Giá / Tin thủy sản

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thành công nhờ phương pháp nuôi cá trong ao lắng

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thành công nhờ phương pháp nuôi cá trong ao lắng
Tác giả: Nguyễn Hữu Thi - Chi cục Nuôi trồng thủy sản
Ngày đăng: 18/01/2019

Khi đến cơ sở nuôi tôm của hộ ông Đỗ Lương Tịnh tại ấp Ông Tô xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc chúng ta không khỏi ngạc nhiên bởi đây chính là một mô hình nuôi tôm nước lợ điển hình và nổi tiếng của địa phương. Sự nổi tiếng của cơ sở từ cách làm ăn kinh tế hiệu quả nhờ áp dụng các nghiên cứu khoa học tiến bộ, nhờ có quản lý tốt và đặc biệt là cơ sở đã áp dụng phương pháp thả cá rô phi, cá chẽm trong ao lắng lấy nước nuôi tôm đã thành công nhiều năm nay.

Ao nuôi tôm tại cơ sở Đỗ Lương Tịnh, huyện Xuyên Mộc

Đứng trước tình hình thời tiết và môi trường đang ngày càng có nhiều diễn biến bất lợi, người nuôi tôm luôn phải đối mặt với muôn vàn các khó khăn như giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng cao, chất lượng giống có chất lượng luôn khan hiếm, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm... thì việc cơ sở đã vượt qua các khó khăn, trở ngại để thành công với sự tìm tòi sáng tạo của mình, rất đáng được nhân rộng trong tình hình khó khăn chung của ngành nuôi trồng thủy sản. 

Thả nuôi cá rô phi, cá chẽm dày đặc trong ao lắng. 

Có mặt tại cơ sở nuôi tôm của ông Đỗ Lương Tịnh, chúng tôi được anh Lữ Tiến Sức, người quản lý chung của khu nuôi, cũng đồng thời là Anh họ của ông Tịnh cho biết, trên diện tích 26 ao nuôi, cơ sở thả nuôi tôm thẻ chân trắng hoàn toàn từ nguồn nước nuôi thả cá rô phi và cá chẽm. Khi được hỏi về việc thả nuôi cá trong ao lắng, anh Sức cho biết, cá rô phi và cá chẽm được cơ sở thả nuôi tại đây với mật độ dày, cơ sở không thu hoạch cá từ ao lắng và cũng không cho cá ăn mà cứ để cá phát triển tự nhiên hết vụ này qua vụ khác, nguồn thức ăn của chúng chính là mùn bã hữu cơ, các chất cặn bã từ nước nuôi tôm gom về và cá đồng thời cũng chính là “nhà máy lọc sinh học” cho nước nuôi tôm của cơ sở, hiện trong ao có con cá rô phi nặng tới cả kg và cá chẽm có con tới 4-5 ký, anh Sức cho biết thêm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nước từ ao lắng được cơ sở đưa đến các ao nuôi qua hệ thống kênh dẫn/lọc khá quy củ và hiện đại, anh Sức chia sẻ. Trong nuôi thủy sản, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vai trò và tác dụng của việc thả nuôi cá trong ao lắng, hay thả ghép cá trên diện tích nhỏ độc lập với tôm nuôi ở giữa ao, rất nhiều cơ sở đã và đang áp dụng thành công... Tuy nhiên, để có được sự thành công tuyệt đối như ở mô hình của hộ ông Đỗ Lương Tịnh tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đó chính là nhờ biết kết hợp giữa sự quản lý nghiêm ngặt cả về vệ sinh môi trường, chăm sóc quản lý quá trình nuôi, quản lý về con người và sự áp dụng phương pháp nuôi với chu trình tuần hoàn nước, bảo vệ tuyệt đối sự xâm hại của các tác nhân có thể gây, truyền bệnh từ bên ngoài vào khu nuôi của cơ sở như các loài chim, cò, các loài súc vật như chó mèo nhờ hệ thống hàng rào kín và lưới che phủ bên trên, ngay cả người lạ cũng bị hạn chế vào khu vực ao nuôi nếu như chưa có sự đồng ý của người quản lý tại đây.

Kết quả khả quan từ các mô hình ở huyện Xuyên Mộc.

Có được sự thành công như trên, chính là nhờ cơ sở đã ứng dụng quy trình nuôi tôm theo hình thức tuần hoàn khép kín, tận dụng nguồn nước nuôi cá rô phi, cá chẽm để nuôi tôm và ngược lại, trong suốt quá trình nuôi, cơ sở đã thực hiện việc quản lý nước nuôi bằng chế phẩm sinh học, loại chế phẩm được chính cơ sở ủ tại chỗ theo phương pháp truyền thống trên cơ sở tạo sinh khối các loài vi khuẩn có lợi rồi đưa xuống ao nhằm cân bằng môi trường nước nuôi. Được biết, cơ sở đã ứng dụng quy trình nuôi trên hơn 5 năm nay, so sánh hiệu quả kinh tế, anh Lữ Tiến Sức cho biết, cũng có một, hai vụ bị trục trặc do kỹ thuật sai sót, tuy nhiên xét về tổng thể thì cơ sở vẫn toàn thắng, cao điểm là mùa vụ năm 2013 doanh thu trên 10 tỷ đồng và năm 2014 cơ sở có doanh thu cao ngất ngưởng trên 16 tỷ đồng.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại huyện Xuyên Mộc.

Chúng tôi cũng được giới thiệu thêm một mô hình khác có áp dụng phương pháp thả cá trong ao nuôi, đó chính là cơ sở NTTS Mạnh Cường, cũng tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tại đây chúng tôi được anh Nguyễn Văn Chính, người đại diện cơ sở giới thiệu về mô hình nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm với cách thức và phương pháp mới, đó là thả nuôi ghép cá rô phi tại khung vuông ở giữa ao, với số lượng 20 ao, mỗi ao rộng khoảng 3000–5000m2, cơ sở bố trí 300m2 ở giữa để nuôi cá rô phi, cá nuôi được quây bằng lưới cước chắc chắn, lưới được chôn sâu xuống dưới đáy ao từ 25-30cm nhằm tránh cá thoát ra ngoài, mỗi ao thả 5kg cá giống kích cỡ 200 con/kg và thả trước 1 tuần, sau đó mới thả tôm vào ao nuôi, cũng giống như cơ sở ông Tịnh, cá nuôi ở đây cũng không cần cho ăn, thức ăn của chúng là các chất cặn bã, thức ăn thừa, vỏ tôm lột trong ao nuôi, vì vậy đáy ao của cơ sở luôn được dọn sạch các chất cặn bã, và để tuần hoàn nước trong ao, cơ sở thường xuyên làm sạch lưới chắn cá nhằm tạo dòng chảy lưu thông thông thoáng, anh Nguyễn Văn Chính cho biết thêm. Cách làm khoa học và sáng tạo trên tại cơ sở Mạnh Cường bước đầu đã mang lại hiệu quả khi vụ này cơ sở đã thu trên 100 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, mô hình trên đã và đang được người nuôi tôm nước lợ tại địa phương học hỏi và làm theo nhằm đối phó với tình hình khó khăn hiện nay.

Cần nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả.

Với tình hình bệnh dịch trên động vật thủy sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát, môi trường đất, đáy ao và nước nuôi đang bị nhiễm và tồn dư các loại thuốc, hóa chất từ quá trình nuôi trước đây, thì việc sáng tạo ứng dụng quy trình nuôi hiệu quả tại huyện Xuyên Mộc rất cần được phổ biến, nhân rộng để qua đó người nuôi tôm tùy vào tình hình thực tế của mình mà tứng bước áp dụng và phát huy nhằm bảo đảm cho các vụ nuôi thành công, cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến các mô hình nuôi mới, hướng người dân tăng cường sử dụng công nghệ sinh học, các sản phẩm men vi sinh... nhằm giảm và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc, hóa chất xử lý cải tạo môi trường cũng như công tác phòng chống dịch bệnh trong quá trình nuôi của mình. Phương pháp nuôi mới này không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường./.


Có thể bạn quan tâm

Tham quan mô hình “nuôi cá sông trong ao” tại Phú Thọ Tham quan mô hình “nuôi cá sông trong ao” tại Phú Thọ

Mô hình sông trong ao thực chất là tạo một dòng sông trong ao tĩnh, dùng máy tạo khí, dòng chảy tuần hoàn để nước luôn lưu chuyển khắp ao

18/01/2019
Một số phương pháp dùng thuốc trong nuôi trồng thủy sản Một số phương pháp dùng thuốc trong nuôi trồng thủy sản

Bài viết sau đây xin được giới thiệu sáu phương pháp dùng thuốc và hóa chất để phòng trị các bệnh bên ngoài và bên trong cơ thể của động vật thủy sản

18/01/2019
Nuôi tôm nước lợ năm 2019: Những vấn đề cần lưu ý Nuôi tôm nước lợ năm 2019: Những vấn đề cần lưu ý

Đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh chỉ nên nuôi 1 vụ/năm; với mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh và bán thâm canh

18/01/2019