Mô Hình Nuôi Rắn Ri Tượng Hiệu Quả Cao
Mô hình nuôi rắn ri tượng quy mô nhỏ được ông Cao Văn Hùng, ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), áp dụng 3 năm, cho thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/năm. Từ cách nuôi đơn giản, hiệu quả, ông đang mở rộng quy mô nuôi đối tượng này.
Năm 2010, từ 4 con rắn ri tượng con, chỉ sau 1 năm chăm sóc, 3 con rắn cái sinh sản 34 rắn con. Thấy rắn phát triển tốt, sinh sản được trong điều kiện nuôi bể xi-măng, ông Hùng tiếp tục đầu tư xây bể chỉ với kích thước ngang 7 tấc, dài 1 m và cao 6 tấc. Bể được bố trí ống xả thải để thuận tiện hơn khi thay nước.
Ông Hùng cho biết: “Ban đầu tôi không nghĩ rắn có thể sinh sản trong bể xi-măng với kích thước nhỏ như vậy. Trong khi đó, nhiều nơi trong tỉnh nuôi với diện tích lớn và có nơi được nuôi trong bể, thau, xô nhựa... Riêng mô hình của tôi trong 3 năm qua cho thấy, ở điều kiện bể xi-măng rắn vẫn sinh sản và phát triển tốt”.
Nguồn nước sử dụng cấp, thay cho rắn ri tượng hằng ngày được ông lấy từ nước mưa hoặc nước giếng khoan. Do thay nước thường xuyên, cung cấp thức ăn đầy đủ cho rắn nên trung bình 1 năm nuôi, rắn đạt trọng lượng từ 1 - 1,2 kg. Thức ăn cho rắn chủ yếu tại chỗ, từ nguồn cá phi, nhái trong vuông nên không tốn chi phí, lợi nhuận cao.
Với mật độ nuôi từ 10 - 15 con trong bể với diện tích 1 m2 thì việc cho rắn ăn cũng phải biết cách. Bởi với tập tính giành ăn, chúng cắn nhau sẽ gây tổn thương da, ảnh hưởng đến sức lớn cũng như chất lượng trứng của rắn trong mùa sinh sản.
Ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm: “Khi cho ăn ta phải dùng cây khều cho rắn không giật mình cắn nhau. Sau đó, dùng đũa xiên qua mắt cá và tiến hành rà xung quanh miệng cho rắn ăn, đến khi nào không còn ăn nữa thì thôi. Không nên nhét, ép rắn ăn thêm, bởi nuôi rắn đẻ không nên cho rắn ăn quá no dẫn đến rắn tích tụ nhiều mỡ, trứng không đạt đầu con”.
Chính kinh nghiệm trên nên vụ nuôi năm 2012, từ 25 con rắn giống, mỗi con đẻ trung bình 25 rắn con, ông Hùng thu về trên 35 triệu đồng (khoảng 350 rắn con). Năm nay, đến thời điểm này, ông bán rắn con được trên 30 triệu đồng. Hiện ông còn để lại trên 100 rắn con để nuôi thí nghiệm trong ao đất. Qua thời gian nuôi thử nghiệm, rắn đang phát triển tốt.
Do rắn con được sinh sản tốt nên ngày trước rắn đẻ, ngày sau có thể bán được. Hiện nay, các hộ nuôi từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau đều biết và tìm đến mua rắn của ông.
Ông Nguyễn Chi Lăng, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Tân Hưng, cho biết: “Ông Hùng là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi rắn ri tượng ở huyện Cái Nước. Đến nay, trong xã có nhiều hộ nuôi theo cũng đã thành công bước đầu. Đây không những là mô hình để nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm mà còn là địa chỉ cung cấp rắn ri tượng giống cho người dân”.
Có thể bạn quan tâm
10 năm qua (2003 - 2012), các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.
Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.