Mô Hình Nuôi Rắn Ri Voi Trong Khạp, Lu
Nuôi rắn ri voi trong khạp, chuyện nghe qua rất đơn giản, nhưng đã đem lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Hung, ấp Long Trị 1, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ một “tài sản” có giá trị vài chục triệu đồng với diện tích nuôi chưa đầy 8 m2 đất.
Ông Hung cho biết, cách đây 3 năm, mấy đứa con của ông đi đặt dớn dính được 3 con rắn ri voi, đem về bỏ trong khạp để nuôi chơi. Vậy mà giờ đây ăn thiệt. Lúc đó, thỉnh thoảng mới cho ăn một lần, thế mà mấy con rắn không hề hấn gì. Thấy chúng dễ nuôi nên mới nảy sinh ý định nuôi rắn. Sau một năm thả nuôi, hai con rắn cái đầu tiên đã đẻ được 14 con rắn con. Cứ thế, ông Hung để rắn con nuôi tiếp tục và khi nó trưởng thành thì cho đẻ để gầy giống nuôi tiếp. Nhờ vậy, đến nay tổng đàn rắn của ông lên con số 130 con, trong đó có 15 con rắn nái và khoảng 60 con rắn tơ có trọng lượng trên 700 g/con.
Thông thường, mô hình nuôi rắn ri voi của người dân trong và ngoài tỉnh là nuôi trong ao, hồ đều cho hiệu quả. Nhưng, từ sự đúc kết kinh nghiệm qua quá trình thực tế thả nuôi, ông Hung vẫn quyết định chọn nuôi rắn trong khạp và trong thùng nhựa, rất tiện lợi, hiệu quả cũng không kém. Theo ông Hung, khạp da bò cỡ trung, thùng nhựa khoảng 25 lít hoặc can nhựa khoảng 20 lít, trên nắp khoét vài lỗ cho có không khí, là có thể nuôi rắn ri voi. Cách nuôi này sẽ giảm được nhiều chi phí đầu tư. Hơn nữa, nuôi trong khạp sẽ dễ quản lý, chăm sóc, rắn không tranh ăn, ít hao hụt, phát hiện bệnh được kịp thời. Trong khi đó, nuôi rắn trong hồ xi măng dễ làm trắng bụng, trầy xước rắn, còn nuôi dưới ao không kiểm soát được bệnh, rất dễ bị hao hụt, thất thoát. Ngoài ra, nếu nuôi trong ao với số lượng lớn, chúng sẽ tranh ăn và sự phát triển sẽ không đều nhau nên hiệu quả không cao. Mặt khác, rắn ri voi thuộc loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao và là món ăn đặc sản ở các nhà hàng, quán nhậu, nhưng hiện nay con giống lại hiếm, vì tỷ lệ nuôi rắn sinh sản nhân tạo còn rất ít. Nếu chịu khó trong khâu chăm sóc, thì hiệu quả từ việc nuôi rắn ri voi tăng gấp đôi so với nuôi cá, heo hay lúa...
Theo kinh nghiệm của ông Hung, rắn từ 300 g trở xuống, nuôi từ 5-10 con/khạp. Còn trọng lượng từ 1-1,5 kg, nuôi từ 3-4 con là vừa. Tuy nhiên, để rắn không tranh ăn và lớn đều, cần phải chịu khó đút thức ăn cho từng con và chỉ cho ăn cá da trơn chứ không nên cho ăn các loài cá khác. Phải thường xuyên theo dõi tình hình rắn mỗi ngày, như tính nết thay đổi như thế nào để phát hiện bệnh của chúng. Hai loại bệnh chủ yếu ở rắn ri voi là bệnh khô da và sưng hàm, nếu điều trị không kịp thời sẽ lây lan rất nhanh và mức hao hụt sẽ rất lớn. Do rắn ri voi là loài sống ở thiên nhiên, nên cách điều trị rắn cũng phải sử dụng các cây thuốc từ thiên nhiên. Nên thường xuyên thay nước cho rắn, nhưng không lấy nước ở các sông bị ô nhiễm để tránh bệnh ngoài da trên rắn. Nếu cho rắn ăn đều, thì rắn nuôi từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ tăng trọng rất nhanh. Đặc biệt cứ sau một tuần, rắn có thể tăng lên 100 g/con đối với rắn lứa. “Với thời gian nuôi một năm, nếu rắn lớn đều, có thể lọt vào loại 1 để xuất bán. Hiện nay, các thương lái vào tận nhà thu mua với giá 400.000 đ/kg. Trừ chi phí, lợi nhuận gấp đôi so với chi phí đầu tư ban đầu”, ông Hung nói chắc mẩm.
