá cá mú hiện tại là 170.000 đồng/1kg, sau khi trừ tiền giống, thuốc thang, thức ăn...sẽ lãi khoảng 130.000 đồng/con.

Cá mú hiện nay là một loại thực phẩm hảo hạng, tiêu thụ mạnh ở các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng mang lại giá kinh tế cao  cho người nuôi và là loài cá đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện, gia đình anh Hưởng đang xuất bán cá mú với giá 170.000 đồng/kg.

Bật mí bí quyết nuôi loại cá mú ngon, bán đắt tiền, anh Hưởng tiết lộ, loài cá này có thể sống ở nồng độ muối 5/1.000, xuống quá ngưỡng đó cá sẽ chết. Vào mùa mưa, độ mặn trong hồ giảm xuống, do đó sau mỗi cơn mưa cần phải điều chỉnh lại độ mặn trong ao nuôi ổn định.

Anh Hưởng lưu ý, đặc biệt khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh hay từ nắng sang mưa, cần phải đặc biệt chú ý ao nuôi cá mú. Vì trong khoảng thời gian này, cá mú dễ bị mắc bệnh nấm, một loại bệnh do vi khuẩn phát sinh từ da, sau đó lan rộng khắp mình, nổi vẩy dẫn đến cá bỏ ăn rồi chết. Phát hiện thấy hiện tượng này, người nuôi cá mú phải dùng thuốc sinh học trị nấm, nếu phòng bệnh định kì thì sẽ hiệu quả hơn.


Có thể bạn quan tâm

Những tỷ phú nuôi tôm công nghệ vùng nước lợ Những tỷ phú nuôi tôm công nghệ vùng nước lợ

Nhiều người vùng ven sông Đồng Nai, khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy ao.

04/02/2020
Vùng núi Dran có Tết ấm no nhờ quýt đường đặc sản Vùng núi Dran có Tết ấm no nhờ quýt đường đặc sản

Quýt trĩu quả, đầu ra ổn định, giá cao nên nhiều gia đình vùng núi Dran có nguồn thu nhập cao trong dịp Tết.

04/02/2020
Trồng mít Thái, nuôi cá lãi cao Trồng mít Thái, nuôi cá lãi cao

Nhờ trồng mít, nuôi cá sạch, ông Lương Văn Tám (Tám Quýt), 63 tuổi ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thu lời 300 triệu đồng mỗi năm.

04/02/2020