Giá / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Quảng Canh Ở Long Thọ

Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Quảng Canh Ở Long Thọ
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/02/2011

Một số người dân ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã biết đến việc nuôi cá chẽm theo mô hình công nghiệp. Với việc nuôi công nghiệp, chi phí khá lớn và độ hao hụt cao nên mức lãi cũng thất thường. Thế nhưng, nuôi cá chẽm quảng canh có hiệu quả cao hơn dường như còn ít người biết đến. Hiện, ở xã Long Thọ đã có một mô hình nuôi cá chẽm quảng canh đạt hiệu quả cao.

Ông Lê Văn Dũng, chủ ao cá chẽm ở ấp 3 xã Long Thọ, cho biết nuôi cá chẽm theo mô hình quảng canh khá nhàn, chỉ phải để mắt trông... trộm viếng! Còn việc chăm sóc cá gần như không phải nghĩ tới. Trước khi nuôi cá chẽm quảng canh, ông Dũng cũng đã nuôi thử 1,5ha ao theo mô hình công nghiệp. Kết quả thu họach sau 6 tháng nuôi trừ toàn bộ chi phí đầu tư thì suýt bị lỗ.

Ông Dũng lý giải về điều đó: “Thức ăn của cá chẽm là những loại cá khác được băm ra cho chúng ăn. Nuôi công nghiệp phải cho ăn từ khi còn nhỏ đến lớn nên lượng thức ăn mất khá nhiều. Từ khi chúng ở tháng thứ 4 trở đi, 1 tạ cá thức ăn đổ xuống chỉ vài phút là chúng ăn hết sạch".

Nuôi công nghiệp mật độ cá rất dày, khoảng 10 ngàn con/ha nên cá lớn không đều. Bên cạnh đó, mật độ cá quá dày khiến lượng tảo trong ao không phát triển kịp nên thường gây ô nhiễm nước dẫn đến tỉ lệ hao hụt rất cao, có khi tới trên dưới 40%. Chính vì vậy mà nuôi cá chẽm theo mô hình công nghiệp khó có lãi cao.

Chuyển sang nuôi theo mô hình quảng canh, theo ông Dũng là khá an nhàn. Do vậy ông đã nuôi tới 10ha mặt nước với số lượng cá giống thả lên đến 30 ngàn con. Ước tính, vụ cá này ông Dũng sẽ thu trên 20 tấn cá chẽm. Tuy mật độ cá thả thưa (3 ngàn con/ha) nhưng độ hao hụt cá thấp, khoảng 20%. Thức ăn cũng không tốn như nuôi công nghiệp, trong 4 tháng đầu cá tự tìm thức ăn có sẵn trong ao như tép, cá thiên nhiên và cá rô phi thả bổ sung. Như vậy, lượng thức ăn phải cung cấp cho cá tốn khá ít.

Ông Dũng nói: "Những ao có diện tích từ 1ha trở lên thì tép và cá thiên nhiên có trong ao khá nhiều. Ở 2 tháng đầu, cá chẽm còn nhỏ thì đây là nguồn thức ăn lý tưởng nhất. Cùng với lúc thả cá chẽm thì thả luôn cá rô phi. Cá rô phi có tập tính đẻ nhanh và khỏe, đến khi cá chẽm lớn cá rô phi sẽ là mồi chính cho cá chẽm. Chỉ đến tháng thứ 5 mới phải cho cá ăn bổ sung, do lúc này cá ăn mạnh và thức ăn trong ao không cung cấp đủ nữa”.

Cá nuôi theo mô hình quảng canh mật độ thấp, nguồn nước trong ao luôn sạch nên cá lớn khá nhanh. Trong vòng 6 tháng, trung bình mỗi con cá chẽm đạt trên dưới 1kg. Ông Dũng cho hay, 1ha ao nuôi quảng canh sản lượng cá đạt khoảng 2,5 tấn. Với giá cá chẽm thương phẩm hiện thời là 70 ngàn đồng/kg, thì người nuôi cũng có thu nhập trên 170 triệu đồng. Trừ tiền giống, tiền thức ăn bổ sung, chủ ao còn lãi trên 100 triệu đồng một vụ cá/1ha ao. Nuôi quảng canh trong ao luôn sạch nên không tốn thời gian phơi, xử lý ao như nuôi công nghiệp, vì vậy 1 năm có thể quay vòng được tới 2 vụ cá.

Theo ông Trần Tiến Nhạn, cán bộ nông nghiệp xã Long Thọ, hiện nay ở Long Thọ đã có trên 150ha ao có thể nuôi cá chẽm quảng canh. UBND xã đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình này giúp các hộ dân ở đây chuyển đổi sản xuất. Vừa qua, Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cũng đã phối hợp với hộ nuôi ở ấp 3 xã Long Thọ để xây dựng mô hình điểm về nuôi cá chẽm quảng canh nhằm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong huyện sau này.

Quả thực, nếu con cá chẽm có thể phát triển tốt được trên vùng đất này sẽ là một cơ hội phát triển kinh tế cho vùng nước lợ đang khó khăn về chuyển đổi cây trồng vật nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Những Tỷ Phú Ở Thượng Nguồn Sông Mã Những Tỷ Phú Ở Thượng Nguồn Sông Mã

Chưa bao giờ, ở huyện vùng cao biên giới Sông Mã (Sơn La) phong trào làm giàu, thúc đẩy kinh tế trang trại lại phát triển mạnh mẽ như những năm gần đây, khi mô hình "nuôi thả ba ba núi" xuất hiện.

19/02/2011
Thành Công Từ Một Cách Làm Táo Bạo Thành Công Từ Một Cách Làm Táo Bạo

Khúc sông Luỹ Thầy đoạn chảy qua trước nhà ông, không chỉ vợ con, mấy người trong làng mà cả mấy cán bộ của xã cũng hết sức can ngăn vì họ cho rằng ông hơi “liều” khi dám đem hàng chục triệu đồng bỏ xuống sông, xuống bể

19/02/2011
Các Biện Pháp Đối Phó Với Dịch Bệnh Ở Tôm Các Biện Pháp Đối Phó Với Dịch Bệnh Ở Tôm

Thời gian gần đây nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình có tình trạng tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Nhiều hộ nuôi đã tỏ ra lo lắng và thiệt hại cũng không nhỏ. Vậy cơ quan chức năng đã có những động thái nào để ngăn chặn dịch bệnh, làm người nuôi yên tâm?

19/02/2011