Giá / Mô hình kinh tế

Một Số Lưu Ý Trong Nuôi Cá Lồng Bè Mùa Lũ

Một Số Lưu Ý Trong Nuôi Cá Lồng Bè Mùa Lũ
Tác giả: 
Ngày đăng: 04/10/2011

Năm nay, lũ bất thường, nước sông Tiền, sông Hậu đang lên rất cao. Thêm vào đó, con nước ở những địa phương đầu nguồn từ An Giang sang Đồng Tháp cũng đã “vượt bờ”. Người nuôi thủy sản đang rất lo lắng…

Theo ông Phan Hữu Hội, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang, nước lũ tràn về sẽ gây nhiều thiệt hại cho bà con nuôi cá trong vùng lũ, bởi nước lũ sẽ cuốn trôi phèn, vật chất hữu cơ phân hủy, độc tố thuốc bảo vệ thực vật hòa vào dòng nước của các con sông, kênh rạch sẽ làm thay đổi đột ngột điều kiện môi trường (pH giảm, độ trong thấp), thậm chí ô nhiễm môi trường nước, từ đó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên cá nuôi bè. Mặt khác, lũ về cũng khiến cho mực nước trong các vùng nội đồng dâng cao gây ra hiện tượng tràn bờ, phá bờ, đặc biệt là gây ra áp lực phèn lên ao nuôi cá khi nước lũ mới xuất hiện, từ đó gây thất thoát hay tác động xấu lên cá nuôi.

Số liệu quan trắc môi trường nuôi thủy sản của Chi cục Thủy sản Tiền Giang tại các vùng nuôi thủy sản tập trung ven sông Tiền cho thấy, môi trường nước đã có những biến động xấu cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, cụ thể như chỉ tiêu BOD5 (nhu cầu oxy sinh học để phân hủy hết lượng vật chất lơ lửng trong nước) tại Hoà Hưng vượt gấp 1,83 lần giới hạn cho phép, tại đuôi cồn Tân Phong vượt gấp 1,5 lần, tại Thới Sơn vượt gấp 1,66 lần (giá trị giới hạn cho phép BOD5 nhỏ hơn 6 mg/l); chỉ tiêu Coliform (tổng số vi khuẩn trong nước) tại Hoà Hưng vượt gấp 4,4 lần giới hạn cho phép, tại Thới Sơn vượt gấp 1,88 lần (giá trị giới hạn cho phép của chỉ tiêu Coliform là nhỏ hơn 5.000MPN/100 ml).

Do đó, để hạn chế những thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trong mùa lũ, bà con nuôi cá lồng bè cần chú ý: Tranh thủ thu hoạch nếu cá đạt cỡ thương phẩm. Nếu cá chưa tới cỡ thu hoạch cần chăm sóc kỹ, cho ăn đầy đủ, đúng liều lượng với những loại thức ăn viên công nghiệp có chất lượng. Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách trộn Vitamin C vào thức ăn, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Rút kinh nghiệm tránh lũ các năm sau, bà con ương nuôi cá vùng thường xuyên ngập lũ cần tính toán thời gian nuôi và lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp để thu hoạch trước khi lũ về.

Lưu ý: Trong mùa lũ, bà con nuôi cá bè không nên thả giống do môi trường nước xấu nên tỷ lệ cá hao hụt sẽ rất cao.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Nuôi Ong Ký Sinh Diệt Sâu Tơ Nhân Nuôi Ong Ký Sinh Diệt Sâu Tơ

Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là các loài ong ký sinh được chọn lọc khi thả ra trên đồng ruộng sẽ tìm và đẻ trứng trên các sâu non của loài sâu tơ. Khi trứng nở ra, sâu non của ong ký sinh sẽ tiêu diệt sâu tơ bằng cách ăn hết phần thịt sâu tơ để hoàn thiện vòng đời sống ký sinh của mình là làm nhộng rồi vũ hóa thành ong trưởng thành.

04/10/2011
Phát Huy Thế Mạnh Của Cây Trồng Vùng Khô Hạn Phát Huy Thế Mạnh Của Cây Trồng Vùng Khô Hạn

Việc tìm ra những giải pháp để chống khô hạn và sa mạc hóa là vấn đề hết sức bức xúc cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, vùng có khí hậu khô hạn và sa mạc hóa cũng có những thế mạnh riêng. Ví dụ như cây nho, cây thanh long, con cừu rất thích hợp phát triển ở những vùng khô hạn như Bình Thuận và Ninh Thuận.

04/10/2011
Mô Hình Kinh Tế Nuôi Tôm Trên Ruộng Lúa Mô Hình Kinh Tế Nuôi Tôm Trên Ruộng Lúa

Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra cho vùng đất cù lao bốn bề sông nước này một triển vọng mới về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

04/10/2011