Giá / Tin thủy sản

Móng Cái (Quảng Ninh) tăng cường phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Móng Cái (Quảng Ninh) tăng cường phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi
Tác giả: Hữu Việt
Ngày đăng: 09/06/2016

Từ cuối tháng 4, tại 9 xã, phường gồm: Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Ninh Dương, Vạn Ninh, Hải Hòa, Trà Cổ và Bình Ngọc rải rác có hiện tượng tôm nuôi bị chết do dịch bệnh.

Ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày 21/4 tại hộ ông Trương Thế Nhân, thôn Trung, xã Vạn Ninh với diện tích 0,5ha thì đến ngày 18/5 đã có 37,95 ha nuôi tôm (bằng 4,43% tổng diện tích nuôi) của 56 hộ dân tại 9 xã, phường bị chết. Trong đó, diện tích được xác định nguyên nhân chết do bệnh dịch là 6 ha của 9 hộ và cơ sở nuôi tôm (2 ổ dịch đốm trắng, 7 ổ dịch hoại tử gan tụy cấp tính). Số còn lại chết do chất lượng giống thả ban đầu kém (tôm yếu do vận chuyển xa, chết ngay khi mới thả); công tác chuẩn bị, quản lý môi trường ao nuôi chưa tốt, khi gặp thời tiết mưa, nắng thất thường tôm bị sốc chết và một số diện tích nuôi tôm chết không rõ nguyên nhân.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, TP Móng Cái đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về phòng, chống dịch cho động vật, thủy sản nuôi năm 2016; thành lập Ban chỉ đạo, tổ xử lý ổ dịch và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh thủy sản nói chung, tôm nuôi nói riêng. Tính đến hết ngày 18/5, Phòng Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các xã, phường sử dụng 1.750 kg hóa chất xử lý 9 ổ dịch với 6 ha diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có các văn bản hướng dẫn, phối hợp, chỉ đạo; công khai danh sách, số điện thoại cán bộ thú y thủy sản phụ trách địa bàn; cử 1 cán bộ “nằm vùng”, trực tiếp phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố triển khai các hoạt động kiểm dịch, giám sát chủ động, điều tra, xử lý các ổ dịch khi mới phát hiện; đề xuất Cục Thú y hỗ trợ điều tra, nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, áp dụng thử quy chuẩn phòng chống dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi tại 5 hộ ở Vạn Ninh, Ninh Dương và Hải Hòa. Chi cục còn phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn về cách nhận biết, biện pháp phòng chống một số loại bệnh dịch nguy hiểm trên tôm nuôi cho gần 60 hộ nông dân; tập huấn nghiệp vụ thú y thủy sản cho 6 cán bộ thú y các xã, phường bao gồm các nghiệp vụ thu mẫu kiểm tra chất lượng, dư lượng chất cấm trong thuốc thú y thủy sản; thu mẫu tái kiểm dịch một số lô giống nhập từ tỉnh ngoài, không có phiếu xét nghiệm bệnh dịch kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch; tổ chức 2 đợt kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi tại một số xã trọng điểm nuôi tôm tại TP Móng Cái.


Toàn bộ 6 ha nuôi tôm bị chết do dịch bệnh tại các xã, phường trên địa bàn TP Móng Cái đã được xử lý bằng hóa chất.

Ông Thiều Văn Thành, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù hiện nay, diện tích tôm nuôi bị chết tại TP Móng Cái đã không lây lan rộng nhưng với điều kiện thời tiết có những diễn biến khó lường; một số địa phương, cơ sở chưa thực sự chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh; chất lượng tôm giống nhập vào tỉnh chưa được kiểm soát tốt; nhiều hộ nuôi không thực hiện khai báo dịch bệnh, xả nước thải, tôm chết, tôm bệnh, nghi nhiễm bệnh, chết chưa rõ nguyên nhân ra môi trường bên ngoài,…thì nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh rất lớn. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nói chung, tôm nuôi nói riêng tại TP Móng Cái và các địa phương khác trong tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT sớm ban hành văn bản đề nghị UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên thủy sản; kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; kiên quyết xử lý các cơ sở nuôi không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh, tự ý xả thải nước, thủy sản nhiễm bệnh ra ngoài môi trường theo quy định tại Điều 7 và Điều 10, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP, Điều 24 và Điều 14 Nghị định số 103/2013/NĐ-CP.

Được biết, trước tình hình dịch bệnh thủy sản nói chung, tôm nuôi nói riêng, Sở NN&PTNT đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định xác nhận một số loại bệnh dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (bệnh đốm trắng, đầu vàng và hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng; hoại tử thần kinh trên cá song, cá vược; bệnh do ký sinh trùng Perkinsus marinus, Perkinsus olseni trên ngao, nghêu và tu hài) được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2216/2014/QĐ-UBND ngày 06/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh trong trường hợp không công bố dịch, theo Điều 3 Thông tư số 21/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đây là cơ sở để hỗ trợ thiệt hại rủi ro về dịch bệnh để người nuôi khôi phục sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Về nơi nuôi artemia tốt nhất thế giới Về nơi nuôi artemia tốt nhất thế giới

Trong khi nhiều nước trên thế giới chỉ thu hoạch trứng artemia trong điều kiện tự nhiên, những năm gần đây tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) artemia được nhiều nông dân nuôi thành công. Thương hiệu artemia Vĩnh Châu không chỉ vang danh trong nước mà còn vươn ra thế giới.

09/06/2016
Nuôi tôm thẻ 2,5 tháng, lãi 300 triệu đồng/ha Nuôi tôm thẻ 2,5 tháng, lãi 300 triệu đồng/ha

Tính đến đầu tháng 6.2016, nông dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã thả nuôi tôm các loại được 3.210ha, bằng 13,38% kế hoạch năm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ là 2.298ha, tôm sú là 913ha.

09/06/2016
Trung tâm thủy sản sản xuất và cung ứng giống các loài thủy sản nước ngọt Trung tâm thủy sản sản xuất và cung ứng giống các loài thủy sản nước ngọt

Là tỉnh miền núi, không giáp biển nhưng Bình Phước có ưu thế về mặt nước nội địa tương đối lớn, với khoảng 28.300ha, trong đó mặt nước sông, suối, hồ gần 7.200ha và khoảng 2.000ha ao nuôi trong các nông hộ. Đó là tiềm năng để tỉnh phát triển nghề thủy sản nước ngọt.

09/06/2016