Giá / Tin nông nghiệp

Mất mùa, giá lúa tươi giảm, nông dân Hà Tĩnh kém vui

Mất mùa, giá lúa tươi giảm, nông dân Hà Tĩnh kém vui
Tác giả: Trà Giang
Ngày đăng: 26/05/2022

Bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành

Vụ lúa xuân năm 2022, ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Hòa Sơn, xã Hương Xuân, Hương Khê gieo cấy 3 sào giống lúa ADI 168 thì cả 3 sào đều bị đạo ôn cổ bông từ gốc tới ngọn.

“Bữa đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông tôi có phun phòng 2 lần nhưng vẫn bị nặng. Bây giờ định gặt về lấy rơm cho bò ăn chứ lúa không có gì nữa”, ông Dũng vừa tuốt những bông lúa bị đạo ôn ăn trắng xóa vừa thở dài.

Chung tâm trạng buồn rầu vì mất mùa, bà Nguyễn Thị Liên, thôn Ninh, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà cho biết, năm nay, gia đình bà gieo cấy hơn một mẫu giống lúa ADI, Nếp, Khang dân và Bắc Thịnh nhưng lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông và chuột phá hoại nên thu hoạch chẳng được là bao.  

Cẩm Xuyên - một trong những vựa lúa lớn của Hà Tĩnh đang vào cao điểm thu hoạch. Không tấp nập mua bán, không nhiều những chuyến xe tải của các doanh nghiệp về thu gom lúa như mọi năm, không khí ngày mùa dường như trầm đi vì giá các loại lúa giảm khá mạnh. Theo khảo sát, giá lúa đang được tiểu thương, doanh nghiệp mua tại chân ruộng ở mức 4.500 đồng - 5.000 đồng/kg tùy loại và chất lượng.

Nhiều diện diện tích lúa xuân ở Thạch Hà giảm năng suất 50 - 70% khiến người dân không muốn thu hoạch.

“Giá lúa tươi KD18 đang được thu mua từ 4.500 - 4.700 đồng/kg, Nếp 98 thì “nhỉnh” hơn, nhưng cũng không quá 6.000 đồng/kg, trong khi có những năm giá lúa 2 loại này lên đến 5.500 đồng/kg (đối với Khang Dân 18 và gần 8.000 đồng đối với Nếp 98. Không những vậy, năm nay mọi vật tư đều tăng, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy cày làm đất... đến tiền thuê máy gặt cũng tăng 20 - 30 nghìn đồng/sào (150 - 160.000 đồng/sào). Tính ra, vụ sản xuất này chúng tôi gần như không có lãi nữa", bà Nguyễn Thị Minh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên cho biết.

Giá lúa tươi tại chân ruộng thấp không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà gần như là tình trạng chung hiện nay ở Hà Tĩnh.

Theo chủ các đầu mối thu mua nguyên nhân khiến giá lúa năm nay giảm là do ảnh hưởng chung, sản phẩm đi các thị trường tại Trung Quốc gặp khó khăn; cước phí vận tải, kho bãi tăng nên phần lớn các nhà buôn lớn chỉ chủ yếu phục vụ thị trường trong nước là chính. Trong khi đó, do ảnh hưởng của nhiều đợt thời tiết xấu, sâu bệnh khiến chất lượng nhiều loại giống không đồng đều, cây nhiều hạt lép. Điều này đã khiến tiểu thương “kén” hàng hơn các năm.

Nhiều nơi mất mùa nặng

So với vụ Xuân năm 2021, năm nay, Hà Tĩnh mất mùa lớn trên diện rộng. Tình trạng sụt giảm năng suất xảy ra ở hầu hết các giống lúa, trải đều trên cả 13 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, những địa phương nào cơ cấu sản xuất giống lúa mới càng nhiều thì thiệt hại càng lớn.

Nông dân xót xa khi những bông lúa chỉ toàn hạt lép.

Gia đình anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà gieo cấy gần 1 mẫu giống lúa ADI 168 (do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI cung ứng). Trong quá trình sản xuất, anh Hùng tổ chức chăm sóc lúa như những năm trước, riêng việc phun phòng bệnh đạo ôn, gia đình anh phun 2 lần theo khuyến cáo của thôn, xã. Tuy nhiên cuối vụ, toàn bộ diện tích gần như mất trắng.

