Mô Hình Ương Cua Bột Lên Cua Giống Biển Trong Ao Vùng Triều Ở Quảng Ngãi
Nhằm giúp nông ngư dân nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong nghề ươm, nuôi cua biển trong ao vùng triều, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã thực hiện mô hình ương cua bột lên cua giống, tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, với qui mô 200 mét vuông.
Số lượng cua bột thả ươm 5.000 con, mật độ thả 25 con/mét vuông, kích cỡ 0,5 cm. Cua bột có nguồn gốc sản xuất nhân tạo từ loài cua biển bố mẹ. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân tham gia mô hình kỹ thuật về kỹ thuật ương cua.
Trước khi ương cua bột, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cải tạo ao theo các bước: tháo cạn nước, vét bớt bùn đen, thối; diệt tạp bằng Saponine, rải vôi đều khắp ao với liều lượng 10 kg/100 m2. Phơi đáy ao 03 ngày, thường xuyên tháo nước nhỉ ra khỏi ao trong thời gian phơi. Sau khi ao đã cải tạo xong, hộ tham gia mô hình tiến hành cấp nước khoảng 80cm, để yên trong 3 ngày và xử lý nước bằng Iodine, với liều lượng: 1 lít/1.000 m3. Trước ngày thả 5 ngày, màu nước chưa lên, hộ tham gia mô hình bón phân cho ao, bình quân lượng phân bón đạt tỷ lệ: 0,6 kg Urê + 0,2 kg lân/200 m2. Đảm bảo độ đục đạt 30 – 40cm, màu nước là nâu xanh.
Về khâu chăm sóc cua ương, thức ăn cho 10 ngày đầu theo công thức phối trộn: Trứng vịt 30% + Bột công nghiệp (loại số 0) hoặc cá lọc bỏ xương: 50% + Bột mì hoặc bột đậu nành: 20% + Dầu mực. Tất cả nguyên liệu được xay mịn và trộn đều sau đó đem hấp cách thuỷ. Để nguội, tính thức ăn theo tổng số lượng cua đã thả, bình quân 1,5 kg/5.000 con/ngày; mỗi ngày cho ăn 4 lần (sáng, trưa, chiều, khuya).
Thức ăn cho 10 ngày tiếp theo: Mỗi ngày cho ăn 3 lần, lượng ăn bình quân là 1,8 kg/ngày; gồm thức ăn tự chế biến như đã nêu ở trên và thức ăn công nghiệp (loại số 1).
Thức ăn cho 10 ngày sau cùng, cho ăn 2 lần/ngày, lượng ăn bình quân là 2,7 kg/ngày; gồm thức ăn tự chế biến như đã nêu ở trên hoặc thức ăn công nghiệp (loại số 2).
Tổng lượng thức ăn, mô hình đã cho ăn là 60 kg. Trong đó, thức ăn tự chế biến là 40 kg; thức ăn công nghiệp là 20 kg.
Định kỳ 1 ngày/lần, hộ nuôi luân phiên trộn thức ăn với Vitamin C, hoặc Can xi hoặc men tiêu hoá Bio Suptin, lượng 3 - 5 gam/kg thức ăn, và phủ bao ngoài bằng dầu mực để cho cua ăn.
Ngoài việc cho ăn, hộ nuôi còn chú trọng quản lý đối tượng ương, bố trí hệ thống trú núp cho cua bột trong giai lưới trước khi thả cua để ương. Trong quá trình ương, hộ thực hiện mô hình thường xuyên kiểm tra giai lưới, hạn chế tối đa cua bò, trèo thoát ra khỏi giai: Vá lại những chỗ thủng do cua lớn, còng cáy cắn; căng lưới và bạt nilon tầng trên, không có mép gấp để cua khỏi trèo ra ngoài ... Trong quá trình ương, hộ tham gia mô hình thay nước cho ao theo thủy triều lên xuống hàng ngày khi có con nước, lượng thay từ 20 – 50% lượng nước ao.
Nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, sau 1 tháng nuôi, kết quả cua giống đạt kích cỡ bình quân 3,5 cm/con. Số lượng cua giống là 2.768 con, tỷ lệ sống đạt 55,36%; vượt 0,36% so với kế hoạch. Tổng thu nhập mô hình hơn 8,3 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chọn nuôi cá chình để phát triển kinh tế. Bởi cá chình dễ nuôi, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn... Với giá từ 460.000 - 520.000 đồng/kg, cá chình trở thành loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đầu ra tương đối ổn định.
Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện và chuyển giao “quy trình sản xuất cà rốt đẹp” cho nông dân các khu vực chuyên canh cà rốt như Trại Mát, Xuân Thọ (Đà Lạt) với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha/năm.