Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh)
Mô hình trồng cà chua ghép trên thân cây cà tím trái vụ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai trình diễn ở phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) từ vụ đông xuân năm 2010 đã cho thu nhập với năng suất cao gấp 2 đến 3 lần so với cây chính vụ, mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương cũng như nông dân trên địa bàn toàn thành phố.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình trồng cà chua trên cây cà tím trái vụ ở cánh đồng thuộc khu Xuân Ổ A, ông Nguyễn Tài Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Võ Cường trao đổi: Trong các cây rau màu nông dân phường Võ Cường sản xuất thì cà chua là một trong những cây màu có giá trị kinh tế cao, trung bình 1 sào cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng tùy theo thời vụ sớm, chính vụ hoặc muộn. Để trồng cà chua đạt hiệu quả từ 15 triệu đồng/sào trở lên cần phải trồng trái vụ và giải pháp khả thi để thực hiện được việc này là sử dụng giống cà chua lai ghép trên gốc cà tím.
Sau khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm thử nghiệm ứng dụng kỹ thuật lai ghép cà chua giống trên gốc cà tím ở một số điểm trong tỉnh, vụ hè thu năm 2010 phường Võ Cường được chọn làm điểm để trình diễn mô hình trồng cà chua lai ghép trên thân cây cà tím, hơn 20 hộ nông dân tham gia mô hình đã được các cán bộ kỹ thuật của Viện rau quả (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phương pháp trồng, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh trên cây cà chua. Sau vụ đầu thu hoạch, giống cà chua này cho năng suất 20 tấn/1 sào, giá trị kinh tế từ 30 đến 40 triệu đồng/1 sào.
Trồng cà chua ghép trên gốc cà tím trái vụ thích hợp nhất là vào đầu tháng 8 dương lịch. Ưu điểm của giống cà chua ghép trên gốc cà tím là có khả năng chống chịu nhiệt và kháng bệnh cao, thích hợp trồng trái vụ. Điều quan trọng nhất là cà chua được ghép trên gốc cà tím có bộ rễ khỏe và phát huy thế mạnh của gốc cà tím nên khả năng chống các bệnh khó khắc phục ở cà chua như: Bệnh héo xanh, héo vàng, khô đầu lá, bệnh lở cổ dễ… hầu như được khống chế.
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên - ở khu Xuân Ổ A - phường Võ Cường là một trong những hộ tiên phong đưa giống cà chua ghép trên gốc cà tím vào trồng trái vụ. Từ năm 2010, bà Liên đưa vào trồng thử nghiệm 1 sào và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên đạt tỷ lệ sống gần 100%, cho năng suất cao, thu hoạch trái vụ với giá bán trung bình từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình bà thu lãi được hơn 20 triệu đồng.
Từ thành công này, vụ đông xuân năm nay, gia đình bà Liên tiếp tục duy trì diện tích và đến thời điểm này toàn bộ diện tích cà chua trái vụ của gia đình chị đang bắt đầu được thu hoạch. Bà Liên cho biết: “Trồng trái vụ giống cà chua ghép không khó, cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… sẽ thành công”.
Thành công của mô hình trồng cà chua trái vụ lai ghép trên thân cây cà tím ở Võ Cường đã mở ra một hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp của thành phố theo hướng công nghệ cao, việc áp dụng TBKT trồng cà chua ghép trên gốc cà tím sẽ mở ra nhiều triển vọng để nâng cao hệ số sử dụng đất. Nhân giống cà chua ghép thành công sẽ thay thế một phần diện tích trồng cà chua truyền thống ở các địa phương góp phần từng bước thay đổi cơ cấu thời vụ. Đây chính là mô hình cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao mà các địa phương khác trên địa bàn Thành phố cần áp dụng và nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) những năm qua có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá. Nhờ mô hình này mà hàng chục hộ nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú với mức thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình.
Điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện có khoảng 38% diện tích cà phê tái canh của hộ gia đình ở vùng Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) đang bị vàng lá, khô cành… do trồng trên đất không đủ thời gian luân canh, nên đã tạo ra môi trường thuận lợi để các tuyến trùng phát triển nhanh trong đất, gây hại bộ rễ cây.
Trong 2 tháng qua, nhiều nhà vườn trồng cam sành và bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ở ĐBSCL phải mất ăn, mất ngủ vì nạn trộm. Dù đã có kẻ bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhưng nạn trộm cắp vẫn chưa có chiều hướng giảm vì giá 2 loại nông sản này đang sốt