Mơ Ước Của Cánh Đồng
Vì sao giống lúa CT2 tuyệt vời ấy lại không ra đời từ một phòng thí nghiệm hiện đại, bởi các nhà khoa học tài năng?
Anh nông dân Hoa Sĩ Hiền ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, An Giang không phải là một nhà khoa học. Anh không có học hàm học vị, song giống lúa mà anh nghiên cứu ra có thể giúp bà con nông dân không tốn một giọt thuốc bảo vệ thực vật nào. Nếu giống lúa ấy được nhân rộng, mỗi năm có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho bà con nông dân.
"Qua theo dõi và kiểm tra, giống lúa CT2 có nhiều tính năng nổi bật nên chúng tôi thống nhất với các hộ dân để đơn vị có thể lấy giống và nhân rộng (với giá khoảng 200 triệu đồng) không chỉ ở miền Trung mà cả các địa phương Tây Nguyên" - Ông Trần Vinh Quang - Giám đốc Cty Cổ phần giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam |
Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học chân đất Hoa Sĩ Hiền đáng giá hơn rất nhiều so với không ít công trình khoa học được nhà nước đầu tư. Chính vì vậy, khi nói về việc nghiên cứu giống lúa của người nông dân này, một nhà khoa học ở Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã nhận xét: “Anh Hiền là người rất chịu khó, mọi người có thể đặt niềm tin vào khả năng của anh ấy.” – Lời nhận xét này xuất phát từ sự cảm phục của một nhà khoa học, với một người nghiên cứu khoa học. Sự chân thành trong lời nhận xét đó thật đáng trân trọng! Song, nó lại gợn lên một cảm giác không bình thường.
Vì sao mọi người nên đặt niềm tin vào khả năng nghiên cứu khoa học của một người nông dân, chứ không phải những nhà khoa học ở những cơ quan nghiên cứu to đùng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay của chính Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL của nhà khoa học có lời nhận xét chân thành trên?
Không thể phủ nhận khả năng của nhà khoa học chân đất Hoa Sĩ Hiền. Song, điều quan trọng nhất để dẫn đến thành công của anh chính là tinh thần dấn thân, là tấm lòng đối với số phận của những người nông dân, những người cùng giai cấp với anh. Bỏ ra cả chục năm ròng, dùng tiền túi, hy sinh những ngày công mà lẽ ra anh phải dùng để mưu cầu sự no ấm cho gia đình, để nghiên cứu khoa học. Đó là sự dấn thân của một con người, là tính cách cần thiết nhất đối với một nhà khoa học chân chính.
Những công trình khoa học ứng dụng từ xưa đến nay dường như chưa bao giờ ra đời từ tháp ngà của các viện sĩ mà chỉ thực sự trở thành giá trị của nhân loại thông qua sự dấn thân của các nhà khoa học, khi họ lăn lộn với cuộc sống, để kiến thức và trí tuệ của mình được soi sáng bằng trái tim đồng cảm với sự khổ đau của nhân loại.
Anh nông dân Hoa Sĩ Hiền không được trang bị những kiến thức khoa học uyên thâm, không có những công cụ kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ nghiên cứu. Anh chỉ có trí tuệ mà cha mẹ ban cho, có niềm say mê của một con người thiết tha với cuộc sống, nhưng đã làm được điều mà nhiều nhà khoa học có bằng cấp không thể thực hiện. Bởi anh có điều mà những người đó không có. Đó là trái tim nồng nàn, thiết tha yêu mến đối với cuộc sống của những người nông dân quê anh, trái tim biết đau đớn khi nhìn bà con láng giềng bị chửi mắng vì phải mua chịu thuốc bảo vệ thực vật để cứu lúa, trái tim biết xót xa khi chứng kiến những cô gái miệt vườn phải bỏ xứ lấy chồng ngoại vì những cánh đồng không nuôi nổi họ.
Anh Hoa Sĩ Hiền không phải người nông dân duy nhất có trái tim nồng nàn như thế! Song, không phải người nông dân nào cũng làm được điều thần kỳ như anh đã làm với giống lúa TC2. Bởi cho dù mong muốn tột cùng thì người nông dân cũng không thể làm khoa học chỉ bằng trái tim.
Trường hợp thành công như anh Hoa Sĩ Hiền là một việc hiếm hoi. Và trông chờ những câu chuyện như thế không phải là điều mà những cánh đồng mong muốn. Những cánh đồng mong chờ sự dấn thân của các nhà khoa học, mong chờ sự đồng cảm với cuộc sống của những người nông dân sẽ xuất hiện trong trái tim của các nhà khoa học. Và người nông dân muốn được tin tưởng vào trí tuệ và niềm đam mê của các nhà khoa học hơn là những trường hợp hiếm hoi như anh Hoa Sĩ Hiền./.
Có thể bạn quan tâm
Hiện người trồng xoài Cam Lâm (Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch, song kém vui khi xoài vừa mất mùa, mất giá...
Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh Khánh Hòa sản xuất cà tím Nhật Bản (CTNB) theo mô hình của Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (CPTSBL), chi nhánh tại Khu Công nghiệp Suối Dầu
Vụ tôm nước lợ xuân – hè 2012, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu thả nuôi 3.900 ha tôm sú và 130 ha tôm he chân trắng. Để đạt được mục tiêu, ngay từ đầu tháng 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương có diện tích nuôi tôm chỉ đạo cho các chủ đồng nuôi tập trung cải tạo ao đầm đúng hướng dẫn kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ thả tôm, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, sẵn sàng thả tôm nuôi khi thời tiết thuận lợi.