Giá / Mô hình kinh tế

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao
Tác giả: Thanh Trúc
Ngày đăng: 15/02/2017

Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân các xã vùng biển trong tỉnh, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Mới đây, Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) đã triển khai dự án trồng sả xuất khẩu, trước mắt thí điểm tại một số xã vùng cát ven biển thuộc ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Cây sả vốn là một loại cây dược liệu quen thuộc được người dân trồng nhiều, thích hợp với mọi loại đất vì dễ sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, đối với người dân các xã như Vĩnh Thái ( Vĩnh Linh), Trung Giang, xã Gio Sơn (Gio Linh), Triệu An (Triệu Phong), đây là lần đầu tiên người dân được hướng dẫn triển khai trồng sả trên đất cát với diện tích tương đối lớn. Từ ý tưởng giúp người dân chuyển đổi sinh kế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, mới đây Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai 4 mô hình trồng sả trên cát ở các xã nói trên, mỗi mô hình 1 ha. Theo đó, mỗi héc ta sả được công ty hỗ trợ toàn bộ giống và 7 tấn phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sả đạt hiệu quả tốt nhất.

Người dân chỉ đầu tư công trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn và thu hoạch. Ông Dương Minh Quý, ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh chia sẻ: “Người dân trong thôn chủ yếu làm nghề biển, gặp rất nhiều khó khăn sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua. Với đặc thù đất cát ở địa phương thì việc trồng các loại cây hoa màu cho năng suất cao cũng rất hạn chế. Nay được hỗ trợ trồng cây sả, người dân rất phấn khởi, cố gắng tích cực chăm sóc thật tốt để cho hiệu quả như yêu cầu”. Cây sả hiện được người dân triển khai trồng trên các vùng đất cát trước đây trồng các loại hoa màu khác kém hiệu quả. Với nhiều ưu điểm như là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn phát triển tốt.

Qua quá trình trực tiếp theo dõi, chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh cho biết thời điểm trước Tết Nguyên đán có mưa nhiều gây ngập úng nên cây sả có phát triển chậm, tuy nhiên từ sau tết đến nay, thời tiết tạnh ráo, người dân tích cực chăm sóc nên cây đã thích nghi và phát triển tốt, tỏ ra thích hợp với vùng đất cát ở địa phương. Đặc biệt, so với các loại cây hoa màu khác, cây sả sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trên vùng đất cát nhiễm mặn ven biển. Ưu điểm này của cây sả khiến người dân vùng cát tự tin phát triển loại cây trồng mới trên những diện tích đất bị nhiễm mặn tưởng chừng không thể canh tác được bất cứ loại cây trồng nào.

Ngoài ra, đầu ra của cây sả cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu. Các hộ dân tham gia trồng sả cho dự án của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị được đơn vị cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: “Theo ước tính của chúng tôi, mỗi héc ta đất cát người dân trồng được 2 vụ, mỗi vụ bình quân thu được 10 tấn thành phẩm, mỗi năm một héc ta cho 20 tấn thành phẩm. Công ty sẽ thu mua với giá khoảng 3 triệu một tấn, như vậy với 20 tấn sả trên một héc ta, người dân sẽ thu về được 60 triệu đồng, chưa kể các phụ phẩm như lá sả có thể bán cho những người có nhu cầu mua về sản xuất tinh dầu sả. Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị đối tác nước ngoài để xuất khẩu, như vậy người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Về lâu dài, mô hình này thành công sẽ được chúng tôi nhân rộng ra 16 xã vùng biển bãi ngang của các huyện, hi vọng góp phần giải quyết việc làm ,nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển”.

Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, người dân có thể thu hoạch sản phẩm và có nguồn thu nhập tương đối khá từ trồng sả. Phía Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cũng thường xuyên cử cán bộ cùng với cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các địa phương triển khai dự án kiểm tra, theo dõi tiến độ sinh trưởng và phát triển của cây sả để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Mô hình này thành công sẽ góp phần quan trọng thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho người dân vùng ven biển.


Có thể bạn quan tâm

Làm chủ 3 cơ sở ương cá giống, lãi gần 1 tỷ đồng/năm Làm chủ 3 cơ sở ương cá giống, lãi gần 1 tỷ đồng/năm

Khởi nghiệp rất ít vốn nhưng nhờ sự kiên trì, không ngại khó, nông dân Nguyễn Quang Khôi ở Bắc Giang trở thành chủ 3 cơ sở ương cá giống cho lãi khá.

15/02/2017
Nữ tỷ phú nuôi chim, gà quý hiếm Nữ tỷ phú nuôi chim, gà quý hiếm

Trang trại nuôi chim, gà quý hiếm của chị Nguyễn Thị Kim Duyên, thôn Cây Quýt 1, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang) được biết đến là một trong những mô hình.

15/02/2017
Nông dân Cần Thơ làm giàu nhờ trái mận Nông dân Cần Thơ làm giàu nhờ trái mận

Áp dụng giống mận (roi) tốt, chăm sóc kỹ kếp hợp nguồn nước màu mỡ của phù sa sông Hậu giúp người dân phường Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ thu nhập.

15/02/2017