Thời gian qua, có nhiều người đến đặt vấn đề mua rắn thịt và rắn giống về nuôi, nhưng ông Hung chưa chịu bán. Vì theo ông, đây là loài rắn hiếm, con giống khó tìm, nếu mua trôi nổi đem về nuôi, rắn sẽ dễ bị chết, tỷ lệ thành công không cao. Do số lượng rắn nuôi còn ít, nên gia đình muốn gầy dựng và tăng số lượng thả nuôi rồi mới tính đến chuyện buôn bán. Hiện nay, ngoài 15 con nái có trọng lượng từ 2-2,5 kg/con, gia đình ông Hung còn khoảng 60 kg rắn thịt. Với giá rắn như hiện nay, tính ra gia đình ông Hung đã sở hữu “một tài sản” trị giá vài chục triệu đồng từ mô hình nuôi rắn. Ngoài ra, đối với đàn rắn nái sinh sản mỗi năm cũng kiếm thêm vài trăm con nữa. Nếu bán rắn giống cũng kiếm được vài chục triệu đồng!
Cán bộ khuyến nông xã Tân Phú, Phạm Văn Tám, cho rằng: Đây là mô hình nuôi rắn ri voi đầu tiên ở xã Tân Phú đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vẫn chưa được nhiều bà con nông dân trong xã áp dụng vì ít con giống, giá con giống cao, nhiều người chưa nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi nên chưa dám mạnh dạn đầu tư. Hiện nay, giá cả của mặt hàng này ổn định, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, đây là loài động vật hoang dã, vì vậy khi nuôi cũng phải đăng ký với ngành chức năng để kiểm soát, quản lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi khi xuất bán. Đây là mô hình khá lý tưởng không chỉ áp dụng cho cả hộ nghèo tận dụng diện tích trong nhà, mua rắn con và tự kiếm thức ăn để giảm chi phí, tăng thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Qua 6 km đường đất vòng vèo uốn lượn, chúng tôi đến thăm mô hình trang trại của gia đình anh Hoàng Văn Bổn- Dân tộc Tày, trang trại của anh vắt vẻo trên đỉnh núi Khău Choong ở Nghĩa Đô (Bảo Yên- Lào Cai), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục ý chí quyết tâm làm giàu của anh.
Rời quê Vĩnh Phúc lên xã Sam Mứn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lập nghiệp cách đây hơn chục năm trước, thời gian đầu rất gặp rất nhiều khó khăn do không nhà cửa, không đất sản xuất, với chút vốn ít ỏi và vài chục con vịt giống mang theo để bán, anh Phan Văn Mão đành phải dựng lán ở bờ sông Nậm Rốm để mưu sinh bằng nghề bán vịt giống. Đến nay anh đã trở thành chủ trang trại vịt lớn nhất Điện Biên.
Vẫn biết là cuộc sống không hiếm những lối rẽ bất ngờ, những sự đổi thay vượt quá những điều ta vẫn nghĩ, tôi không thể kìm được tiếng thốt ngạc nhiên khi đứng trước vườn cao su trồng mới năm 2008 của Nông trường An Phú thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông…