Giá / Tin thủy sản

Mô hình nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao tại Thanh Hóa

Mô hình nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao tại Thanh Hóa
Tác giả: Minh Hiếu
Ngày đăng: 24/01/2022

Mô hình nuôi tôm càng xanh được du nhập về Thanh Hóa từ năm 2020. Sau hơn 2 năm đưa vào nuôi thử nghiệm, mô hình này đang khẳng định được hiệu quả kinh tế và mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh.

Là người có kinh nghiệm nuôi tôm ở ĐBSCL nhiều năm, anh Nguyễn Văn Nam, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) nhận thấy tiềm năng phát triển NTTS tại vùng đất này nên đã khảo sát địa hình, tự lấy mẫu đất, mẫu nước gửi đến các đơn vị chuyên môn nhờ phân tích, rồi tham khảo ý kiến từ nhiều người có kinh nghiệm, năm 2020, anh quyết định thuê khu đất này và tiến hành cải tạo, đưa tôm càng xanh vào thả nuôi. Sau 3 tháng nuôi, tôm càng xanh sinh trưởng, phát triển tốt, nên anh quyết định mở rộng quy mô nuôi lên tới 2 ha. Sau 6 tháng thả nuôi với quy mô lớn, diện tích nuôi tôm càng xanh bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm này, anh Nam đang lọc ra các con to để tiến hành thu hoạch. Anh dự kiến, sau 6 tháng nuôi, năng suất tôm đạt khoảng 1,2 đến 1,4 tấn/ha, doanh thu đạt từ 300 – 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 120 – 150 triệu đồng/ha.

Theo anh Nam, tôm càng xanh có ưu điểm là thời gian nuôi có thể kéo dài, nên người nuôi không bị áp lực bởi thị trường. Tôm nuôi 6 tháng là có thể cho thu hoạch. Tuy nhiên, thời gian nuôi có thể kéo dài tới 1 năm, thậm chí dài hơn. Tôm nuôi càng lâu, trọng lượng và giá thành càng quá cao, lợi nhuận cũng tăng lên, nên người nuôi không lo bị ép giá. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để nuôi tôm càng xanh cũng không quá cao, kỹ thuật nuôi cũng đơn giản.

Tôm càng xanh là đối tượng nuôi khỏe, khả năng thích nghi cao, nên ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp. Chi phí nuôi tôm càng xanh cũng không cao, có thể lựa chọn phương thức hữu cơ, tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có trong nguồn nước, bổ sung thêm cá tạp và sẽ giảm được chi phí đầu tư.

Để nuôi thành công tôm càng xanh thì nguồn nước nuôi phải sạch, người nuôi cần chú trọng đến việc vệ sinh, xử lý nguồn nước trước khi dẫn vào ao nuôi. Quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh nước, tiêu diệt tạp khuẩn gây bệnh trên tôm bằng các chế phẩm sinh học. Ngoài ra, việc lựa chọn con giống thả nuôi cũng rất quan trọng. Hiện nay, hầu hết con giống tôm càng xanh đều đang phải nhập từ tỉnh ngoài. Vì vậy, cần phải tìm hiểu, lựa chọn các cơ sở cung ứng giống uy tín, bảo đảm chất lượng để đặt mua.

Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, kết quả bước đầu đã cho thấy sự phù hợp với triển vọng của mô hình nuôi tôm càng xanh. Vì vậy, một số hộ dân ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Yên Định đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình này. Được biết, để giúp mô hình nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả kinh tế cao, hiện Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đang thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm càng xanh bằng hình thức nuôi hữu cơ, nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường cho các hộ nuôi. Đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để nhân rộng.


Có thể bạn quan tâm

Dầu Camelina trong thức ăn cho cá hồi Dầu Camelina trong thức ăn cho cá hồi

Cây Camelina sativa, hay cây lanh, là một loại cây có dầu giàu axit béo omega-3, protein và chất chống oxy hoá.

24/01/2022
Thành công mô hình nuôi cá bống cát tại Quảng Ngãi Thành công mô hình nuôi cá bống cát tại Quảng Ngãi

Qua 3 tháng nuôi thử nghiệm, cá bống cát có kết quả sinh trưởng tốt, góp phần tái tạo nguồn lợi cá bống đang dần cạn kiệt trên sông Trà Khúc.

24/01/2022
Hiệu quả nuôi vẹm xanh khu bãi bồi ven biển tại Kiên Giang Hiệu quả nuôi vẹm xanh khu bãi bồi ven biển tại Kiên Giang

Vẹm xanh hay còn gọi là vẹm vỏ xanh, là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ được nhiều nông dân sinh sống ở khu vực ven biển Kiên Giang nuôi thành công

24/01/2022