Luân Canh Bắp Lai Trên Ruộng Lúa Đạt Hiệu Quả Cao
Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.
Tuy nhiên, do địa hình đồi núi, dốc, lượng mưa hằng năm thấp, dung tích các hồ chứa nhỏ, nên về mùa khô thường bị thiếu nước sản xuất. Nhận định thời tiết năm 2013 có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nên ngay từ đầu vụ đông - xuân, UBND xã đã chủ động xây dựng kế hoạch chống hạn, chỉ đạo nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng canh tác những loại cây ít sử dụng nước. Theo đó, trong vụ có 28/116 ha ruộng lúa chuyển qua trồng bắp lai.
Mô hình trồng bắp lai trên chân ruộng lúa lần đầu áp dụng tại địa phương đem lại kết quả cao. Hộ anh Chamaléa Hết, thôn Rã Trên làm 7 sào bắp lai, đã tiết kiệm được khoản chi phí bơm nước lên đến 300 ngàn đồng/sào. Điều đáng nói là, kỹ thuật canh tác cây bắp lai không phức tạp, phù hợp với trình độ, tập quán sản xuất của bà con địa phương.
Sau khi thu hoạch lúa, anh Hết tiến hành dọn gốc rạ, cày đất, làm luống rộng 30cm, bơm nước lên ruộng cho ngập các luống rồi tháo hết nước trước khi gieo hạt. Khoảng cách giữa các cây là 20cm, lượng giống 3,5 kg/sào. Khâu chăm sóc bắp không phức tạp, sau khi gieo giống dùng thuốc trừ cỏ phun diệt suốt vụ, bón lót 50 kg phân lân/sào và 30 kg đạm chia làm 3 lần: lần một sau gieo 10 ngày, lần hai sau gieo 20 ngày, lần ba sau gieo 40 ngày.
Anh Hết, cho biết: Ở giai đoạn sau gieo 30 ngày bắp thường bị sâu đục thân, cho nên người trồng phải thường xuyên thăm đồng, để kịp thời phát hiện phun thuốc phòng trừ. Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt cao 5 tạ/sào, giá bắp thương phẩm bán cho Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố 7.300 đồng/kg. Tính ra mỗi hécta cho thu nhập hơn 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 20 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 3 triệu đồng.
Đồng chí Chamaléa Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung, cho biết: Trong điều kiện thiếu nước vào mùa khô, thì việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng bắp là hợp lý. Ngoài anh Hết ra, vụ đông - xuân vừa qua ở địa phương có nhiều hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng bắp cho thu nhập hàng chục triệu đồng, điển hình như ông Pi-năng Thạnh ở thôn Rã Trên làm 1 ha. Mô hình luân canh bắp lai vụ đông - xuân, lúa vụ hè - thu phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương sẽ được duy trì, mở rộng trong những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) về cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bước đầu đạt được những kết quả đáng mừng...
Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, các huyện thuộc vùng U Minh Thượng rộ lên phong trào nuôi tôm sú "châu Phi". Giống này được các cơ sở tôm giống bán với giá rất cao (75 đồng/con, cao hơn từ 25 - 30 đồng/con so với tôm giống bình thường), kèm theo những lời quảng cáo về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của loại tôm này.
Do lũ rút, cua đồng ít dần nên giá cua tại các chợ huyện, thị, thành ở tỉnh An Giang đã tăng đáng kể. Cụ thể giá cua từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, còn càng cua giá 120.000 - 160.000 đồng/kg.