“Giờ gặt để vệ sinh ruộng chứ ban đầu tôi định đốt hết. Gặt 5 sào mà được có 19 bì lúa. Trước đây mỗi bì lúa tươi nặng khoảng 40kg thì nay chưa được 20kg (vì chủ yếu hạt lép), tính ra năng suất mỗi sào chỉ khoảng 70kg”, anh Hùng ngán ngẩm.

Theo ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, vụ xuân năm nay năng suất lúa chỉ có huyện Đức Thọ tương đương năm ngoái còn các huyện khác đều giảm từ 3 – 4 tạ/ha. 

Về nguyên nhân mất mùa có nhiều yếu tố, song phải khẳng định, năm nay thời tiết bất lợi từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch.

“Những diện tích trỗ vào 2 giai đoạn từ 15 - 22/4 và 30/4 - 2/5 đều bị nhiễm đạo ôn. Thời điểm này thời tiết âm u và mưa nên bà con không phun phòng kỹ thì lúa bị bệnh. Ngoài ra, tại một số huyện người dân sản xuất giống ngoài cơ cấu nên nhiễm đạo ôn nặng”, ông Hà nói.

Ngoài vấn đề thời tiết, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận thừa nhận một số bộ giống như J02, ADI 168, HN6, TH8 mẫn cảm với bệnh đạo ôn nên người dân phun không kỹ, không đúng kỹ thuật cũng mất mùa. 

Theo ông Thuận, năng suất vụ xuân năm nay ở Thạch Hà ước đạt xấp xỉ 53 tạ/ha, thấp hơn năm ngoái gần 6 tạ/ha.

“Do điều kiện thời tiết năm ngoái thuận lợi quá nên năm nay tư tưởng bà con một số vùng chủ quan, không nghe theo khuyến cáo để phun phòng hoặc phun thuốc không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”.

Ngoài ra, chủng nòi đạo ôn trên đồng ruộng từ vụ xuân 2017 liên tục biến đổi khiến công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn”, ông Thuận giải thích.

Đồng thời khẳng định, từ vụ xuân năm 2023 huyện Thạch Hà sẽ không đưa giống lúa ADI 168 vào cơ cấu, còn các bộ giống khác sẽ tổ chức đánh giá lại kỹ càng trước khi xây dựng đề án.

Giá lúa tươi thu mua tại chân ruộng chỉ ở mức trung bình từ 4.500 đồng - 5.000 đồng/kg.

Không chỉ có giống lúa bị mẫn cảm mà ngay cả thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu bệnh hại lúa cũng đang là mối lo lớn cho người nông dân Hà Tĩnh. Từ chất lượng thuốc khó đánh giá, đến hàm lượng phun cũng không được người dân áp dụng đúng với hướng dẫn. Lúa bị bệnh diện rộng trong khi cán bộ nông nghiệp ở các địa bàn ngày càng mỏng do sắp xếp, sáp nhập thiếu khoa học, không đồng bộ dẫn đến việc phát hiện, khuyến cáo sớm cho người dân đã không được nhanh nhạy như trước. Cùng với tác động của thời tiết bất lợi đã khiến cho nhiều cánh đồng một thời là vựa lúa của địa phương thì nay mất mùa nặng nề. 

Việc cơ cấu quá nhiều giống mới chưa đủ độ “chín” vào đề án trong một vụ sản xuất, sau đó chỉ đạo gieo cấy đại trà trên cánh đồng lớn là quá mạo hiểm. Nếu tiếp tục cơ cấu ồ ạt các giống lúa mới, mẫn cảm với bệnh đạo ôn vào sản xuất, chắc chắn tình trạng mất mùa ở Hà Tĩnh còn lặp đi lặp lại dài dài.


Có thể bạn quan tâm

Nâng chất lượng thanh long hướng đến những thị trường tiềm năng Nâng chất lượng thanh long hướng đến những thị trường tiềm năng

Gặp khó trong xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường dễ tính, đã đến lúc người trồng cần nâng cao chất lượng, thương hiệu thanh long Việt Nam để loại trái cây.

26/05/2022
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm mô hình kinh tế tại xã Tam Quang Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm mô hình kinh tế tại xã Tam Quang

Ngày 25/5, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đi thăm các mô hình kinh tế tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương)

26/05/2022
Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc gây nhiều thiệt hại về người và hoa màu

Mưa lớn, sạt lở, ngập úng những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho người dân miền Bắc.

26/05/2022