Giá / Mô hình kinh tế

Mô hình nuôi lợn GAHP ngày càng lan tỏa

Mô hình nuôi lợn GAHP ngày càng lan tỏa
Tác giả: Việt Khánh
Ngày đăng: 10/12/2016

Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình GAHP nông hộ (thực hành chăn nuôi tốt) ở xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã lan tỏa với sự tham gia của hàng chục hộ dân.

Trong ảnh: Trang trại lợn thịt của anh Nguyễn Xuân Nhất thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm

Ông Đào Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng cho biết, mục tiêu của dự án "Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP)" là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi thông qua việc cải thiện năng suất, chất lượng, đảm bảo VSATTP và môi trường theo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Tháng 6/2014, xã Hoằng Phượng chính thức tham gia dự án, đến nay đã thành lập được 4 nhóm GAHP, mỗi nhóm gồm 20 hộ, mỗi hộ nuôi bình quân trên 15 con lợn, hiệu quả mang lại rất khả quan.

Nói về gương sáng điển hình chăn nuôi giỏi trên địa bàn xã Hoằng Phượng phải kể đến hộ gia đình anh Nguyên Xuân Nhất (SN 1993). Ít ai biết được rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, vợ chồng anh đã trải qua nhiều phen trầy trật.

Trước đây gia đình anh Nhất từng triển khai nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, do không nắm vững quy trình, lại thiếu định hướng nên thu nhập rất thấp, chưa kể nhiều vụ lỗ nặng vì dịch bệnh bùng phát.

Sau khi tham gia nhóm GAHP, được tham gia tập huấn bài bản, thấy rõ lợi ích của dự án nên anh Nhất quyết định huy động kinh phí, đầu tư khoảng 500 triệu đồng tiến hành xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn trên diện tích 220m2 hướng đến làm ăn lớn.

Ông Nguyễn Đức Nam, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi GAHP xã Hoằng Phượng nhận xét, trang trại của anh Nhất đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn đặt ra, vị trí cao ráo, thoáng mát, tách biệt với khu sinh hoạt, nguồn nước; có hố khử trùng, hầm biogas; hệ thống thu gom nước thải và nhà chứa thức ăn riêng biệt.

Nhằm đánh giá thực tế và hạn chế tối đa mức độ rủi ro, bước đầu anh Nhất chỉ nhập 35 con lợn giống về nuôi. Sau một thời gian theo dõi, nhận thấy mô hình phát triển tốt, anh quyết định tăng đàn. Đến thời điểm này trang trại luôn duy trì ổn định từ 90 - 100 con lợn thịt/lứa.

Nuôi lợn quy trình GAHP đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng bù lại hiệu quả lại rất thiết thực. Xuyên suốt quá trình triển khai, từ khâu chọn giống, thức ăn cho đến lúc xuất bán đều thực hiện theo đúng quy trình nên sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá rất cao, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu”, anh Nhất khẳng định.

Qua theo dõi tình hình thực tế anh Nhất nhận thấy, đối với lợn giống 10kg nếu như áp dụng cách thức cũ thì từ khi nuôi đến khi xuất chuồng (trọng lượng từ 90kg đến 1 tạ) quy trình kéo dài từ 130 - 140 ngày, nay áp dụng chăn nuôi theo phương pháp pháp mới thì rút ngắn xuống còn 120 - 126 ngày.

Thời điểm gần xuất, mỗi con lợn tiêu tốn khoảng 3 kg cám/ngày (giá cám giao đông từ 12.000 - 15.000đ/kg), như vậy tính chi li mỗi vụ gia đình anh Nhất tiết kiệm được khoảng 35 triệu đồng.

Tham gia vào quy trình chăn nuôi GAHP nông hộ giúp anh có ý thức hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nếu như trước đây, giá trị kinh tế được đặt lên hàng đầu thì giờ chất lượng sản phẩm mới là yếu tố then chốt. Để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, vợ chồng anh thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi...

Nhờ triển khai bài bản, trang trại của anh Nhất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, nếu có cũng chỉ xuất hiện nhỏ lẻ trên phạm vi một vài con, việc xử lý diễn ra đơn giản, gọn nhẹ.

Từ những thành tích nổi bật trên, cuối năm 2015 trang trại của gia đình anh đã chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Tại bất kỳ thời điểm nào, sản phẩm từ trang trại của anh luôn được giá hơn so với thị trường từ 4.000 - 6.000 đồng/kg).

Hàng năm trang trại của anh Nhất triển khai nuôi 2,5 lứa lợn thịt, xuất ra thị trường trên dưới 25 tấn, trừ chi phí liên quan gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Dự kiến sau 2 năm nữa sẽ thu hồi lại toàn bộ kinh phí đầu tư ban đầu.

“Chăn nuôi theo quy trình GAHP vừa cải thiện môi trường, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Ý thức phòng bệnh cho vật nuôi của người dân có sự chuyển biến rõ rệt, nếu trước kia tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt từ 30 - 50% thì giờ đây đã tăng lên 95 - 100%.

Thời gian tới địa phương sẽ tập trung thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào phối hợp với Tổ hợp tác chăn nuôi VietGAHP ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi liên kết thực phẩm an toàn”, ông Đào Ngọc Thắng.


Có thể bạn quan tâm

Trồng đinh lăng xen cao su - dễ làm, thu nhập khá Trồng đinh lăng xen cao su - dễ làm, thu nhập khá

Không tốn nhiều công chăm sóc lại được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mô hình trồng xen cây đinh lăng đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông dân ở Tây Ninh

10/12/2016
Khởi nghiệp từ nuôi gà ri, thu trên 300 triệu đồng mỗi năm Khởi nghiệp từ nuôi gà ri, thu trên 300 triệu đồng mỗi năm

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đầu năm 2016 hai thanh niên Phùng Văn Hùng khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ri trên diện tích gần 2.000 m2.

10/12/2016
Khâm phục người sở hữu gần 200 ha rừng trồng, doanh thu 2 tỷ đồng/năm Khâm phục người sở hữu gần 200 ha rừng trồng, doanh thu 2 tỷ đồng/năm

Dù sở hữu gần 200 ha rừng trồng nhưng chàng thanh niên trẻ Trần Văn Điện, 34 tuổi vẫn chưa dừng lại với thành quả mình đang có

10/12/2016