Giá / Tin nông nghiệp

Lúa TBR117 vững vàng trước mưa dông, nắng hạn

Lúa TBR117 vững vàng trước mưa dông, nắng hạn
Tác giả: Lê Khánh
Ngày đăng: 17/09/2019

Khảo nghiệm liên tiếp trong nhiều mùa vụ ở tỉnh Quảng Ngãi, giống TBR 117 cho thấy khả năng thích ứng với tốt với mọi điều kiện khí hậu và đồng đất, năng suất cao.

Giống lúa TBR117 cho năng suất cao tại Quảng Ngãi.

TBR117 là giống lúa thuần do Cty CP Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) chọn tạo, đã tham gia khảo nghiệm trong hệ thống khảo nghiệm Quốc gia. Đây là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng trong vụ ĐX từ 100 – 105 ngày, vụ HT 90 – 95 ngày. Ở khu vực miền Trung, TBR117 cũng đã được Chi nhánh ThaiBinh Seed tại miền Trung – Tây Nguyên thực hiện sản xuất thử ở nhiều địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đem lại kết quả hơn cả mong đợi.

Vụ HT năm 2019, tại Quảng Ngãi, Chi nhánh ThaiBinh Seed tại miền Trung – Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn triển khai mô hình trình diễn giống lúa TBR117 tại xứ đồng Thạch Nham (thôn Phước Bình, Bình Nguyên) trên diện tích 1ha. Dù năm nay, thời tiết tại miền Trung nắng nóng kéo dài, nước tưới thiếu hụt nghiêm trong cùng với khí hậu khắc nghiệt nhưng đồng lúa TBR117 vẫn phát triển tốt, đạt năng suất.

Ông Phạm Hữu Huế, Phó Giám đốc Chi nhánh ThaiBinh Seed tại miền Trung – Tây Nguyên cho biết, đây là vụ thứ 5 (2 vụ ĐX và 3 vụ HT) giống TBR117 được trồng khảo nghiệm tại tỉnh Quảng Ngãi. Các vụ trước, giống được trồng ở nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh như huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh… đều được các hộ sản xuất hưởng ứng.

“Qua các vụ khảo nghiệm thì lúa TBR117 cho thấy khả năng thích ứng được trên nhiều chân đất và phù hợp với cả vụ ĐX và HT. Đặc biệt, trong vụ HT, giống lúa này cho thấy khả năng chống chống chịu tốt, ít xuất bị thối thân như các giống lúa khác. Chúng tôi đang tiến hành hoàn thiện thủ tục để trình Bộ NN-PTNT xét công nhận là giống chính thức trong tháng 9/2019”, ông Huế nói.

Là một trong những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình khảo nghiệm giống TBR117, ông Nguyễn Luận (trú thôn Phước Bình) chia sẻ, đây là lần đầu tiên gia đình ông canh tác giống lúa này. Qua thực tế sản xuất ông nhận thấy, so với các giống lúa khác mà gia đình ông thường hay sử dụng trong vụ HT trước đây thì lúa TBR117 năng suất tương đối cao, đạt khoảng 65 tạ/ha. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư trên cùng một diện tích của giống lúa này tốn ít hơn, trong một vụ chỉ tốn 2 lần phun thuốc trừ cỏ. Với 1 sào, tiết kiệm được từ 100.000 – 150.000 đồng.

TBR 117 được ngành chức năng và bà con đánh giá cao.

Nhận xét thêm về những ưu điểm vượt trội của TBR117, bà  Nguyễn Thị Hợi (trú thôn Phước Bình) chia sẻ: “Năm nay tôi cũng trồng 2 sào lúa TBR117, ngoài đạt năng suất thì tôi thấy giống lúa này còn rất cứng cây. Trong thời gian sản xuất, dù gặp phải một số trận mưa dông nhưng cả ruộng lúa đều không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, TBR117 còn có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt. Thông thường trong vụ HT, lúa ở địa phương thường hay bị đạo ôn nhưng ruộng của tôi không bị gì. Do vậy, trong các mùa vụ tới, tôi mong muốn được tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất giống lúa này”.

Trước những hiệu quả nhận thấy được trong quá trình khảo nghiệm, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho rằng, TBR117 là một giống lúa chất lượng của ThaiBinh Seed và qua thực tế sản xuất cho thấy rất được bà con nông dân ủng hộ. Trong thời gian tới Trung tâm mong muốn Cty tiếp tục trồng khảo nghiệm thêm một số mùa vụ nữa ở các địa phương khác trên địa bàn huyện có điều kiện khí hậu thổ những khắc nghiệt hơn nhằm khẳng định được khả năng chống chịu tốt của giống.

“Chúng tôi cũng mong muốn Cty sớm hoàn thành các thủ tục để giống lúa TBR117 được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức. Cùng với những kết quả đạt được từ nhiều lần khảo nghiệm nhằm có cơ sở để tham mưu Sở NN-PTNT tỉnh đưa vào cơ cấu giống của địa phương, thay thế các giống lúa đã dần thoái hóa như Khang dân 18 hay ĐV108”, ông Khoa đề nghị. 


Có thể bạn quan tâm

Cây cho chùm trái nhỏ màu hồng, vừa ngọt vừa chua, chuộng làm kiểng Cây cho chùm trái nhỏ màu hồng, vừa ngọt vừa chua, chuộng làm kiểng

Ông Huỳnh Văn Ràng, 62 tuổi, quê ở ấp Trường Thọ B, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đang sở hữu một vườn si rô vô cùng ấn tượng.

17/09/2019
Khởi nghiệp bằng nuôi chim bồ câu Pháp Khởi nghiệp bằng nuôi chim bồ câu Pháp

Nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, bồ câu Pháp giống, anh Trịnh Văn Trường, đoàn viên thanh niên thôn Bồn Thôn, xã Trung An (Vũ Thư) thu lãi hơn 150 triệu đồng

17/09/2019
Nông dân say lúa TBR45 Nông dân say lúa TBR45

Giống lúa TBR45 của Cty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed đã khẳng định nhiều đặc tính ưu việt như kháng sâu bệnh, cứng cây và đặc biệt là cho năng suất cao.

17/09/2019