Lúa Vụ 3 Sớm Ở ĐBSCL Đối Mặt Với Nhiều Khó Khăn
Tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện bà con nông dân đang tất bật xuống giống vụ lúa thu đông sớm (nông dân quen gọi lúa vụ 3). Theo dự báo của các nhà chuyên môn, vụ lúa này nông dân sẽ gánh chịu không ít khó khăn do áp lực dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao.
Áp lực chi phí tăng cao
Trong khi bà con nông dân tại nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn còn đang thu hoạch rộ lúa hè thu thì nông dân tại Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long… đã bắt đầu xuống giống vụ 3 sớm. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm nông dân xuống giống cũng là lúc giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng mạnh, điều này càng làm áp lực chi phí sản xuất sẽ tăng cao.
Hiện giá phân bón tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… được các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp (đại lý cấp 1 và 2) phân phối đến tay người tiêu dùng tăng bình quân từ 20.000 – 40.000 đồng/bao 50 kg so với mức giá hồi đầu vụ hè thu.
Cụ thể, phân urê Phú Mỹ, Đạm Cà Mau có giá 580.000 - 600.000 đồng/bao; giá các loại phân chuyên dùng như NPK, phân DAP…, cũng tăng từ 20.000 – 35.000 đồng/bao 50 kg so với mức giá hồi đầu vụ hè thu rồi.
Ông Nguyễn Văn Thuận, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang nói: "vụ này chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng nữa cho mà xem bởi mới đầu vụ mà giá cả vật tư nông nghiệp đã tăng rất mạnh".
Ngoài việc giá cả vật tư tăng cao, hiện bà con nông dân còn gánh chịu dịch ốc bưu vàng hoành hành, càng làm chi phí sản xuất tăng cao. Ông Nguyễn Văn Tấn, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An nói: “Năm nay ốc bưu vàng phá dữ quá, đám ruộng của tôi mới sạ được mấy đêm mà đã phun 2 lần thuốc diệt ốc rồi đó”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, vụ lúa thu đông này tỉnh có kế hoạch xuống giống 52.000 héc ta. Theo đó, lịch xuống giống chia làm 2 đợt: đợt 1, từ 8/6 – 30/6 với diện tích xuống giống dự kiến là 40.000 héc ta, đợt 2, từ 10/7 – 20/7 sẽ xuống giống phần diện tích còn lại.
IR 50404 vẫn được “chuộng”
Dù được ngành nông nghiệp các địa phương đã đưa ra khuyến cáo, không nên gieo sạ lúa chất lượng thấp (IR 50404) quá 20% diện tích, thế nhưng, thực tế nông dân vẫn “chuộng” loại lúa này và diện tích xuống giống cũng liên tục tăng lên.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, vụ thu đông này nông dân nên sử dụng sử các loại lúa chất lượng cao, giống xác nhận để gieo sạ, hạn chế đến mức thấp nhất lúa chất lượng thấp. Tuy nhiên, diện tích lúa chất lượng thấp được nông dân sử dụng để gieo sạ lại rất lớn.
Tại Tiền Giang, dù chưa có con số thống kê chính thức từ các địa phương về diện tích lúa IR 50404 được nông dân gieo sạ. Thế nhưng, tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè có nơi diện tích xuống giống lên đến 50 – 60% diện tích.
Giải thích lý do vẫn “chuộng” giống IR 50404, bà con nông dân cho rằng đây là loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Đặc biệt, lúa IR 50404 vẫn được thị trường chấp nhận, tiêu thụ ổn định, dù giá không bằng so với các loại lúa chất lượng cao hay lúa thơm.
“Tôi cũng có nghe địa phương khuyến cáo không nên sạ lúa IR 50404 nhưng nông dân chúng tôi vẫn làm vì suy cho cùng lợi nhuận của lúa chất lượng cao cũng đâu hơn được lúa này (IR 50404) bao nhiêu đâu”, ông Nguyễn Văn Thảo, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cho biết.
Một lý do khác khiến diện tích lúa IR 50404 có khả năng tăng mạnh trong vụ thu đông này là do lịch thời vụ xuống giống năm nay trễ hơn so với mọi năm (vụ đông xuân vừa qua xuống giống trễ) nên nông dân sử dụng giống ngắn ngày để kịp thu hoạch trước khi lũ về.
Có thể bạn quan tâm
Là vùng đất phèn, qua nhiều thế hệ, người dân xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) đã quen với cây khóm, loại cây đặc sản của vùng đất Hậu Giang. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều người đã cải tạo đất trồng mía thay khóm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bước sang đầu tháng 8 giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, giá lợn hơi khu vực phía Bắc ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg trong khi tại khu vực phía Nam là 57.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7
Vất vả làm ra hạt lúa, người dân lại phải tự tìm kiếm sân phơi, rồi bán tháo, bán đổ với giá thấp để trang trải chi phí đầu tư… nên từ lâu, nhiều nông dân chưa thể làm giàu trên chính mảnh ruộng của họ. Nghịch lý này có thể được khắc phục dần nếu lãnh đạo các tỉnh, thành tích cực hơn trong việc đẩy mạnh mô hình hợp tác, liên kết sản xuất mới để doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nông dân