Giá / Tin nông nghiệp

Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh

Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh
Tác giả: Liên Hương - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Ngày đăng: 23/06/2018

Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Vì vậy để hạn chế các tác động có hại đến gia cầm non, khi úm cần chú ý một số vấn đề sau đây:

Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng

1. Quây úm

Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 (m) nuôi úm 120 - 200 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 - 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm.

2. Nhiệt độ chuồng nuôi úm

Việc giữ ấm cho gia cầm con theo nhu cầu sinh lý trong các tuần tuổi đầu (đặc biệt là 2 tuần đầu) mới xuống chuồng rất quan trọng. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng các bệnh hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.

Từ ngày 22 - 28 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở gia cầm để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:

+ Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.

+ Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Cần quan sát kỹ các biểu hiện của gia cầm trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Thiết bị sưởi ấm: có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến gia cầm). Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn.Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gia cầm.

Yêu cầu về nhiệt độ (độ C) đối với gà: 

Ngày tuổi

Nhiệt độ tại quây úm

Nhiệt độ chuồng nuôi
0-3 37 31-32
4-7 35 31-32
8-14 32 29-30
15-21 29 28-29
22-35 21-28

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với vịt, ngan:

+ Ngày tuổi 1 - 3: 32 - 33oC

+ Ngày tuổi 4 - 5: 29 - 31oC

+ Ngày tuổi 6 - 14: 25 - 28oC

+ Từ 15 ngày tuổi: 24 - 25oC

3. Độ thông thoáng

Gia cầm non cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gia cầm 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không nhưng vần đủ không khí cung cấp cho gà.

Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gia cầm chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt, ẩm thấp có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng và nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh. Gia cầm càng lớn, lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ càng nhiều, lượng chất thải lớn do đó không khí chuồng nuôi chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, nếu không đủ thông thoáng dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp....

4. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, thời tiết, khí hậu mà quyết định mật độ nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ phù hợp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn:

Gà lông màu: 20 - 40 con/ m2

Mật độ nuôi vận dụng trên sàn:

Gà lông màu: 25-50 con/ m2

Ngan, vịt siêu thịt 1 tuần tuổi: 15 - 20 con/m2 nền chuồng, 2 tuần tuổi: 8 - 10 con/m2 nền chuồng, từ 3 - 8 tuần tuổi: 6 - 8 con/m2 nền chuồng. Từ 9 - 25 tuần tuổi: 5 - 6 con/m2 nền chuồng.

5. Chăm sóc nuôi dưỡng:

- Kỹ thuật cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gia cầm khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gia cầm uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gia cầm con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất.

Chú ý đặt máng uống cân và độ cao phù hợp để gia cầm non dễ uống nhưng không nhảy vào máng hoặc vảy nước làm ướt nền chuồng sẽ gây ướt lông làm gia cầm bị lạnh.

- Thức ăn và kỹ thuật cho ăn:

Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gia cầm.

+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gia cầm dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gia cầm con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gia cầm để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.

+ Kiểm soát thức ăn

Thức ăn nuôi gia cầm con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.

+ Kỹ thuật cho ăn

Sau khi gia cầm đã được uống nước thì cho chúng ăn.

Đối với gia cầm con: Cần cho gia cầm ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gia cầm ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gia cầm không ăn hết dẫn đến ẩm, hôi làm mất tính thèm ăn của gia cầm. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây nấm mốc, khi gia cầm ăn vào sẽ độc hại, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hoặc hít bào tử nấm vào phổi sẽ gây nấm phổi.

6. Thú y phòng bệnh

+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gia cầm.

+ Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc-xin, tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gia cầm và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

Với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày


Có thể bạn quan tâm

6 bước trồng 'siêu thực phẩm' chùm ngây tại nhà 6 bước trồng 'siêu thực phẩm' chùm ngây tại nhà

Chùm ngây có đặc tính dễ trồng, dễ sống, tương đối ít sâu bệnh, có thể trồng từ hạt hoặc hom cành.

23/06/2018
Cánh đồng 'một giống' giúp Mường Khương giữ giống lúa đặc sản Cánh đồng 'một giống' giúp Mường Khương giữ giống lúa đặc sản

Các vùng trồng lúa Séng Cù chỉ canh tác một giống, áp dụng phương pháp canh tác SRI và liên kết với hợp tác xã thu mua.

23/06/2018
Kỹ thuật trồng cây hoa Thúy điệp chậu treo cho vườn nhà rực rỡ sắc hương Kỹ thuật trồng cây hoa Thúy điệp chậu treo cho vườn nhà rực rỡ sắc hương

Kỹ thuật trồng cây hoa Thúy điệp làm trang trí ban công, sân vườn, chậu treo quán cafe...rất đơn giản nhưng lại mang đến cho không gian nhà bạn vẻ đẹp dịu dàng

23/06/2018